Kinh tế số: Doanh nghiệp cần thích nghi để tồn tại

08/11/2018

Kinh tế số cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và hệ thống quản trị, buộc doanh nghiệp phải thích nghi nếu muốn tồn tại.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão. Hàng loạt các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo, robot... được ứng dụng ngày càng nhiều tạo nên nền kinh tế số.

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng

Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nền kinh tế số hiện trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và mọi quy mô đang gia tăng sự phụ thuộc vào nền tảng Internet an toàn, ổn định và đáng tin cậy, giúp họ thực hiện những hoạt động vận hành hàng ngày. Phần lớn các quốc gia tại châu Á đang làm việc để phát triển một nền kinh tế hiện đại, mang lại những công việc thu nhập cao cho người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, đa số doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị mới của nền kinh tế số.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, doanh nghiệp của Việt Nam có 98% là nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ lại là rất nhỏ so với thế giới. Thậm chí, có xu hướng nhỏ đi so với cách đây 10 năm. Với quy mô như vậy, doanh nghiệp không có cách gì để đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để vượt lên được. Muốn đầu tư đổi mới khoa học công nghệ hay hệ thống quản trị đều phải có chi phí nhất định.

"Ngoài ra, hơn 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đăng ký trong lĩnh vực thương mại, nhưng tương đối đơn giản. Nhiều cửa hàng bán buôn, bán lẻ mọc ra như nấm ở các nơi. Nếu doanh nghiệp làm chủ yếu trong lĩnh vực đó, công nghệ của họ là gì???", bà Phạm Chi Lan nêu ý kiến.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, muốn tồn tại và phát triển trong thời kinh tế số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và hệ thống quản trị. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ phải chọn lĩnh vực chính để tập trung làm.

"Cứ dàn trải ra thì không thể đổi mới được. Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng vậy. Nếu kinh doanh dàn trải thì không thể đổi mới được. Đây là một trong những lí do mà Chính phủ trong những năm gần đây ra sức thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các Tập đoàn kinh tế là tập trung vào những ngành cốt lõi. Nếu cốt lõi chưa mạnh thì không thể nói đến chuyện đi vào các ngành khác được", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Bà Chi Lan cũng cho rằng, muốn tồn tại trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp phải quan tâm đến nghiên cứu và phát triển (R&D). Doanh nghiệp Việt tuy nhỏ nhưng có thể liên kết theo ngành, lĩnh vực để thực hiện R&D. Có như vậy mới mong nâng cao ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản trị.

"Một doanh nghiệp không làm được. 10 doanh nghiệp không làm được. 100 doanh nghiệp trong cùng một ngành hoàn toàn có thể cùng nhau bỏ tiền để cùng nhau nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm của mình ra sao. Lĩnh vực nào của Việt Nam cũng có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia. Phải hiểu tầm quan trọng để có cách làm phù hợp, chứ không phải doanh nghiệp nào cũng làm R&D hết", bà Chi Lan khuyến nghị.

Đồng quan điểm, TS Dương Trọng Hải, Viện trưởng Viện KHCN Industry 4.0 cho rằng việc nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ nên bắt đầu từ cơ sở, từ nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cùng lĩnh vực tập hợp nhu cầu với nhau để tạo thành đơn đặt hàng lớn cho các viện, trường...

"Quan trọng nhất của R&D chính là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Để tập hợp các nhu cầu thực tế cần các định chế trung gian như Sở Thông tin KHCN các địa phương, hội, hiệp hội chuyên ngành...Khi nhu cầu có các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam hiện nay đều có khả năng hỗ trợ. Từ đó, khoa học công nghệ mới có thể được ứng dụng vào giải quyết vấn đề trực tiếp của đời sống, sản xuất, kinh doanh", TS Dương Trọng Hải cho hay.

Trên thế giới hiện nay không chỉ có nhà máy lĩnh vực công nghiệp mà cả nhà máy lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt hoạt động hoàn toàn dựa vào robot và trí tuệ nhân tạo.

Dự báo đến năm 2025, sẽ có khoảng 75,44 tỷ thiết bị IoT được kết nối. Các doanh nghiệp hiện tập trung đầu tư vào công nghệ số để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng. Doanh nghiệp Việt cũng buộc phải đổi mới sáng tạo, hướng tới năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối các ngành kinh tế, hình thành chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Theo VOV


Tin khác