Hệ thống đổi mới sáng tạo là gì? Góc nhìn từ ngành nông nghiệp

05/09/2024

Hoạt động Đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh trong rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây. Những văn bản này đều khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của đổi mới sáng tạo trong việc phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực của đất nước.

 

 

Định nghĩa đổi mới sáng tạo

Điểm 16 Điều 13 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. Theo Uỷ ban Châu Âu - EC (1995), đổi mới sáng tạo là “sản xuất thành công, đồng hóa và khai thác tính mới trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội”. Đổi mới sáng tạo là sự đổi mới và mở rộng phạm vi của các sản phẩm và dịch vụ thị trường liên quan; thiết lập các phương thức sản xuất, cung ứng và phân phối mới và giới thiệu các thay đổi trong quản lý, tổ chức công việc; các điều kiện và kỹ năng làm việc của lực lượng lao động.

Theo Cẩm nang Oslo 2005 (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, 2013)(1), đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/ dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài. Các định nghĩa trong Cẩm nang Oslo 2005 được bổ sung, phát triển từ Cẩm nang Oslo 1997. Trong đó, đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình trong Cẩm nang Oslo 2005 tương tự như định nghĩa trong Cẩm nang Oslo 1997, được gọi chung là đổi mới công nghệ. Các loại Đổi mới sáng tạo bao gồm: Đổi mới sáng tạo về sản phẩm; Đổi mới sáng tạo trong quy trình sản xuất kinh doanh; Đổi mới sáng tạo về thị trường; Đổi mới sáng tạo về tổ chức.

Hình 1: Minh họa về hoạt động đổi mới sáng tạo

Nguồn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, 2013

Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp liên quan đến nhiều tác nhân như khuyến nông, nhà khoa học, đơn vị chuyển giao hoặc đơn vị áp dụng đổi mới, những đơn vị/ cá nhân tư vấn và thông tin về các đổi mới. Trong đó các tổ chức nghiên cứu, khuyến nông, đào tạo và dạy nghề được coi là những tác nhân chính của hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

- Hệ thống khoa học công nghệ phát triển bao gồm khoa học nghiên cứu cơ bản, chiến lược dài hạn, thích ứng với sự thay đổi của môi trường, xã hội và kinh tế. Hệ thống khoa học công nghệ đóng vai trò cung cấp kiến thức, công nghệ, quy trình hiệu quả áp dụng trên phạm vị cả nước hoặc ở phạm vị địa phương.

- Khuyến nông đóng vai trò chuyển giao công nghệ và kết nối người nông dân.

- Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo trong việc phát triển nguồn nhân lực và cung cấp tri thức cũng như các công nghệ cần thiết cho nông nghiệp.

- Các cơ quan nhà nước (kiểm định, quản lý đất đai, tài chính) cung cấp hướng dẫn chiến lược, hỗ trợ tài chính cho các nhà nghiên cứu và cố vấn trong các tổ chức công và tư, cơ sở hạ tầng nghiên cứu như cơ sở dữ liệu, phòng thí nghiệm và công nghệ thông tin và truyền thông. Nhà nước cũng thực hiện các chính sách và quy định ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đổi mới, ví dụ như hỗ trợ đầu tư, chính sách thuế, chính sách nông nghiệp và nông thôn, các quy định về lao động, người tiêu dùng và môi trường.

-  Các tổ chức trung gian và điều phối (môi giới, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp đầu vào) giúp phổ biến đổi mới trong các trang trại và công ty nông sản thực phẩm. Các tổ chức từ thiện và phi chính phủ đóng vai trò tài trợ cho đổi mới, cung cấp thông tin và tư vấn.

- Nông dân, doanh nghiệp và các tác nhân khác tham gia vào sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản đóng vai trò áp dụng các đổi mới sáng tạo đồng thời cũng là tác nhân cung cấp tín hiệu thị trường về nhu cầu khoa học công nghệ và tri thức đối với các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao đổi mới sáng tạo.

Hình 2: Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

A diagram of a green circle with white textDescription automatically generated

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2012

Hình 2 trình bày một khung khái niệm đơn giản hóa cho hệ thống đổi mới nông nghiệp. Hình trên cho thấy các tác nhân chính (các nhà cung cấp và người dùng công nghệ và kiến ​​thức nông nghiệp điển hình, cũng như các tổ chức cầu nối hoặc trung gian tạo điều kiện cho sự tương tác với nhau); các tương tác tiềm năng giữa các tác nhân; các chính sách nông nghiệp và các tổ chức phi chính thức, hoạt động hỗ trợ hoặc cản trở quá trình đổi mới.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp giúp thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số để tăng thu nhập cho nhà nông và tiếp cận các tiêu chuẩn của thế giới. Với những lợi ích trên, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp là câu chuyện được nhiều bộ, ngành và địa phương quan tâm trong những năm gần đây. Ngày 16/01/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký ban hành Quyết định 296/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

- Nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%.

- Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mơi sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.  

(Nguyễn Chí Trung, Ban Chính sách và Chiến lược/Ipsard)

Tài liệu tham khảo

Đặng Văn Cử (2022), Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó,  Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2013) Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp – Khung phân tích và vai trò của chính phủ

Ngân hàng Thế giới (2012), Hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, sổ tay đầu tư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023), Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

 


Tin khác