Ngành chăn nuôi trước thách thức mới

20/12/2007

Việc cắt giảm thuế nông sản, hàng hoá khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã có những tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó ngành chăn nuôi tỏ ra “lúng túng” trước cuộc “đổ bộ” rầm rộ của nhiều loại thịt nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi?

Thịt nhập ngoại lấn át

Việc giảm thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đã làm tăng đáng kể lượng thịt nhập ngoại ở thị trường trong nước. Điều đáng quan tâm là giá thịt nhập ngoại rất rẻ nên các doanh nghiệp thi nhau “ăn hàng”, nhập về với số lượng cả chục ngàn tấn, trữ kho lạnh. Ông Trương Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, tính riêng các kho lạnh trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày xuất 60 - 70 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong khi những tháng trước chỉ xuất khoảng 5 - 10 tấn /ngày. Ông Đức cho biết thêm, thịt heo ngoại hiện nay chủ yếu được nhập từ Mỹ do giá khá rẻ, chỉ khoảng 18.000 đồng /kg, phí vận chuyển một container (23 tấn) từ Mỹ về Việt Nam khoảng 2.000 USD, cộng với thuế nhập khẩu 12% và các chi phí khác mà giá cũng chỉ đứng ở mức 35.000 đồng /kg. Như vậy, nếu bán ra thị trường với giá khoảng 40.000 đồng /kg, các doanh nghiệp sẽ có khoản lãi kếch xù. Tương tự với thịt gà, thuế nhập khẩu đã giảm từ 25% xuống còn 15%, lại thêm nguồn cung trong nước đang thiếu hụt (do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm) nên lượng gà nhập tăng cao, khoảng 60 container /tháng, tương đương với 1.620 tấn (trước đây chỉ nhập 20 - 40 container/tháng). Vẫn biết gà trong nước thịt chắc và ngon nhưng do giá rẻ hơn (chỉ 16.000-20.000 đồng /kg, trong khi giá gà trong nước là 70.000 đồng /kg) nên gà nhập vẫn thắng thế. Thịt trâu, bò nhập ngoại cũng đang xâm chiếm thị trường do thuế nhập khẩu từ 20% giảm xuống còn 12%. Giá thịt bò Australia bán trong nước hiện ở mức 101.800 - 190.600 đồng /kg, thịt bò Mỹ 180.000 - 300.000đồng /kg.

Ngành chăn nuôi đã khó càng khó hơn

Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên trong cuộc “đổ bộ” này là người chăn nuôi. Mặc dù các loại dịch bệnh đã tạm lắng nhưng giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đều tăng. Ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) cho biết: “Các mặt hàng thịt nhập ngoại chỉ mới vào Việt Nam theo hình thức thăm dò thị trường là chính, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn”. Người tiêu dùng trong nước chưa thực sự mặn mà với các sản phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, trong tương lai, thói quen này chắc chắn có nhiều thay đổi. Không chỉ giá thành thấp, sản phẩm thịt ngoại nhập còn có hình thức khá bắt mắt và chất lượng tương đối đồng đều, cách thức chăn nuôi của chúng ta chưa thể cạnh tranh được. Đơn cử như tại Canada, một trong những nước chăn nuôi và xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới, giá thịt heo chỉ khoảng 1 USD /kg, nhập vào Việt Nam sau khi trừ các khoản chi phí, có thể bán với giá 30.000 đồng /kg, vẫn rẻ hơn nhiều so với thịt heo trong nước.

Nhiều nhà hàng, khách sạn sử dụng số lượng lớn đã chuyển sang dùng thịt heo nhập ngoại, giá rẻ hơn và cũng dễ chế biến hơn. Ông Trần Văn Khải, Giám đốc điều hành Công ty Gia Nam - doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo tại Bình Dương - cho biết: Nhiều trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở Đồng Nai, Bình Dương bị mất mối cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, đơn vị chế biến do những nơi này bắt đầu chuyển sang sử dụng thịt heo nhập.

Vẫn biết gia nhập WTO là phải cạnh tranh gay gắt, ngoài chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước, người chăn nuôi phải tự cứu mình bằng cách tổ chức lại sản xuất, sao cho chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2007/12/8388.html


Tin khác