Hiện nay, diễn biến dịch cúm gia cầm trên thế giới và trong nước rất phức tạp. Ở nước ta, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 3 tỉnh miền Nam là Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang và có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh khác trong vùng. Tại miền bắc, nguy cơ tái phát dịch cũng rất cao nhất là những tỉnh biên giới, tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng do nguồn vi rút vẫn còn trong môi trường, trên đàn thuỷ cầm chưa được tiêm phòng, đàn chim hoang, chim di trú.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm liên tục tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các tỉnh, thành phố trọng điểm dịch và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2119/CĐ-TTg ngày 22/12/2006 về việc kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát và và để chủ động tiêu diệt mầm bệnh còn trong môi trường, trên đàn thuỷ cầm, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 26/12/2006, các Bộ, ngành thành viên đã thống nhất phát động “Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm” trên toàn quốc từ nay cho đến hết tháng 01/2007 với các nội dung như sau:
I. Nội dung vệ sinh tiêu độc khử trùng
1. Cơ sở chăn nuôi gia cầm:
a) Đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung:
- Phát quang cây cỏ xung quanh nhà nuôi gia cầm, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh.
- Tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 3 lần.
b) Đối với chăn nuôi hộ gia đình:
- Nuôi nhốt gia cầm.
- Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia cầm; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn.
- Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 2 lần.
2. Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung:
- Nơi nhốt gia cầm chờ giết mổ: Sau khi gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng trước khi nhập đàn mới.
- Nơi giết mổ vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.
- Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.
3.Chợ buôn bán gia cầm sống ở khu vực nông thôn:
- Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán gia cầm, lồng nhốt gia cầm cuối mỗi buổi chợ.
- Phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ.
- Những quầy bán thịt gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ.
4. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: Quét dọn, vệ sinh, phun tiêu độc một tuần một lần.
II.Về cách thức tiến hành, vệ sinh tiêu độc khử trùng
- Những trại chăn nuôi gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức hực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.
- Các xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia cầm ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, kinh phí do ngân sách địa phương cấp. Việc phun khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ rửa….
- Loại hóa chất sát trùng, cách tiến hành như đã áp dụng trong các lần vệ sinh tiêu độc khử trùng trước đây.
III. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra chỉ thị thực hiện “Tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm” tại địa phương và giao cho Sở Nông nghiêp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các ban, ngành của địa phương chuẩn bị đủ lực lượng, kinh phí, máy phun, bình phun, thuốc sát trùng,.. và triển khai thực hiện.
Để triển khai công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trên mọi miền, vùng trong cả nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức lễ phát động triển khai thực hiện "Tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm” tại Tiền Giang vào ngày 30/12/2006.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm phân công các đoàn đi kiểm tra ở một số địa phương.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai “Tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm” theo đúng nội dung và thời gian nêu trên đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện và báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Bộ trưởng Cao Đức Phát (đã ký)