Mục tiêu của nghiên cứu là hệ thống hoá các cơ sở lý luận về vùng chuyên canh nguyên liệu lâm sản mây tre, đánh giá thực trạng tổ chức sản xuất và cơ chế chính sách vùng chuyên canh nguyên liệu mây. Từ đó, xác định các luận cứ cho việc đề xuất cơ chế, chính sách và tổ chức hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu mây tre.
Nằm trong khuôn khổ hội thảo, nghiệm thu cấp Viện các đề tài, dự án thuộc Viện năm 2006, sáng ngày 28 tháng 12, tại Hội trường Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ông Đinh Hữu Hoàng, phó trưởng bộ môn kinh tế tài nguyên môi trường, đã trình bày đề tài “Cơ sở khoa học của việc xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức hình thành vùng nguyên liệu mây tre phục vụ TTCN – TCMN”
Đặc trưng của vùng chuyên canh nguyên liệu là gắn với vùng dân cư có truyền thống bản địa liên quan đến sản xuất và chế biến nguyên liệu từ vùng. Nơi đó, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng khó khăn.
Tác giả đã nêu lên thực trạng chế biến của các làng nghề hiện nay với những thế mạnh và cơ hội như truyền thống lâu dài về sản xuất thủ công mỹ nghệ, sẵn có nguồn nguyên liệu mây tre, nhu cầu thị trường ngày càng tăng, chi phí lao động thấp. Hơn nữa, mặt hàng này đang hưởng những điều kiện thuận lợi trong bối cảnh đất nước đã hội nhập WTO và AFTA, chính phủ đang khuyến khích xuất khẩu, tạo mối liên kết giữa người sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại khá nhiều khó khăn và thách thức đối với các làng nghề này như nguồn cung cấp nguyên liệu ngày càng giảm, bị hạn chế về nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất, công nghệ lạc hậu, kỹ năng thiết kế sản phẩm mới còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ, tay nghề lao động thấp, khả năng cạnh tranh với sản phẩm rẻ từ Trung Quốc kém...
Sau khi tác giả kết thúc bài báo cáo, các đại biểu đã đưa ra những thảo luận khác nhau về bài nghiên cứu. Theo các đại biểu, báo cáo nên đi sâu hơn vào phân tích thực trạng, đánh giá tính qui luật của vùng nguyên liệu, xem xét hiệu quả kinh tế của việc trồng cây nguyên liệu.
Trần Lan Phương