Tản mạn dạy nghề cho nông dân

26/03/2009

Một phương cách giúp nông dân thoát nghèo đó là đào tạo nghề. Chính phủ đang xây dựng Đề án đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân, tuy nhiên, để đạt được đích này việc dạy và học nghề vẫn còn quá nhiều điều đáng bàn.

Nhu cầu học nghề lớn

Theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐ, TB, XH), lao động nông thôn và lao động nông nghiệp có xu hướng giảm dần, tới năm 2015 chiếm khoảng 63,09% (33,1 triệu người) và năm 2020 chiếm khoảng 57,33% (32,1 triệu người).

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB, XH Đàm Hữu Đắc cho biết, hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, hàng năm cần đầo tạo nghề cho khoảng 350.000 tới 400.000 người. Vùng chuyên canh cây nguyên liệu có nhu cầu lao động qua được đào tạo nghề khoảng 96.000 người. Một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp trình độ đến năm 2020 khoảng 800.000 người…

Những ngành khác như du lịch giai đoạn 2009-2015 là khoảng 20.000 người/năm, những năm sau đó khoảng 50.000 người/năm. Ngoài ra, số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hàng năm là khoảng 50.000 người.

Nông dân được đào tạo nghề sẽ có cơ hội thoát nghèo lớn (Ảnh: T.Nghị)

Còn theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tại 16 địa phương có số lượng đất thu hôi lớn, chỉ có 13% lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề. Còn hầu hết nông dân có được kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chậm đổi mới nên năng suất lao động, giá trị sản phẩm hàng hoá tạo ra không tương xứng với thời gian lao động.

Như vậy nhu cầu học nghề đang rất lớn nhưng thực tế, nhiều bộ, ngành, các cấp và cả người lao động cũng chưa nhận thức, chưa thực sự quan tâm tới việc học nghề.

Trong khi đó, các cơ chế, chính sách về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được ban hành tản mạn, không thống nhất dẫn tới sự chồng chéo, kém hiệu quả và bất cập như bị giới hạn về đối tượng, thời gian đào tạo; mức hỗ trợ chi phí đào tạo thấp.

Một vấn đề nữa mà ông Đắc nhấn mạnh là về thực trạng của thị trường lao động, việc làm hiện nay. “Những thông tin này quá yếu kém, không đầy đủ và kịp thời khiến người lao động lúng túng trong việc lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề…

Dày đặc chương trình dạy nghề

Hiện đã có 114 bộ chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trong đó có 99 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 15 nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Về chương trình dạy nghề ngắn hạn, thường xuyên và sơ cấp nghề đã được các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở dạy nghề xây dựng và ban hành. Các hội, đoàn thể cũng xây dựng tới… hàng trăm bộ chương trình, tài liệu chuyển giao công nghệ thông qua các dự án khuyến công, nông, lâm, ngư…

Nhưng Bộ LĐ,TB,XH cũng cho rằng, cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động, thậm chí có chương trình, giáo trình dạy nghề đã lạc hậu.

Đã thế, mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị. Khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ, hoặc có thì diện tích ít, thiếu xưởng thực tập thực hành... Cả nước hiện còn 253 huyện chưa có trung tâm dạy nghề, 31% phòng học và 20,7% số nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà cấp 4.

Thực tế tại Thanh Hoá, Sở LĐ,TB,XH tỉnh này cho hay có huyện có tới tám trường THPT, Bổ túc mà không hề có một trung tâm dạy nghề.

Rồi đội ngũ cho giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp và hạn chế về chất lượng: 42 trung tâm dạy nghề không có giáo viên cơ hữu, 39 trung tâm dạy nghề chỉ có một giáo viên cơ hữu… Ở cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách về dạy nghề, thậm chí ngay cả nhiều giám đốc trung tâm dạy nghề cũng chưa đủ năng lực!

Điều này đã khiến cho chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, một bộ phận học viên sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề, thu nhập thấp.

Vậy đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 liệu có “xử lý” được những bất cập trên và thực sự tạo được thay đổi căn bản cho việc dịch chuyển cơ cấu lao động? Vấn đề này sẽ được Điện tử Tổ Quốc trở lại trong bài tiếp theo./.


Nguồn: www.toquoc.gov.vn

Tin khác