Cao su chết yểu, nông dân nợ nần

19/02/2009

Trong chuyến công tác tại huyện biên giới Ea Súp mới đây, chúng tôi giật mình khi một cán bộ ở địa phương cho biết, đã có cả nghìn ha cao su trồng mới, trong đó một số nơi cây cao su non đã bị chết “khô” hoặc chết “lụt”, mà nguyên do là vì khí hậu, thổ nhưỡng ở Ea Súp không phù hợp với loại cây trồng này.

Tìm hiểu kỹ về tình trạng phát triển ồ ạt cây cao su ở Ea Súp, chúng tôi được biết, vào thời điểm cuối năm 2007 và nửa đầu năm 2008, khi giá mủ cao su trên thị trường cao, có lúc vượt ngưỡng 50 triệu đồng/tấn mủ quy khô, đã có hàng chục doanh nghiệp cùng hàng trăm hộ dân khác từ nhiều tỉnh, thành phố đổ xô vào Ea Súp lập dự án, mua đất và thuê đất trồng cao su. Có tới 50 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có 38 doanh nghiệp được phép khảo sát 30 nghìn ha rừng để chuyển đổi trồng cao su. Bên cạnh đó, hàng trăm ha đất lấn chiếm rừng đã được người dân chuyển nhượng trái phép. Có doanh nghiệp còn mạnh tay bỏ ra bạc tỷ mua đất với giá cao ngất ngưởng. Không ít hộ nông dân ở Ea Súp cũng bị lôi cuốn vào “cơn lốc” này.

Tình trạng trồng mới cây cao su tự phát và ồ ạt không được thẩm định, không tham khảo ý kiến của nhà khoa học dẫn tới nhiều hệ lụy: Không những nhiều cánh rừng bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và chuyển nhượng trái pháp luật, thậm chí có những cán bộ chủ chốt ở cấp xã cũng ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp bán cho các nhà đầu tư trồng cao su. Và hậu họa lớn hơn là hầu hết diện tích trồng cao su trồng mới đứng trước nguy cơ phải chặt bỏ vì thổ nhưỡng và khí hậu ở Ea Súp không phù hợp cho quá trình phát triển, tạo mủ của cây cao su. Chính những cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc cũng như huyện Ea Súp đã khẳng định vùng đất Ea Súp không thích hợp với cây cao su. Nguyên nhân là tầng đất sét pha cát mỏng, không màu mỡ, phía dưới tầng đất mỏng ấy là đá bàn, cộng với khí hậu ở đây do ảnh hưởng của rừng khộp nên nắng nóng quanh năm. Thực tế nhiều loại cây công nghiệp như điều, cà phê đã được trồng thực nghiệm và đại trà cũng không thích hợp với vùng đất này. Bài học đắt giá về phát triển ồ ạt hàng chục nghìn héc-ta điều cao sản ở Ea Súp mấy năm trước đây, tiêu tốn cả trăm tỷ đồng để cuối cùng phải chặt bỏ vẫn còn là khoản nợ treo lơ lửng trên đầu nông dân. Cây điều vừa chặt bỏ, giờ lại đến lượt cây cao su “chết yểu”, người nông dân lại sa vào cảnh nợ nần.

Làm gì để giúp nông dân Ea Súp cũng như nhiều vùng nông thôn khác tìm được cây trồng thích hợp cho vùng đất họ đang sinh sống? Ngành nông nghiệp, nhà khoa học và chính quyền các cấp cần sớm vào cuộc. Cần quy hoạch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, đưa ra những cảnh báo thật cụ thể, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp vì chạy theo phong trào, phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Đừng để nông dân tự dò dẫm trên mảnh đất mình đang sống và canh tác, đang là câu hỏi bức thiết hiện nay.


(Nguồn: QĐND)

Tin khác