Nông dân và "nỗi buồn hội nhập"

26/12/2007

Bất chấp những chỉ số kinh tế tăng ấn tượng trong năm nay, tình trạng khó khăn của nông thôn Việt Nam thời hội nhập vẫn đang làm đau đầu những nhà quản lý. Càng “vươn ra biển lớn”, tư duy toàn cầu trong điều kiện đặc thù của VN càng cần được xác định rõ ràng: giải quyết tốt bài toán phát triển nông thôn chính là đặt một tay vào chiếc chìa khoá vàng “phát triển bền vững” cho cả nền kinh tế, trên một tầm cao mới…

Bài học Trung Quốc

Trả lời báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, chủ tịch Hội Nông Dân VN, ông Nguyễn Quốc Cường tỏ ra ưu tư trước những con số thống kê về tình hình nông nghiệp và nông thôn hiện nay: “Nếu là con số chính xác thì 78% hộ nông dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp mà nông -lâm nghiệp chỉ tăng trưởng 3,5%, thấp gấp mấy lần so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, trong khi trên 70% dân số VN hiện nay vẫn là nông dân. Như vậy, đại bộ phận dân cư vẫn ở khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất. Bên cạnh đó, giá cả cứ “leo thang” chóng mặt. Dù đến cuối năm nay chỉ số tăng giá tiêu dùng dừng ở mức 8%, nhưng so với mức tăng trưởng 3,5% ở khu vực nông thôn mới thấy đời sống nông dân cực kỳ khó khăn.” (TT, 11/11/2007).

Gần đây, ngay trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận một thực tế đau lòng: “Điều trăn trở nhất là nước ta đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo mà vẫn còn hàng trăm ngàn đồng bào quanh năm chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết và khi bị ốm”.

Phát biểu của hai quan chức có thể xem là lãnh đạo cao nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quốc gia không mới, nhưng nó tạo được sự chú ý của dư luận vì tính chân thực của vấn đề.

Năm ngoái, trước thềm WTO, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những thách thức hội nhập cho nông nghiệp Việt Nam, mà trong đó người nông dân đóng vai trò chủ thể. Với tác động của nền kinh tế thị trường, nông dân VN bị đặt trước một lựa chọn bắt buộc: phải làm quen với nền sản xuất công nghiệp cơ giới hoá và sản xuất theo định hướng cung cầu của thị trường. Mở rộng khỏi phạm vi gia đình, làng xã, nhu cầu nông nghiệp ngày nay tập trung chủ yếu là các thị trường thành phố lớn, không những trong phạm vi quốc gia mà còn cả khu vực và thế giới. Nhà nông hàng ngàn năm với lối tư duy cung cầu khép kín thật khó một sớm một chiều để thích nghi với một lối nghĩ mới trước những thay đổi cũng như đòi hỏi chóng mặt xuất phát từ thị trường.

Đặc biệt, sự hạn chế thông tin do các lý do về trình độ phát triển, học thức,…dường như càng nhân khó khăn của những con người suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này lên gấp bội. Các hộ nông dân thường thiếu khả năng ứng phó trước ảnh hưởng giá cả thị trường thế giới, vốn khó nắm bắt và giao động thường xuyên. Ngoài ra, những luật chơi về an toàn thực phẩm -chứng chỉ “nông nghiệp an toàn” hay “nông nghiệp tốt” (Good Agricultural Practices, GAP), luật chơi về chuẩn chất lượng hay về giá cả khi muốn xuất hàng ra thế giới, rồi cả xu hướng bảo hộ mậu dịch, trợ giá nông sản lan rộng xuất phát từ những anh nhà giàu Châu Âu cũng tạo ra một “Vạn lý trường thành” mới. Không ít ý kiến cho rằng nông dân VN sẽ dễ bị “tổn thương” nhiều nhất khi đất nước hội nhập sâu rộng, vì họ chưa chuẩn bị được gì cho cuộc chơi.

Trong những nước đi trước, có thể xem Trung Quốc như một bài học cảnh báo đáng suy ngẫm. Từ những năm 90, trong khi kinh tế ở những vùng đô thị tăng vọt thì mức độ phát triển ở khu vực nông thôn Trung Quốc lại trì trệ, làm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn càng bị khoét rộng, tương phản giữa các khu nhà giàu phía Đông và các anh nghèo khu vực phía Tây. Đã có một làn sóng dân nhập cư hướng về các thành phố lớn, ước tính gần 120 triệu người dân từ nông thôn bỏ làng, ra các trung tâm đô thị tìm cơ hội đổi đời.

Năm 2005, dựa trên một bảng báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nghiên cứu 84.000 gia đình ở Trung Quốc để đối chiếu với các gia đình sống ở TP, sau khi nước này gia nhập WTO (11-12-2001). Kết quả cho thấy thu nhập 90% các gia đình ở TP đều tăng, trong khi các hộ nông thôn mất đi 0,7% so với trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, và mức sống của những hộ nghèo nhất tụt 6% vì thu nhập xuống trong khi giá hàng tiêu thụ tăng.

Theo các thống kê chính thức, con số người nghèo (được định nghĩa như có thu nhập dưới 77 đô-la một năm) đã tăng trở lại, từ 28,2 lên 29 triệu người, lần đầu tiên từ sau chi chính phủ Bắc Kinh ban hành các cải cách kinh tế cách đây 25 năm. Với ba phần tư người nghèo cả nước ở nông thôn sự phân hoá giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị tiếp tục trở thành một bài toán khó cho sự ổn định của đất nước đông dân nhất hành tinh. Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 17 vừa qua đã khẳng định lại chính sách làm sao giảm chênh lệch giữa thành phố và nông thôn và xem đây là yếu tố quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn.

Nan giải bài toán phát triển nông thôn

Như vậy, hội nhập, tự do hoá thương mại, tham gia WTO có thể mở rộng thịnh vượng chung, nhưng không nhất thiết sự mở rộng đó lại được phân chia một cách đồng đều. Thêm nữa, một lập luận thường được nhấn mạnh: sinh hoạt trong nền kinh tế thị trường, nguồn vốn có xu hứơng lưu chuyển đến nơi mà hiệu năng sử dụng của nó là cao nhất.

Xét trên phương diện cơ cấu kinh tế, khi đầu tư vào nông thôn không hiệu quả (do những yếu tố đặc trưng của khu vực này như: nhu cầu xã hội về nông nghiệp đã đạt mức bình ổn, không tạo sự đột phá; lợi nhuận các mặt hàng nông nghiệp không cao; trình đô lao động ở khu vực này còn kém phát triển,..), các nhà quản lý sẽ ưu tiên cho những công trình, dự án công nghiệp, dịch vụ, vốn mang nhiều tiềm năng lợi nhuận hơn. Nông thôn bị bỏ quên vì không còn mang lại cho con người thịnh vượng dồi dào như đã từng được trong quá khứ. Và không những chỉ có tác động về mặt kinh tế. Không ai tính được hằng năm có bao nhiêu thanh niên bỏ ruộng, bỏ vườn ra thành phố.

Họ ra đi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết có thể suy đoán phần nhiều vì miếng cơm manh áo. Trong khi các thành phố đua nhau “bấm còi” vì sức ép dân số lên khoảng không gian ngày càng hạn hẹp, thì nông thôn tiêu đìu, quặn mình tiễn từng đứa con thân yêu ra đi. Tương lai nào cho những chàng trai, cô gái thiếu và yếu từ trình độ văn hoá đến kỷ năng việc làm? Những trường hợp như em gái Nguyễn Thị Bình, phải rời làng bỏ quê, 14 năm làm thuê, sống cuộc đời bị hành hạ bởi những người chủ vô lương tâm có phải là duy nhất? Ai sẽ ngạc nhiên khi biết thông tin địa phương có nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhất nằm ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long?

Thiếu thốn về vật chất có thể làm người ta khó chịu, nhưng bù đắp được bằng những nổ lực của cộng đồng. Còn những thiếu thốn, hụt hẫng về tinh thần thì ra sao? Đồng ý rằng, chuyển dịch cơ cấu là một quá trình cần thiết để hiện đại hoá nông thôn. Nhưng với điều kiện hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp như hiện nay, thì tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nên là biện pháp đầu tiên trước khi bắt đầu những bước chuyển khác dài hơi hơn.

Một trong những điểm quan trọng nhất từng được GS Trần Văn Thọ để cập trong một bài viết: song song với nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng (hard-infrastructure), cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng phần mềm (soft-infrastructure) mà cụ thể là các trung tâm thông tin kinh tế với nhiệm vụ thu tập, lưu trữ, phổ biến thông tin về sản phẩm, về hoạt động của doanh nghiệp địa phương, đồng thời cũng là nơi lưu trữ, phổ biến thông tin về thị trường trong nước và thế giới liên quan đến vốn, công nghệ, hàng hoá mà doanh nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm…

Hiện nay, ở nông thôn Việt Nam, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như kế toán, thiết kế sản phẩm, nghiên cứu thị truờng, xử lý số liệu v.v.. rất hạn chế nên phần lớn các nhiệm vụ này chủ yếu do các hộ kinh doanh, các công ty tự lo lấy, do vậy làm tăng chi phí cố định và cản trở quá trình chuyên môn hoá (Thời đại mới, số 8/2003).

Một mặt, quá trình trên cần được Nhà nước với vai trò tác nhân chính dẫn dắt trên phương diện xây dựng một khung pháp lý và cơ chế hợp lý, sao cho tạo được kết nối từ cộng đồng với những mục tiêu đặt ra. Mặt khác, tái thiết lại sản xuất không có nghĩa là ép buộc người nông dân phải rời bỏ hay suốt đời phải gắn bó với đồng ruộng, mà mở rộng khả năng lựa chọn của họ thông qua các chương trình hổ trợ khác nhau. Hiện đại hoá nông thôn phải bắt đầu với những gì người nông dân tạo được lợi thế có sẳn. Thay đổi không xoay quanh mặt hàng sản xuất, mà chính là cơ cấu sản xuất nên mặt hàng. Năng suất, phẩm chất, chuyên môn hoá đó mới là những yếu tố tiên quyết để hình thành một cách tiếp cận khác về mặt tư duy.

Càng “vươn ra biển lớn”, tư duy toàn cầu trong điều kiện đặc thù của VN càng cần được xác định rõ ràng: giải quyết tốt bài toán phát triển nông thôn chính là đặt một tay vào chiếc chìa khoá vàng “phát triển bền vững” cho cả nền kinh tế, trên một tầm cao mới…

Nguồn: Vietnamnet


Tin khác