Gia nhập WTO và những tác động đến thị trường lao động Việt Nam

30/08/2007

Sau 11 năm với hàng trăm cuộc đàm phán song phương và đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại lớn nhất hành tinh - WTO. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội mới thì những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế đã được nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là những tác động đến thị trường lao động Việt Nam.

Ngành phi nông nghiệp: tăng cạnh tranh đối với việc làm có trình độ cao

Mặc dù khi chính thức gia nhập WTO, nước ta chưa phải mở cửa thị trường lao động do không có điều khoản nào của WTO yêu cầu chúng ta về vấn đề này, nhưng sự cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên bởi các gói dịch vụ do các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp có kèm điều kiện sử dụng lao động. Thực tế ở các khu sản xuất công nghiệp hiện nay, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, lao động Việt Nam đang phải nhường những vị trí có thu nhập cao cho người nước ngoài. Lý do là cùng với thu nhập hấp dẫn, cũng đặt ra những yêu cầu rất cao về trình độ năng lực trong sản xuất trực tiếp cũng như trong quản lý mà lao động Việt Nam không có khả năng đáp ứng hoặc đáp ứng ở mức độ quá thấp. Theo thống kê tại Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Thanh Hoá), tổng quỹ lương của 20 người Nhật bằng tổng quỹ lương của gần 2.000 người Việt Nam đang làm việc ở đây. Con số này cho thấy, nếu xét về số lượng, đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều chỗ làm việc mới, nhưng nhìn vào chất lượng thì sự hưởng lợi của người lao động Việt Nam từ sự đầu tư này là chưa đáng kể.

Hiện nay, một trong những thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất công nghiệp là giá nhân công rẻ, song nguyên nhân "giá rẻ" lại xuất phát từ sự hạn chế về trình độ, tay nghề của người lao động. Theo phân tích của các nhà quản lý, gánh nặng giải quyết việc làm đang đặt lên vai các cơ quan chức năng xuất phát từ sự dư thừa lực lượng lao động giản đơn không có tay nghề hoặc tay nghề quá thấp, không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Hơn 20% lực lượng lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên cho thấy nguồn lao động của Việt Nam tuy nhiều nhưng số lượng đáp ứng được nhu cầu lại quá ít. Để lấp khoảng trống cung cầu này thì dòng chảy lao động nước ngoài vào trong nước tất yếu sẽ xảy ra. Vì thế, trong tương lai, chất lượng lao động thấp sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Để khắc phục tình trạng này, cách tốt nhất là nâng cao chất lượng lao động có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ. Thay vì đưa lao động từ nước ngoài vào làm việc, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tuyển lao động bản xứ để tiết kiệm chi phí. Theo nguyên tắc minh bạch, bình đẳng và không phân biệt đối xử của WTO, những biện pháp hành chính nhằm hạn chế nhập khẩu lao động nước ngoài sẽ không còn được chấp nhận. Thay vào đó, lao động Việt Nam phải chứng minh được rằng họ hoàn toàn có khả năng làm việc, thậm chí làm tốt hơn lao động người nước ngoài khi được trả cùng một mức lương.

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ là một trong những "bến đỗ an toàn của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài". Việc trở thành thành viên chính thức của WTO, một mặt, bảo đảm các thị trường xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Ngành nông nghiệp: tăng số lao động "ly nông"

Để hoàn tất các cam kết ký trong Nghị định thư gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải tiếp tục mở cửa và có thêm nhiều cải cách nữa trong vòng 5 năm sau khi gia nhập. Điều quan ngại nhất là các cuộc cải cách đó có khả năng làm giảm sút thu nhập của các hộ nông dân do quy định xóa bỏ mọi trợ cấp nông nghiệp và cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu nông sản. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, các hộ nông dân còn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng do nhiều thỏa thuận khác của Việt Nam với WTO, trong đó có việc xóa bỏ mọi hạn chế về lượng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như dệt may và việc giảm bảo hộ đối với những sản phẩm công nghiệp.

Theo phân tích của TS. Phan Minh Ngọc, Trường Đại học Ki-u-sô (Nhật Bản), việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ làm giảm một cách tương đối thu nhập của các hộ nông dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp. Sự thay đổi này cho phép Việt Nam chuyển sang tập trung khai thác thế mạnh những sản phẩm (cả nông nghiệp và phi nông nghiệp) có lực lượng lao động phổ thông lớn, làm tăng thu nhập của người lao động, trong đó có lao động đã và đang làm nghề nông. Tuy nhiên, sự xoá bỏ hạn ngạch hàng dệt may đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ là một yếu tố cải thiện thu nhập lao động phổ thông thoát ly nông nghiệp. Như vậy, khi bị mất việc làm ở khu vực nông nghiệp, lực lượng lao động nông thôn sẽ bổ sung và làm tăng nguồn cung lao động phổ thông cho ngành công nghiệp, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động như chế biến, dệt may. Sự dịch chuyển lao động này được xem là một xu hướng tích cực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

Khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, nhiều ý kiến lo ngại rằng hàng hoá Việt Nam sẽ bị cạnh tranh và mất lợi thế ngay trên sân nhà. Song, cho đến nay, khi BTA đã có hiệu lực được hơn 5 năm, trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất khó tìm được những sản phẩm "Made in USA" thì hàng hoá Việt Nam đã bắt đầu trở nên quen thuộc trong giới tiêu dùng Mỹ với kim ngạch xuất khẩu sang nước này dự kiến có thể lên tới 9 tỉ USD trong năm nay. Điều này khiến các nhà kinh tế tin tưởng vào sự hội nhập sâu hơn và chắc chắn hơn vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam. Nhiều người cũng kỳ vọng "kịch bản BTA" sẽ được lặp lại khi Việt Nam gia nhập WTO. Song các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, thắng hay thua không phải do WTO bởi cho đến nay, chưa có nước nào vì WTO mà khánh tận, phá sản và cũng chưa có nước thành viên nào phải nộp đơn xin rút khỏi Tổ chức này. Việc phá sản một doanh nghiệp chỉ là sự sàng lọc khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường nhằm lành mạnh hoá nền kinh tế. Xét trên tổng thể nền kinh tế và về lâu dài, thì vấn đề việc làm sẽ có một tương lai khá xán lạn khi Việt Nam là thành viên của WTO bởi số lượng doanh nghiệp mới được hình thành sẽ lớn hơn rất nhiều số doanh nghiệp bị mất đi do thua lỗ. Điều này dẫn đến người lao động sẽ có nhiều cơ hội có việc làm hơn.

Pháp luật lao động: cần tăng thêm tính minh bạch và bình đẳng

Khi đã là thành viên của WTO, Việt Nam phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các chủ thể trong quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, việc các loại hình doanh nghiệp hiện nay duy trì các mức lương tối thiểu khác nhau, phần nào, thể hiện tính phân biệt đối xử; việc khống chế mức lương trong doanh nghiệp nhà nước, việc quy định các thang bảng lương là không hoàn toàn phù hợp với các quy định của WTO.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến các mâu thuẫn chủ – thợ, đặc biệt trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề tiền lương. Thực tế cho thấy, mặc dù mức lương tối thiểu được quy định cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cao hơn gấp 2,02 lần so với các doanh nghiệp trong nước, song mức lương này vẫn chưa tương xứng với thời gian và cường độ làm việc của người lao động, do đó đình công vẫn tiếp tục xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, cần có một cơ chế xác định tiền lương, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, tăng cường sự tự chủ của chủ doanh nghiệp và người lao động. Tiền lương, vì thế, không thể áp đặt mà phải theo định hướng thị trường, được hình thành trên cơ sở mức sống, quan hệ cung cầu lao động và thoả ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, để có thể tiến tới cơ chế tiền lương theo thị trường dựa trên sự thoả thuận của người sử dụng lao động và người lao động không chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền lương của Nhà nước. Điều quan trọng là làm gì để người lao động có thể chủ động hơn trong cuộc “đối thoại” với chủ sử dụng lao động trên “bàn đàm phán” về mức thu nhập của mình.

Xét về phía chủ sử dụng lao động, cần có một cơ chế linh hoạt hơn bởi không có lý do nào để chủ doanh nghiệp phải đợi 1 tháng mới có thể sa thải được lao động chây lười, vô kỷ luật, trong khi có rất nhiều người thất nghiệp có trình độ tương đương sẵn sàng cống hiến, lại không có việc làm. Có quan điểm cho rằng, pháp luật lao động Việt Nam hiện vẫn chưa bảo đảm tính công bằng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động đôi khi thái quá, vô hình chung lại trở thành một rào cản, cản trở nhu cầu tuyển dụng thêm lao động của các doanh nghiệp.

Cùng với một số vấn đề cụ thể trên, nhiều nội dung khác trong chính sách về quan hệ lao động cũng cần được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn nhằm lành mạnh hoá các quan hệ lao động, tăng cường khả năng ngăn ngừa và xử lý tranh chấp lao động sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Chính sách về thị trường lao động phải được điều chỉnh để tạo điều kiện cho sự chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế, bao gồm các chính sách đồng bộ về thông tin thị trường lao động, tuyển dụng, hợp đồng lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ chuyển đổi công việc… Chính sách dạy nghề cũng cần theo sát sự chuyển đổi này, bao gồm: dạy nghề cho đối tượng mới gia nhập thị trường lao động; đối tượng cần đào tạo lại để chuyển đổi công việc và đào tạo nâng cao tay nghề cho đối tượng đang làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường.

Chất lượng lao động: gánh nặng đặt lên vai ngành dạy nghề

Mất lợi thế cạnh tranh ngay trên “sân nhà” đang diễn ra đối với một loại hàng hoá đặc biệt, đó là sức lao động. Để lao động Việt Nam “hội nhập” với thị trường lao động thế giới và giành lợi thế trên thị trường trong nước không thể chỉ dựa vào đặc tính giá nhân công rẻ mà phải kèm theo yếu tố chất lượng. Về lâu dài, để thực hiện mục tiêu này, phát triển giáo dục nói chung được coi là một “quốc sách”. Tuy nhiên, trước mắt, để những người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của thị trường, có được việc làm thì gánh nặng đang đặt lên vai ngành dạy nghề.

Để cải thiện chất lượng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 40%, trong đó 26% qua đào tạo nghề với quy mô tuyển sinh khoảng 1,5 triệu người vào năm 2010. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là dạy nghề cho lực lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hệ thống trường đào tạo nghề sẽ được đầu tư nâng cấp dần lên ngang tầm với khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2010, cả nước có khoảng 350 trường trung cấp và cao đẳng nghề, các quận, huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề.

Thị trường lao động: nâng cao hiệu quả của các trung tâm giới thiệu việc làm

Những năm gần đây, hoạt động của các Hội chợ việc làm đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tạo nên một kênh giao dịch quan trọng trên thị trường lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hoạt động này do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức nên không có sự chủ động của những đơn vị cần tuyển dụng lao động. Các đơn vị này chỉ tham gia như những “khách mời” mà trên thực tế, đáng lẽ họ phải là “người chủ”. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là cần hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động bằng cách quy hoạch và phát triển rộng khắp các cơ sở giới thiệu việc làm ở các địa phương để người lao động dễ tiếp cận. Trước mắt, đầu tư hiện đại hoá 3 trung tâm ở 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện các giao dịch lành mạnh, hiệu quả và chuyên nghiệp, chống tiêu cực, nhất là lừa đảo người lao động. Đồng thời, đa dạng hoá các kênh giao dịch trên thị trường lao động, tạo điều kiện cho các giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động; hình thành và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia và nối mạng, trước hết ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung cho xuất khẩu lao động; xây dựng trạm quan sát thông tin thị trường lao động trên địa bàn cả nước để thu thập và phổ biến thông tin thị trường lao động đầy đủ, kịp thời.

Thái Thị Hồng Minh

Thạc sỹ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

(http://www.tapchicongsan.org.vn)


Tin khác