Vị thế nào cho nông dân thời hội nhập?

19/12/2007

AGROINFO- Ngày 18/12/2007, Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Báo “Nông thôn ngày nay” tổ chức hội thảo “Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập”. Đây là một trong những hoạt động của quá trình chuẩn bị hoạch định chiến lược phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong giai đoạn mới mà Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT và IPSARD.

Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hội thảo
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng chủ trì. Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), các tổ chức nghiên cứu (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Xã Hội học, Viện Nghiên cứu phát triển, v.v..), đại diện Hội nông dân. Hội thảo cũng thu hút đông đảo các cơ quan truyền thông đại chúng đến tham gia đưa tin như Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản điện tử, Báo Thanh niên, Báo Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng...

Từ trước tới nay, các vấn đề liên quan tới nông nghiệp, nông thôn đã được đưa ra thảo luận nhiều. Nhưng đây là hội thảo đầu tiên trực tiếp phân tích sâu về chủ đề “nông dân” với vai trò là chủ thể chính của xã hội nông thôn Việt Nam và những vấn đề của họ trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đặc biệt, lần đầu tiên các ý kiến, quan điểm từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau đã được đưa ra thảo luận. Các nhà nghiên cứu và phân tích chính sách đã có dịp trao đổi thẳng thắn với các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Khía cạnh xã hội của các vấn đề liên quan tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được các nhà xã hội học thảo luận với các nhà kinh tế học. Các đơn vị nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc khu vực tư nhân tham gia trực tiếp và đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước và khối nghiên cứu công lập, v.v…

TS. Đỗ Thiên Kính, Viện Xã hội học (IOS)

Tiếp cận từ hướng bất bình đẳng cơ hội, TS. Đỗ Thiên Kính, Viện Xã hội học (IOS) cho rằng bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam hiện nay “chắc chắn không ở mức vừa phải mà là thuộc loại cao hơn trong sự so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới”, đặc biệt là khi phân tích sâu hơn về khoảng cách giữa nông thôn - đô thị, giữa nhóm người Kinh/Hoa với các nhóm người dân tộc thiểu số. Bởi vậy, bức tranh xã hội nông thôn Việt Nam thực sự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS)

Do tác động của quá trình đô thị hóa nhanh và không đồng đều giữa các vùng, miền nên di cư từ nông thôn ra đô thị đang trở thành “một chiến lược sống giúp vượt nghèo và phát triển nông thôn hiện nay”. Đó là quan điểm của PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS). “Trong khi đói nghèo thúc đẩy di dân thì di dân lại góp phần xoá đói giảm nghèo ở nơi đi”. Mặc dù có vai trò như vậy, nhưng chính sách về di dân của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách về phân loại thành phần dân cư và kèm theo đó là sự phân biệt về cơ hội và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội tại các đô thị thành 4 loại (KT1, KT2, KT3, KT4). Người dân di cư từ nông thôn ra đô thị đang bị xã hội nhìn nhận như là nguyên nhân của sự mất ổn định, thiếu mĩ quan đô thị, v.v… trong khi vai trò thực sự của họ, đặc biệt là với quá trình chuyển dịch cơ cấu và phát triển nông nghiệp, nông thôn thì lớn hơn rất nhiều. Chúng ta đang thực sự thiếu chính sách an sinh xã hội cho nhóm người di cư từ nông thôn ra đô thị.

TS. Vũ Trọng Bình, TT Phát triển Nông thôn (IPSARD)
Từ góc độ phân hóa xã hội, trên cơ sở tổng hợp thực tiễn từ các địa phương khác nhau, TS. Vũ Trọng Bình, Trung tâm Phát triển Nông thôn (RUDEC) đã làm rõ quá trình phân hoá xã hội nông thôn (theo nghề nghiệp, theo nhóm cộng đồng, theo vùng, miền, v.v..) và nhu cầu phải thay đổi phương thức hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Giải pháp phát triển thể chế kinh tế thị trường kết hợp với phát triển các tổ chức xã hội dân sự thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân nông thôn, và xác định một cách hợp lý vai trò điều tiết của nhà nước (lĩnh vực và mức độ) là giải pháp cơ bản để phát triển nông thôn bền vững, theo TS. Vũ Trọng Bình.

TS. Nguyễn Ngọc Quế, TT Tư vấn Chính sách (IPSARD)

Từ góc độ kinh tế học, TS. Nguyễn Ngọc Quế, Trung tâm Tư vấn chính sách (CAP), đã làm rõ từ năm 1999 cho tới nay, hiện tượng giá cánh kéo liên tục diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho người sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, tình trạng mất đất sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra chủ yếu do thiếu quy hoạch và chất lượng quy hoạch không tốt, lao động của khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục bị tắc nghẽn, thị trường vốn trong nông nghiệp, nông thôn hoạt động không hiệu quả. Bởi vậy GDP nông nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm, đời sống của người sản xuất nông nghiệp nói chung và của nông dân nói riêng gặp nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Quang A, Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS)

TS. Nguyễn Quang A, Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) đồng tình với quan điểm về vấn đề di cư nông thôn-đô thị của TS. Đặng Nguyên Anh và bổ sung thêm: Nếu chúng ta có những chính sách giúp xóa bỏ rào cản về mặt pháp lý, tâm lý cho người dân di cư thì sẽ góp phần tạo ra sự biến đổi “vĩ đại” trong quá trình đất nước ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; góp phần tránh được những “cái bẫy chết người” trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà các nước phát triển và đang phát triển đã và đang gặp phải.

TS. Lê Đăng Doanh
Chuyên gia cao cấp TS. Lê Đăng Doanh thì cho rằng, cần phải thực hiện các chính sách nhằm tạo ra “một xã hội công khai minh bạch, người dân được tự do cư trú, lựa chọn lao động, không phân biệt đối xử”; ứng dụng các tiến bộ trong công nghệ thẻ số để thống nhất quản lý nhân khẩu, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu...để có thể tận dụng tốt những lợi thế mà di cư lao động mang lại.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đánh giá cao những kết quả mà hội thảo đã thu được và nhấn mạnh tầm quan trọng cần tiếp tục tạo ra nhiều hơn nữa những cơ hội để các cơ quan, đơn vị và cá nhân khác nhau có thể trao đổi các ý kiến của mình về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình phát triển của đất nước. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng đã giới thiệu lộ trình làm việc trong thời gian tới của quá trình chuẩn bị chiến lược phát triển nông thôn mới mà Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT và Viện CS&CL PTNNNT thực hiện để các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước cùng được biết và chủ động tham gia./.

Tham khảo thêm thông tin về Hội thảo được đăng tải trên ViệtNamNet, Báo Điện tử Đảng Cộng Sản, Thanh Niên Online...

----------------------------------------------------

Toàn bộ các tài liệu tham luận tại hội thảo có thể được xem lại Chuyên mục “Góp ý xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mới” trên website của Viện CS&CL PTNNNT tại địa chỉ:

>> http://www.ipsard.gov.vn/news/deantamnong.aspx


Tin khác