Chăn nuôi gia súc lớn (GSL) có vai trò rất quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi. Đặc thù của chăn nuôi GSL, đặc biệt là bò sữa là phải đầu tư vốn lớn, kiến thức kỹ thuật cao nên không chỉ cần sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn mà còn cần sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi để phát triển sản xuất và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Những khó khăn của người nông dânThực tế cho thấy việc chăn nuôi GSL đã đem lại thu nhập cao và chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế hộ gia đình nông dân. Đặc biệt, mô hình hộ gia đình chăn nuôi từ 3 đến 5 con cái sinh sản đang rất hấp dẫn các hộ nuôi, bởi nó phù hợp và dễ thực hiện. Chăn nuôi GSL ngoài giải quyết việc làm cho nông dân và lực lượng lao động dư thừa ở các địa phương, còn góp phần tận dụng tối đa những phụ phẩm nông nghiệp, giải quyết vấn đề môi trường và năng lượng sử dụng trong sinh hoạt thông qua việc làm hầm biogas. Với tổng đàn GSL của thành phố là 253.715 con, trong đó có 207.367 con bò, 28.898 con trâu, 10.684 con dê, 507 con ngựa được nuôi tập trung ở 150.000 hộ gia đình, đã giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động. Đặc biệt, 6.898 con bò sữa, trong đó có 3.200 con đang trong thời kỳ vắt sữa cho sản lượng 46 tấn sữa/ngày, đưa tổng lượng sữa năm 2008 lên 11.301.000kg. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người chăn nuôi đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ông Lê Văn Trừu, hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì cho biết: Khó khăn cho người chăn nuôi nói chung, nhất là chăn nuôi GSL là phải chịu đợt rét đậm, rét hại kéo dài hồi đầu năm, làm chết nhiều gia súc. Trận ngập úng đầu tháng 11 năm ngoái cũng làm cho vùng nguyên liệu thức ăn cho gia súc bị ảnh hưởng, khan hiếm thức ăn, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cùng cơn "bão mê-la-min" đã gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi và các nhà máy chế biến sữa. Người chăn nuôi còn phải đối mặt với khó khăn về vốn và sự mất ổn định về đầu ra cho sản phẩm. Thực tế cho thấy, sản phẩm sữa bò tươi của người chăn nuôi có thời kỳ đã bị ứ đọng, không tiêu thụ được, thậm chí phải đổ đi làm người nông dân khốn đốn.
Thiếu vắng vai trò của Nhà nước
Những ảnh hưởng từ cơn "bão mê-la-min" mà người nông dân phải gánh chịu đã quá rõ. Từ đây đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu vắng vai trò quản lý của Nhà nước cùng các cơ quan chuyên môn, sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất thu mua sữa, các đơn vị sản xuất thức ăn và sự trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức, hộ chăn nuôi. Ông Phan Sỹ Minh, Phó Giám đốc Công ty Sữa IdoZi cho biết: "Việc ký kết hợp đồng giữa người nông dân và đơn vị tiêu thụ sữa là rất cần thiết để người nông dân và các đơn vị sản xuất yên tâm sản xuất và tạo mối liên minh vững chắc. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm sữa đã chế biến mang tính thời vụ, sức mua chênh lệch giữa mùa hè và mùa đông nên đòi hỏi phải có sự hợp tác của nông dân. Trong quá trình thực hiện hợp đồng phải có cả sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn để kiểm soát vùng chăn nuôi, tuyên truyền, vận động người nuôi mua giống và lựa chọn thức ăn an toàn, đặc biệt là quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, vắt sữa, bảo quản đến trạm thu gom để bảo đảm vệ sinh ATTP". Còn ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (trước là Công ty TNHH Vinh Nga) cho rằng: "Chăn nuôi GSL cần có nguồn vốn lớn đầu tư cho con giống và thức ăn chăn nuôi. Để giúp người chăn nuôi có nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định, bảo đảm chất lượng, Công ty đã cho 105 hộ nông dân ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài vay 1,7 tỷ đồng và cung cấp cho các hộ nguồn thức ăn tốt. Vì vậy, giữa các hộ chăn nuôi và đơn vị sản xuất thu mua bước đầu đã có sự gắn kết chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc tiếp nhận tiến bộ KHKT của nông dân còn rất yếu. Bên cạnh đó, những quy định để quản lý chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ và quản lý nguồn gốc hàng hóa lưu hành trên thị trường chưa được quan tâm, chưa khuyến khích được các DN sản xuất, kinh doanh sữa đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hình thức đặt hàng hoặc đầu tư nuôi đến từng hộ nông dân".
Để nghị quyết của Đảng về chính sách "tam nông" đi vào cuộc sống, chiến lược phát triển chăn nuôi GSL năm 2009 của thành phố Hà Nội đã được xây dựng, trong đó vai trò của các cơ quan chức năng trong việc điều tiết, gắn kết các hoạt động, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa DN và người nuôi đặc biệt được coi trọng. Hy vọng rằng, trong năm 2009, chăn nuôi GSL sẽ từng bước phát triển ổn định, đóng góp đáng kể vào tỷ trọng ngành chăn nuôi.
(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)