Làm gì để bảo hộ nông dân?

30/07/2008

Nhu cầu được bảo hộ của nông dân trong xu thế đô thị hóa thì nhiều, quan trọng nhất có lẽ là làm thế nào để họ có thể sống tốt trên chính đồng ruộng của mình? Ông Lê Đức Thịnh, phó trưởng bộ môn hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn, nói:

- Tôi cho rằng trong xã hội hiện đại, nông dân là người dễ bị tổn thương nhất nên họ cần được bảo hộ nhiều nhất. Sự bảo hộ cần thiết và trước tiên nhất là cuộc sống vật chất, chính xác hơn là sản xuất của họ. Trong phạm vi hẹp có thể xem đó là hệ thống chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Có bảo hiểm nông nghiệp, nông dân có được chia sẻ rủi ro không?

- Nông nghiệp VN mỗi năm trung bình thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh chiếm 1% GDP. Thiệt hại thường tập trung vào một vài địa phương, lĩnh vực nên sự tổn thương rất lớn. Đặc thù của sản xuất nông nghiệp là lãi không nhiều nhưng thua thì mang nợ cả đời. Sự hỗ trợ tức thời chỉ giải quyết một phần khó khăn trước mắt và rất nhỏ. Nông dân là nền tảng và đóng góp rất nhiều cho xã hội, nhưng họ phải đơn độc gánh vác phần rủi ro nhất của cuộc sống là điều bất công. Tuy vậy chia sẻ rủi ro chỉ là một ưu việt của bảo hiểm nông nghiệp.

Bảo hiểm nông nghiệp còn có những lợi ích khác. Năm 2006 nuôi một con heo thịt đầu tư hết 1,5 triệu đồng nhưng chỉ lãi 100.000-200.000 đồng. Năm 2007 đầu tư một con heo mất 5 triệu đồng vốn (gấp ba lần) nhưng lãi lên đến 1 triệu đồng (gấp 5-10 lần).

Về nguyên tắc, đây là cơ hội làm giàu cho người nuôi heo vì lợi nhuận trên vốn tăng gấp nhiều lần. Nhưng thực tế thì tổng số đầu heo lúc này lại giảm. Lý do: tiền đầu tư đòi hỏi nhiều hơn trước. Nông dân phải đi vay. Vay không được vì ngân hàng thấy không có gì để bảo hiểm cho rủi ro này. Nếu dịch bệnh làm heo chết thì với số vốn cao như vậy, nông dân không thể trả được nợ. Hậu quả là cơ hội vươn lên của nông dân mất đi. Tuy nhiên, nếu có bảo hiểm nuôi heo, chắc chắn ngân hàng sẽ cho nông dân vay giống như họ làm với bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào khác. Và nông dân có thể thoát nghèo, khấm khá...

Có bảo hiểm thì nông nghiệp dễ kêu gọi đầu tư. Ngoài ra khi bảo hiểm tham gia, họ sẽ đòi hỏi hệ thống hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp thật an toàn, hiệu quả. Đây chính là yếu tố lớn nhất thúc đẩy nông nghiệp, nâng cao chất lượng hạ tầng nông nghiệp cũng như trình độ nông dân. Điều này đồng nghĩa với con số thiệt hại sẽ không còn lớn tới 1% GDP mỗi năm.

Ông Lê Đức Thịnh

Ông Lê Đức Thịnh: Bảo hiểm nông nghiệp có ba chức năng chính. Một là chia sẻ rủi ro, giảm thiểu những cú sốc cho nông dân và cộng đồng. Hai là thông qua những yêu cầu khắt khe của cơ quan bảo hiểm, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống bảo đảm an toàn, hiệu quả trong sản xuất, dịch vụ... Qua đó kêu gọi được đầu tư, nâng cao quy mô, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng... Ba là bảo hiểm chính là thước đo tính nhân văn, văn minh của xã hội, bảo vệ và thúc đẩy xã hội phát triển.

Thế giới đã có bảo hiểm nông nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Có ba phương thức thường được các nước áp dụng. Một là doanh nghiệp bảo hiểm ký hợp đồng trực tiếp với nông dân. Phương thức này đòi hỏi nông dân phải sản xuất với quy mô lớn. Điều này không khả thi ở VN. Cách thứ hai là hợp đồng tay ba giữa doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp vốn và nông dân. Doanh nghiệp bảo hiểm thẩm định, giám sát...; doanh nghiệp vốn bỏ tiền.

Tuy nhiên, phương thức này chỉ có thể thực hiện với thể chế rất chặt chẽ. Chống tình trạng khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp vốn yêu cầu bảo hiểm trả đền bù. Tức là thay vì bảo hiểm nông nghiệp thành ra bảo hiểm vốn. Phương thức thứ ba gọi là bảo hiểm theo chỉ số, tức doanh nghiệp bảo hiểm ký hợp đồng với đại diện cả một vùng nông thôn.

Khi rủi ro, thay vì đánh giá thiệt hại từng hộ thì họ sẽ đánh giá thiệt hại cả vùng theo một số chỉ số nhất định đã thỏa thuận, rồi đền bù theo mức thiệt hại đó. Ví dụ bão làm chết lúa ở một xã, doanh nghiệp đánh giá mức thiệt hại cả xã là 30% và sẽ bồi thường cho cả xã đó theo mức này. Việc chia bồi thường cho từng hộ sẽ do đại diện nông dân của xã đó tự lo theo thỏa thuận nội bộ từ trước, hoặc chia theo mức diện tích gieo cấy của từng hộ... Đây là phương thức tối ưu với VN.

Theo ông, tại sao phương thức này chưa thể vận dụng ở VN?

- Bảo hiểm chỉ số đòi hỏi ít nhất phải có quy hoạch vùng và tổ chức nông dân hiệu quả. Năm trước ở Tây nguyên có một vùng trồng mía sạch để xuất khẩu, mía này khi có sâu thì không thể dùng thuốc trừ sâu mà phải thả bọ dừa vào vườn mía để bọ ăn sâu. Song cạnh vùng mía là những trang trại trồng cây khác cũng bị sâu và các trang trại bên cạnh đã phun thuốc trừ sâu khiến bọ dừa của vùng mía ảnh hưởng mà chết.

Ở Tây Bắc có một doanh nghiệp chế biến sữa. Họ giao bò cho các hộ đem về nuôi theo quy trình công nghệ của doanh nghiệp đó. Khi doanh nghiệp này mua bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm yêu cầu phải tiêm phòng bò. Khi tiêm, doanh nghiệp bò sữa đã phải bỏ tiền tiêm cho tất cả những con bò khác sống gần chuồng bò của mình. Nếu không làm thế, bò của doanh nghiệp có thể lây bệnh của bò "hàng xóm" và lúc đó bảo hiểm không hợp tác.

Qua đó thấy rằng chúng ta phải quy hoạch vùng nào nuôi con gì, trồng con gì? Điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế mỗi vùng ra sao? Và tất cả thành viên ở vùng đó đều phải tuân thủ. Nếu không có hạ tầng an toàn như thế thì bảo hiểm không thể vào cuộc.

Để có thể thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

- Có rất nhiều việc thuộc nhiều trách nhiệm nhưng cần nhất là phía Nhà nước với những việc sau: tạo dựng hệ thống hạ tầng đảm bảo an toàn nông nghiệp cả về pháp lý lẫn thiên tai, dịch bệnh. Ví dụ như quy hoạch vùng, xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, hệ thống cảnh báo thiên tai, khuyến nông, thú y...

Nhà nước nên bỏ tiền mua một phần bảo hiểm cho nông dân. Việc này không chỉ chia sẻ rủi ro, hỗ trợ bà con mà còn có thể giám sát tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân khi rủi ro. Đồng thời chúng ta nên xây dựng hệ thống thể chế phù hợp khiến doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải công bố tỉ lệ, mức độ, đối tượng, phương thức... đền bù. Tránh tình trạng gian lận của doanh nghiệp cũng như tâm lý trốn mua bảo hiểm nông nghiệp của nông dân.

Mặt khác, chúng ta cần có hệ thống tiêu chí đánh giá và công bố kết quả chất lượng dịch vụ bảo hiểm để nông dân có sự lựa chọn và doanh nghiệp bảo hiểm được đánh giá công bằng.


Nguồn: Tuổi Trẻ

Tin khác