Khó vay vốn tín dụng vì đâu?
Vốn được xem là hệ thống mạch máu, quyết định đến sự phát triển của hợp tác xã (HTX) nhưng từ lâu đã bị tắc nghẽn. Bởi thế, ngày 23/4, Liên minh HTX Việt Nam cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể” tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành với sự tham dự gia của hơn 2.400 đại biểu. Hội thảo do bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì.
Theo thống kê tính đến hết năm 2023 cả nước có 30.698 HTX, 137 Liên hiệp HTX, trong đó 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%). Ông Nguyễn Anh Đức- Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM cho biết hiện mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX vẫn đang từng bước phát triển và là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất của phần lớn các HTX còn gặp nhiều khó khăn do đa số HTX thường có quy mô nhỏ, vốn ít, tính liên kết giữa các thành viên còn thấp, chưa tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường, hoạt động kém hiệu quả nên việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.
Thực tế chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng, chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các quỹ trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng trong khi nhu cầu vốn của khu vực kinh tế tập thể.
Nguyên nhân chủ yếu gồm: Một là tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX còn nhiều khó khăn; Hai là, nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị điều hành, tính liên kết trong sản xuất không cao, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường dẫn đến phương án sản xuất - kinh doanh khi vay vốn kém khả thi.
Ba là, giá trị tài sản mang đi thế chấp của các HTX thường không cao do phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất còn lạc hậu nên không thể tìm được nguồn tài trợ cho các dự án có giá trị lớn. Bốn là, báo cáo tài chính của hầu hết các HTX không được đơn vị kiểm toán độc lập thẩm định nên chưa đáp ứng về điều kiện phải có báo cáo tài chính được kiểm toán theo yêu cầu của hồ sơ vay. Năm là, các ngân hàng thường e ngại khi cho vay theo hình thức tín chấp, không có tài sản đảm bảo sẽ dẫn đến rủi ro.
Về tiếp cận vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tính đến 30/9/2023, cả nước có 50 quỹ HTX địa phương trong đó có 7 quỹ có vốn hoạt động trên 50 tỷ đồng, 16 quỹ có vốn hoạt động từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, 21 quỹ có vốn hoạt động từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng, 3 quỹ có vốn hoạt động dưới 5 tỷ đồng và 3 quỹ chưa được cấp vốn điều lệ để hoạt động. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 45 giới hạn cho vay dành cho 1 khách hàng không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có trong khi hầu hết các quỹ HTX đều có vốn điều lệ khá thấp nên số tiền cho vay đối với 1 khách hàng là không cao, chỉ đáp ứng nhu cầu vốn vay lưu động để duy trì sản xuất, không đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn...
Toàn cảnh của hội thảo. Ảnh: Dương Đình Tường.
Khi không thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng, cũng như quỹ HTX, các HTX thường vay trực tiếp từ các thành viên của HTX. Tuy nhiên, theo quy định chuyển tiếp tại Điều 115 Luật HTX thì HTX, liên hiệp HTX phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ này. Khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Các giải pháp được ông Đức đưa ra gồm: Một là, các HTX cần nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hai là, các HTX cần có sự công khai, minh bạch trong công tác kế toán, báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi một đơn vị kiểm toán độc lập nhằm tạo niềm tin trong nội bộ thành viên HTX, các tổ chức tín dụng, các cơ quan ban ngành ...để có thể đáp ứng điều kiện vay vốn.
Ba là, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị liên quan thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX, từ đó kiến nghị các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn. Bốn là, ngân hàng cần có chính sách vay vốn riêng với các thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp loại hình hoạt động HTX, không áp dụng cùng chính sách vay với các loại hình doanh nghiệp khác…Cuối cùng là xem xét bãi bỏ quy định về chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ.
Trạm bơm của một HTX ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông Tạ Viết Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) kể năm 2021 chính mình đã dùng quyền sử dụng đất để thế chấp và được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Nội cho vay 500 triệu đồng phục vụ sản xuất kinh doanh, đến năm 2024 đã hoàn thành trả nợ. Năm 2020 và 2021 HTX được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Viêt Nam hỗ trợ cho vay 750 triệu đồng mua 2 xe ô tô vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh, thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, đến nay đã hoàn thành 2/3 nợ.
“Trước khi được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Nội và Quỹ Trung ương cho vay vốn, HTX đã tiếp cận một số ngân hàng thương mại nhưng không đáp ứng được các yêu cầu, các điều kiện vay vốn như: Tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, báo cáo tài chính...Giải pháp theo tôi, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù để phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước; Cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết khi các HTX có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương án thế chấp tài sản hình hành từ vốn vay; Thời gian vay vốn dài để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh;
Hỗ trợ đào tạo đội ngũ lãnh đạo HTX theo chuyên đề và theo trình độ phù hợp với khả năng tiếp thu của học viên tập trung vào đào tạo quản trị, marketing, thị trường, lập phương án kinh doanh, kỹ năng đàm phán...Giải quyết bài toán sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ manh mún bằng cách các HTX tích cực tham gia vào chuỗi giá trị để phát huy tối đa khả năng, tiềm năng của từng HTX. Đặc biệt các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ, hệ thống ngân hàng cũng phải tham gia vào chuỗi giá trị này”.
Sản xuất ngô ở một HTX ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc
Đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng cho khoảng 1.200 HTX, Liên hiệp HTX vay, giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Hội thảo đã chỉ rõ những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng. Do đó cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ 1.7.2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó sự nỗ lực của bản thân từng HTX, của từng thành viên để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.
Hầu hết các HTX đều đang khó vay vốn để đầu tư cơ giới hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39 tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.