Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các nhà tài trợ. * EU cam kết ODA cho VN đạt 720 triệu euro. "Chính phủ VN luôn nhận thức rõ trách nhiệm trước nhân dân và cộng đồng quốc tế để sử dụng nguồn vốn ODA sao cho hiệu quả nhất.
Chúng tôi sẽ không để thế hệ tương lai của VN phải chịu gánh nặng trả nợ và phê phán thế hệ đi trước đã lãng phí nguồn vốn này" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) 2006 - khai mạc sáng 14.12 tại Hà Nội.
Tập trung ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ VN luôn mong muốn được "tiếp tục đồng hành cùng các nhà tài trợ" trong thời gian tới. "Tôi xin khẳng định VN rất có trách nhiệm trong việc sử dụng vốn ODA" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, Chính phủ VN luôn nhận thức rõ, vốn ODA được huy động từ tiền đóng góp của nhân dân các nước ủng hộ VN. VN nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với sự giúp đỡ này. Đồng thời, VN cũng hiểu rằng đây là nguồn vốn vay phải trả để có trách nhiệm đầy đủ với nhân dân về việc sử dụng hiệu quả ODA.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, Chính phủ VN đã ban hành nghị định mới để quản lý vốn đầu tư ODA, bước đầu được các nhà tài trợ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đồng tình.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, trong thời gian tới, vốn ODA sẽ được tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn với các ưu tiên là: Phát triển các tuyến đường, đường sắt Bắc - Nam; xây dựng hai hành lang, một vành đai; phát triển trục giao thông miền Trung; nâng cấp các tuyến đường ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
4 nhóm vấn đề
Trong ngày 14.12, các đại biểu dự Hội nghị CG đã lắng nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội VN 2006, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển 5 năm 2006-2010 về các lĩnh vực cải cách tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, phát triển nguồn nhân lực; về việc hội nhập quốc tế, khu vực của VN gắn với thực hiện cam kết WTO; vấn đề hài hoà thủ tục, giải ngân và hiệu quả viện trợ của VN.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới Klaus Rohland, một điểm đặc biệt trong phiên thảo luận là ý kiến đóng góp của gần 40 nhà tài trợ không tản mát như các năm trước mà tập trung vào 4 nhóm vấn đề của VN. "Các nhóm vấn đề đó gồm: Thực hiện tăng trưởng kinh tế bền vững, cải cách cơ cấu hành chính, đối phó với các vấn đề xã hội-giảm nghèo, quản trị công và tăng hiệu quả viện trợ" - ông Rohland cho hay.
Đại sứ Mỹ Michael Marine nhấn mạnh đến cách thức VN cần xử lý nợ đọng, nợ treo. Theo ông, VN cần cải cách mạnh hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, và để khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tiến độ giải ngân còn quá chậm
Minh bạch hoá và khả năng giải trình là 2 yếu tố quan trọng nhất trong việc sử dụng hiệu quả ODA - theo ý kiến của Điều phối viên Liên Hợp Quốc John Hendra. Chính phủ VN và các nhà tài trợ giờ đây quan tâm nhiều hơn đến lợi thế so sánh của nguồn vốn ODA, cũng như cần lựa chọn kỹ hơn các chương trình, dự án ODA. Hai bên cũng cần nâng cao hiệu quả viện trợ, kể cả việc giảm thiểu các chi phí hành chính trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA.
Đại diện LHQ cho rằng, quy trình của cả Chính phủ VN và các nhà tài trợ vẫn còn rườm rà, kết quả tiến độ giải ngân còn chậm khá nhiều so với cam kết. "Việc đóng góp ODA cho VN mang tính tích cực và thực chất hay không sẽ được quyết định bởi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của Chính phủ cũng như các nhà tài trợ" - ông nói.
Còn Giám đốc ADB tại VN Ayumi Konishi nhấn mạnh, việc triển khai các bộ luật tại VN còn chậm. Theo ông, ADB sẵn sàng nâng cao mức hỗ trợ ODA, nhưng mong muốn chính quyền trung ương trao quyền nhiều hơn cho địa phương để cải cách hành chính công hiệu quả hơn.