3 "bí quyết" đổi mới của IPSARD

29/02/2008

Trong khi nhiều viện nghiên cứu phải xin "hoãn" chuyển đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD), dù là Viện nghiên cứu cơ bản, lại sớm chủ động chuyển đổi theo "115". Báo chí đã viết khá nhiều về IPSARD, nhưng bài viết dưới đây sẽ là từ cái nhìn của một người "trong cuộc". Khi mới bước chân về Viện Kinh tế sau này đổi thành Viện Chính sách thì mọi thứ đối với tôi thật bỡ ngỡ. Thủ trưởng cũ của tôi hồi ở Trung tâm Thông tin TS. Đặng Kim Sơn lúc này đã về làm Viện trưởng cũng không dặn dò gì cả. Tôi hiểu ông đang quá bận rộn với công việc điều hành ở đơn vị mới. Tôi phải tự dần làm quen và thích ứng với môi trường của một Viện chuyên nghiên cứu về các vấn đề kinh tế trong nông nghiệp. Có lẽ nếu không có nhiều sự thay đổi thì đây cũng là một môi trường yên tĩnh để các nghiên cứu viên tuần tự theo đuổi cái nghề nghiệp mà mình đã chọn lựa.

Trong cái dòng chảy của công cuộc đổi mới, sớm hay muộn, theo cách này hay cách khác, mọi cá nhân và tổ chức đều bị ảnh hưởng và biến đổi sâu sắc. Sức ép của thực tiễn làm cho bộ máy công quyền gặp lúng túng, vừa phải có những giải pháp tình thế và những điều chỉnh mang tính dài hạn. Chính trong bối cảnh này công tác tư vấn chính sách - vốn trước đây bị bỏ ngỏ - đã trở thành một lĩnh vực hết sức quan trọng. Lãnh đạo Viện Chính sách đứng trước một sự lựa chọn chiến lược hoặc tiếp tục như trước đây, thực hiện các nghiên cứu mang tính trả bài cho cơ quan chủ quản quản lý khoa học, hoặc đổi mới, gắn các nghiên cứu với những đòi hỏi cấp thiết của công tác hoạch định chính sách của Bộ ngành và Trung ương.

Website của Ipsard tại địa chỉ www.ipsard.gov.vn
Lựa chọn đường đi đã khó, song việc thực thi còn khó hơn. Năm 2005, Viện Kinh tế Nông nghiệp đổi tên thành Viện Chính sách và Chiến lược. Chức năng của Viện thay đổi hẳn, từ hoạt động chủ yếu là nghiên cứu đơn thuần sang nghiên cứu là công cụ để thực hiện ba chức năng cơ bản tham mưu chính sách, tư vấn và dịch vụ công với những nội dung mở rộng từ lĩnh vực nghiên cứu kinh tế nông nghiệp thêm các lĩnh vực mới như xã hội, điều tra, thử nghiệm mô hình, thông tin. Bản thân thay đổi tên gọi và chức năng sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu chính trong lòng nó không có những sự chuyển mình. Trong ý nghĩ của tôi sau hơn hai năm ở Viện Chính sách IPSARD đã diễn ra rất nhiều biến chuyển, còn theo một số đồng nghiệp của tôi lại cho rằng chúng ta đang tăng trưởng nóng nên không tránh khỏi bất cập. Dù theo thước đo nào đi nữa cũng có thể nhận thấy có những dấu hiệu chuyển mình. Những đổi mới chính có thể gói gọn lại trong 3 chữ C: Chủ động; Cơ chế; Con người là trung tâm

Chủ động

Một nguyên tắc kinh tế đã trở nên phổ biến trong lý thuyết nhưng nhiều khi bị bỏ qua trong thực tiễn đó là luôn hướng tới phục vụ khách hàng. Người nghiên cứu chính sách cũng không phải là một ngoại lệ. Lãnh đạo Viện luôn đề cập đến việc cần phải định hướng lại khách hàng trực tiếp nhất của đơn vị nghiên cứu chính sách chính là các nhà hoạch định chính sách, để làm sao chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành các đề xuất chính sách, rồi từ đó mang lại lợi ích cho khách hàng quan trọng nhất là những người dân nông thôn. Để làm được điều này, lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện đã chủ động gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo của Bộ ngành, các Cục Vụ những đơn vị đang phải xây dựng các chính sách để từ đó hướng các đề tài nghiên cứu trả lời trực tiếp các câu hỏi này.

Một ví dụ về sự chủ động của IPSARD là mối quan hệ với báo chí. Nhiều lãnh đạo cơ quan nghiên cứu, nhất là lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu thường "ngại" báo. Thời gian qua, nhiều báo đã viết về Viện Chính sách , có bài chính xác, có bài chưa. Nhưng tập thể lãnh đạo Viện cho rằng truyền thông là một kênh hết sức hiệu quả để phản ánh những ý tưởng, suy nghĩ của người nghiên cứu trước thời cuộc, và qua đó tăng tiếng nói và ảnh hưởng ra công chúng rồi ảnh hưởng ngược trở lại đến quá trình xây dựng và triển khai chính sách. Có lẽ chính vì những nỗ lực kết nối với truyền thông mà cái tên IPSARD mặc dù mới những cũng đã dần trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và công chúng quan tâm đến ngành nông nghiệp nông thôn.

Cơ chế

Trước đây, hoạt động của Viện vẫn dựa 100% kinh phí từ Bộ. Nhưng cùng với việc Bộ NN sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu, tăng đầu tư cho KH&CN và từ 9/2005, khi Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Viện đã đề xuất với Bộ NN&PTNT để chuyển đổi sang mô hình đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có thể nói rằng, trong làn gió đổi mới 115, những cố gắng đổi mới đã làm cho Viện Chính sách trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong ngành nông nghiệp và các đơn vị nghiên cứu chiến lược chính sách. Trả lời Tia Sáng (số 11, tháng 6/2006) TS Đặng Kim Sơn khẳng định “Viện chúng tôi xuất thân từ Viện Kinh tế Nông nghiệp còn áp dụng cơ chế quản lý rất cũ...Cơ chế này một mặt trở thành gánh nặng cho Nhà nước, mặt khác cản trở sự phát triển của Viện. Đó là lý do khi chuyển thành Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi xây dựng quy chế hoạt động theo cơ chế của Nghị định 115.”

Rất nhiều nỗ lực và ý tưởng đã được thử nghiệm ở Viện Chính sách IPSARD để gây dựng một cơ chế định hình theo hướng giỏi chuyên môn thì được giao chủ trì đề tài, công trình, nhiệm vụ nghiên cứu. Giỏi quản lý thì được giao làm lãnh đạo phòng, ban, bộ môn, trung tâm. Nguyên tắc có lên có xuống có vào có ra hoặc cùng một nguyên tắc UP-OUT: tiến lên hoặc ra khỏi cuộc chơi. Quá trình này khi thực hiện ở Viện tất yếu đã có những đụng chạm và phản ứng không thuận chiều song dần dần phần lớn cán bộ tích cực đều nhìn nhận đó là một xu hướng không thể đảo ngược nếu muốn đẩy cả đơn vị tiến lên.

Con người là trung tâm

Một đồng nghiệp nói với tôi, Viện mình không phải như những Viện nghiên cứu mang tính thực nghiệm phải có hệ thống nhà xưởng, phòng thí nghiệm…ở đây chỉ cần vài cái laptop với phần mềm phân tích là đủ, cái chính đó là chất lượng của người cán bộ nghiên cứu. Hiện nay, các công ty đua nhau tuyển dụng người có trình độ đã làm cho các cơ quan Nhà nước gặp phải khó khăn về nhân sự. Viện Chính sách cũng chứng kiến những dao động và sự cả ra đi của một vài cán bộ. Những thế mạnh trước đây của một đơn vị Nhà nước như biên chế, đào tạo, tập huấn…nếu không phát huy mạnh mẽ sẽ bị khối kinh doanh bên ngoài dần vượt qua thu hút hết người giỏi, tạo ra chảy máu chất xám.

Trong hai năm qua, Viện liên tục tổ chức hàng loạt lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, trong nước, quốc tế do cán bộ trong viện, chuyên gia đầu ngành từ các cơ quan khác, các chuyên gia giỏi của các tổ chức quốc tế tiến hành đào tạo hầu hết mọi chức danh cho mọi cán bộ trong viện, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, có triển vọng. Những nỗ lực đẩy mạnh tăng cường năng lực đã giúp Viện thu hút được nhiều sinh viên tu nghiệp từ nước ngoài và các cán bộ giỏi có kinh nghiệm về, xây dựng được một đội ngũ cán bộ năng động có nhiệt huyết. Lãnh đạo Viện cũng cam kết sẽ tiến đến xây dựng cho cán bộ nghiên cứu của viện một môi trường và điều kiện làm việc đạt tiêu chuẩn các nước trong vùng về thông tin, trang bị, đi lại, xuất bản kết quả nghiên cứu, tham gia giảng dạy... và tiến đến là cả cơ sở làm việc khang trang. Ngoài ra, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, sẽ tiến hành xây dựng một chế độ ưu đãi đặc biệt cho nhân tài quốc tế.


Phạm Quang Diệu - Q. Giám đốc TT Thông tin PTNNNT (Bài viết được đăng trên Tạp chí Tia Sáng)

Tin khác