Công điện số 40 về cúm gia cầm tái phát

29/12/2006

Ngày 19 tháng 12 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có Công điện số 40 BNN/CĐ gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm về việc gấp rút triển khai các biện pháp đồng bộ phòng bệnh cúm gia cầm tái phát

Nội dung công điện như sau:

Theo báo cáo của Cục Thú y, dịch cúm gia cầm đã tái phát trên địa bàn các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Đây là những ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên phát ra ở nước ta sau gần một năm khống chế thành công dịch. Tại Cà Mau, dịch đã phát ra ở ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời làm 490 con gà, 2.033 con vịt chết, đặc biệt nguy hiểm là người chăn nuôi khi phát hiện dịch đã không thông báo cho cơ quan chức năng xử lý mà vứt xác gia cầm xuống kênh rạch gây ô nhiễm môi trường. Tại Bạc Liêu, dịch đã phát ra ở 3 ấp của xã Vĩnh Bình thuộc huyện Hoà Bình làm 3.550 trên tổng đàn 4.450 con vịt bị chết. Đa số gia cầm bệnh, chết trong các ổ dịch trên là vịt hơn 1 tháng tuổi, ấp nở trái phép và chưa được tiêm phòng.

Để chủ động phòng tránh dịch lây lan vào địa bàn và hạn chế tới mức thấp nhất dịch tái phát tại địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng chống dịch cúm gia cầm đặc biệt là Chỉ thị 29/2006/CT-TTg ngày 08/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 101/2006/CT-BNN ngày 08/11/2006 và Công điện số 38 BNN/CĐ ngày 11/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chú trọng những nội dung sau:

1/ Kiện toàn và khôi phục hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tổ chức họp giao ban hàng tuần để thống nhất điều hành công tác phòng chống dịch của địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, hoá chất, vật tư, tài chính phục vụ công tác chống dịch.

2/ Tổ chức điều tra ổ dịch và tăng cường giám sát, phát hiện sớm khi dịch còn ở diện hẹp để nhanh chóng bao vây, dập tắt không để dịch lây lan rộng.Giao trách nhiệm giám sát dịch cho chính quyền cơ sở và nhân viên thú y, nơi nào phát hiện dịch chậm và để dịch lây lan rộng thì cấp chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm.

3/ Rà soát lại toàn bộ số gia cầm thuộc đối tượng tiêm phòng trong địa bàn tỉnh mà chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi để tiêm bổ sung. Liên hệ với Cục Thú y theo đường dây nóng 04.8685104 để đăng ký lượng vắc xin tiêm phòng.Nếu để dịch xảy ra trên những đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin thì chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm.

4/ Phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, chợ buôn bán gia cầm…, vận động người chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

5/ Chấn chỉnh nghiêm công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm, chống buôn lậu gia súc, gia cầm, dừng ấp nở thuỷ cầm theo tinh thần Công điện số 1305/CĐ-TTg ngày 22/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 26 BNN/CĐ ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6/ Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, các dấu hiệu phát hiện dịch để người dân chủ động khai báo dịch; các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia cầm để tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và tự giác tham gia chống dịch: không vứt xác gia cầm bừa bãi, không bán chạy gia cầm khi có dịch,...Công bố địa chỉ, số điện thoại liên hệ của những người có trách nhiệm để tiếp nhận thông tin dịch.

7. Thực hiện chế độ báo cáo dịch đột xuất và hàng tuần về thường trực Ban chỉ đạo quốc gia theo số điện thoại đường dây nóng: 04.8685104 hoặc số fax 04.8686339 hoặc email: dah.vn@fpt.vn. dah.vn@fpt.vn.


Theo TTXVN

Tin khác