Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Chống nhập siêu - Không khó”

02/10/2007

Thừa nhận tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam chưa đến mức báo động, nhưng chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đó là “chỉ báo” dành cho các doanh nghiệp trong nước cần sớm nâng cao sức cạnh tranh nội địa. Tuy nhiên, ông cũng khuyến khích, giải pháp chống nhập siêu tích cực nhất không phải “phòng thủ” mà là chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phóng viên (PV): Trái với kỳ vọng, sau một năm là thành viên WTO, Việt Nam lại gia tăng nhập siêu đột biến khiến nhiều người lo ngại cho sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông, cần phải nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Lê Đăng Doanh (LĐD): Khi gia nhập WTO, Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu đồng thời cũng phải giảm thuế quan cho hàng nhập khẩu nên hàng nhập khẩu có thể tiêu thụ dễ dàng hơn tại thị trường Việt Nam.Tỷ lệ nhập siêu cũng đáng chú ý nhưng chưa đến mức phải hoảng hốt vì thời gian qua Việt Nam có nhập thêm máy bay, máy móc và trang thiết bị, bên cạnh có gia tăng ô tô, xe máy và hàng tiêu dùng.

Hiện trong số hàng nhập khẩu vào Việt Nam có nhiều mặt hàng cần nhập để xuất. Ví dụ Việt Nam muốn xuất khẩu tàu thuỷ cần phải nhập máy móc, thiết bị, muốn xuất khẩu giày dép, may mặc cần nhập nguyên liệu, phụ kiện... Việc cần nhập khẩu nhiều để phục vụ cho xuất khẩu chứng tỏ giá trị gia tăng của chúng ta còn hạn chế. Chúng ta cần có một chương trình dài hạn hơn để dần dần giảm bớt việc nhập khẩu nguyên vật liệu và tăng giá trị gia tăng bằng cách chế biến sâu hơn để có được giá trị thu về trên mỗi đồng xuất khẩu cao hơn.

Nhập siêu gia tăng cũng là một dấu hiệu nhắc nhở Việt Nam nên nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, tìm kiếm thị trường đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu làm cho xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu nhằm giảm được nhập siêu.

Còn về hiệu quả của việc trở thành thành viên WTO, thì trong năm đầu tiên gia nhập WTO, chỉ có rất ít nước như Trung Quốc mới không bị nhập siêu, thậm chí nhờ tận dụng thế mạnh và chuẩn bị tốt nên họ đã xuất siêu, còn thì không nước nào là không tránh khỏi.

PV: Có một số mặt hàng trong nước làm được song ta vẫn cho nhập khâu, góp phần đẩy mạnh nhập siêu. Theo ông, ta có nên có chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng này?

LĐD: Đúng là nhiều mặt hàng trong nước có thể làm được nhưng có thực sự cạnh tranh được về chất lượng và giá cả không lại là việc khác. Bây giờ, vào WTO rồi và người tiêu dùng có quyền chọn lựa. Đó là sức ép để các doanh nghiệp trong nước buộc phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

PV: Nhưng có nhiều người lo ngại Việt nam sẽ đi vào “vết xe” của Mexico, cái gì cũng phải nhập khẩu vì hàng trong nước không cạnh tranh nổi?

LĐD: Việt Nam đã có kinh nghiệm về việc này trong thời gian trước đây. Ví dụ bia Vạn Lực của Trung Quốc có thời tràn lan nhưng sau đó các doanh nghiệp Việt Nam đã chiếm lại được thị trường. Hay khi hàng sứ Trung Quốc tràn ngập, một số nhà máy sứ lạc hậu trong nước phải đóng cửa nhưng ngược lại, có những doanh nghiệp như Gốm sứ Minh Long lại vươn lên mạnh mẽ. Tôi nghĩ là các diễn biến gần đây là bài học để các doanh nghiệp cấu trúc lại và nâng cao năng lực cạnh tranh cuả mình.

PV: Theo Tiến sĩ đâu là những giải pháp có thể hạn chế nhập siêu?

LĐD: Việc nhập khẩu trang thiết bị, máy móc là điều cần thiết còn việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, thì phải cố gắng hạn chế, làm sao cho hàng trong nước cạnh tranh được. Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy cần cấu trúc lại các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ thị trường giải khát. Ở Hàn Quốc, Coca-Cola chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường nước giải khát vì người Hàn có nhiều sản phẩm cạnh tranh. Tương tự chúng ta cần phát triển mạnh các sản phẩm như sữa đậu nành… Đấy là bài học đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm rút kinh nghiệm và chuẩn bị.

Ngoài ra cần chủ động tăng cường hợp tác và tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Những nghiên cứu cho thấy công nghiệp Việt Nam rất ít tham gia vào các “chuỗi giá trị”, “chuỗi cung ứng” trong khu vực. Vì vậy đã hạn chế tính năng động và ít phát huy được tiềm năng liên kết trong khu vực. Chẳng nói đâu xa, bây giờ mình chủ động hợp tác với Trung Quốc đi, đó là một trong những nguồn nhập siêu rất lớn. Nếu mình hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, cung ứng cho họ nguyên vật liệu, rồi nỗ lực tham gia các dịch vụ hậu cần như chở hàng thuê cho họ chẳng hạn.

Tôi tin là với các nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, thì trong tương lai nhập siêu sẽ không còn là vấn đề.

PV: Xin cảm ơn ông.

(Nguồn: Vietnamnet)


Tin khác