Vô số bất cập logistics 'cản chân' nông sản Việt

25/11/2019

Hiện nay, có nhiều bất cập của logistics ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và thương mại nông sản. Trong đó, điểm nổi cộm là chi phí logistics còn chưa hiệu quả; hạn chế trong đầu tư công nghệ chuỗi lạnh (cold chain) và sự thiếu liên kết trong hệ thống thô.

90% lượng rau quả và hoa tươi xuất khẩu hiện nay vẫn được các doanh nghiệp sử dụng phương thức vận tải biển thay vì đường hàng không. Ảnh: Nguyễn Thanh

Chi phí nặng “vai” doanh nghiệp

Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2019, trong đó điểm khá đặc biệt của báo cáo năm nay so với các năm trước là Bộ Công Thương đã dành riêng một chương để đánh giá về chuyên đề logistics phục vụ hàng nông sản.

Theo đó, hiện nay có nhiều bất cập của logistics ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và thương mại nông sản. Trong đó, điểm nổi cộm có thể kể đến như chi phí logistics còn chưa hiệu quả; hạn chế trong đầu tư công nghệ chuỗi lạnh (cold chain) và sự thiếu liên kết trong hệ thống thông tin thị trường.

Khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho thấy: Chi phí logistics trong giá thành chiếm tỷ trọng khác nhau giữa các loại hàng nông sản. Điển hình như, logistics của hồ tiêu chiếm tỷ trọng thấp (15%); tỷ trọng khá cao với hàng trái cây tươi (60 - 70%).

Ngoài chi phí vận tải, báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra: Các loại phí kiểm tra chuyên ngành khá cao. Ví dụ, phí giám định, kiểm vi sinh đối với hàng cà phê khoảng 30 USD/container, hạt điều khoảng 300 - 350 USD/container. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng khá lâu, từ 1-2 ngày, làm phát sinh chi phí giám sát, lưu container, lưu bãi từ đó tăng chi phí logistics.

“Chi phí vận tải quốc tế cho 1 kg thanh long sang Mỹ qua đường hàng không khoảng 3,5 USD/1 kg, chưa tính chi phí chiếu xạ (từ 0,5 USD-1 USD/kg) cũng như chưa tính chi phí vận tải nội địa. Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/1 kg thì riêng chi phí logistics vận tải quốc tế đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu”, Bộ Công Thương đưa ra dẫn chứng khá chi tiết.

Một điểm đáng lưu ý trong Báo cáo logistics 2019 là, dù là loại hàng khắt khe trong quá trình bảo quản, nhưng 90% lượng rau quả và hoa tươi xuất khẩu hiện nay vẫn được các doanh nghiệp sử dụng phương thức vận tải biển thay vì đường hàng không, để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ngay với vận tải biển, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng cho rằng, chi phí vẫn cao.

Bên cạnh câu chuyện chi phí, những hạn chế trong đầu tư cold chain cũng được báo cáo của Bộ Công Thương đề cập khá cụ thể.

Tại Việt Nam, chuỗi này vẫn trong giai đoạn mới phát triển. Xe tải đông lạnh chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Các thiết bị vận tải trang bị cho cold chain so với các nước khác còn thiếu chuyên nghiệp, rất nhiều xe không có cách nhiệt tiêu chuẩn, thiếu mạng lưới thông tin logistics nội bộ và chuỗi cung ứng.

Những năm gần đây, với nhu cầu gia tăng của thị trường, một số công ty logistics đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng kho lạnh với quy mô lớn. Tuy nhiên thị trường kho lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh.

Những nhà cung cấp dịch vụ kho lạnh có thị phần tương đối như: Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, ABA, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Nhiều kỳ vọng

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Trong chuỗi giá trị nông sản, logistics chính là “phụ gia” để liên kết từng “mắt xích”. 

“Phụ gia” này đảm nhiệm việc đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển nông sản từ ruộng của hộ nông dân đến kho hợp tác xã; từ kho hợp tác xã đến kho của doanh nghiệp và từ kho của doanh nghiệp ra “chợ” thế giới.

Để đánh giá tổng thể về hiện trạng và nhu cầu logistics phục vụ hàng nông sản, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) và Trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM đã phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo đại diện ban chấp hành của các hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chè... và ghi nhận được nhiều mong đợi về hệ thống logistics tại Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú ý cải thiện hệ thống dịch vụ; đầu tư hệ thống xe lạnh bài bản, trang bị đầy đủ công nghệ thông tin logistics để giúp các bên trong chuỗi có thể kiểm soát nhiệt độ và theo dõi tình trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển của xe lạnh, kịp thời xử lý mọi vấn đề phát sinh.

Nhiều doanh nghiệp nông sản cho rằng, rất cần các kho hàng logistics dành cho hàng nông sản được xây dựng ở những vị trí kết nối trực tiếp với nhà ga, cảng lớn có trung tâm kiểm nghiệm, để tiện việc đóng gói, sơ chế, xuất khẩu và giám định chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics cần kết nối với các cơ quan chức năng nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là thông quan nhanh chóng.

Đối với Nhà nước, Hiệp hội Rau quả kiến nghị nên tăng số lượng công ty chiếu xạ, giảm giá thành logistics, kiểm soát giá cước hàng không và vận tải biển. Hiệp hội Điều kiến nghị, cần kiểm soát những đơn vị cung cấp tàu biển do phí tàu biển chưa được minh bạch, nhiều chi phí bàn nhiều nhưng chưa giảm…

Các hiệp hội nông sản cũng kiến nghị Nhà nước xem xét để giảm giá phí cầu đường, phí BOT, tăng cự ly các trạm BOT nhằm phù hợp với khả năng của doanh nghiệp; minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan và vận tải đường bộ để chi phí không chính thức không còn là gánh nặng cho hoạt động logistics; tăng cường hậu kiểm, giảm các mức phí và lệ phí trong xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp

Theo báo Hải quan


Tin khác