Lai Châu tiếp tục khai thác thế mạnh, thúc đẩy, kinh tế - xã hội phát triển

13/09/2008

Đảng bộ và nhân dân Lai Châu, trên cơ sở tiềm năng, thành tích đạt được đã kịp thời đề ra những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, khả thi nhằm quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh. Những nhiệm vụ, giải pháp này là sự thể hiện quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đưa Lai Châu đến năm 2010 ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đến năm 2020 trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển khá trong cả nước. Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới mới được thành lập. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Lai Châu có nhiều tiềm năng đang bước đầu được khai thác. Những tiềm năng quan trọng đó là vị trí địa lý, thế mạnh về đất đai, kinh tế cửa khẩu, nguồn tài nguyên nước để phát triển ngành công nghiệp thủy điện. Qua khảo sát sơ bộ, Lai Châu có trên 100 điểm khoáng sản với nhiều chủng loại: đồng, sắt, đất hiếm, chì, đá đen, đá vôi... có khả năng khai thác chế biến xuất khẩu.

Được sự quan tâm, đầu tư của trung ương, hiện nay Lai Châu đã triển khai xây dựng một số nhà máy thủy điện lớn và các nhà máy sản xuất xi- măng, sản xuất vật liệu xây dựng,... tạo tiền đề cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Bên cạnh đó là tiềm năng văn hóa phong phú và đa dạng của 20 dân tộc anh em có thể khai thác, phát huy phục vụ phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tộc người. Cùng với các tiềm năng đó là truyền thống đoàn kết của đồng bào các dân tộc Lai Châu với bề dày truyền thống hằng trăm năm. Những tiềm năng quan trọng đó tạo điều kiện thuận lợi cho Lai Châu nắm bắt thời cơ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; đồng thời, cũng là nguồn lực để Đảng bộ và nhân dân Lai Châu đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm lãnh đạo, và có nhiều chủ trương, chính sách mới đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi, Lai Châu càng có điều kiện phân bổ nguồn nhân lực và tài nguyên hợp lý, có điều kiện sâu sát cơ sở, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, điều hành, cơ cấu lại sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình và quản lý chủ quyền biên giới quốc gia.

Không phải chỉ có tiềm năng, lợi thế, Lai Châu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương. Lai Châu là tỉnh nghèo nhất trong cả nước, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, tuy đa dạng và phong phú về văn hóa, nhưng phong tục, tập quán của các dân tộc lại rất khác nhau, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Trong khi dân trí còn thấp, công tác thông tin, tuyên truyền lại hạn chế, nên việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hạ tầng cơ sở yếu kém, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc học hành, khám chữa bệnh của người dân còn thiếu thốn; thêm vào đó là tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, giá cả đắt đỏ..., làm cho cuộc sống của cán bộ và nhân dân càng khó khăn.

Ngoài ra, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; tình hình kinh tế - xã hội của hầu hết các xã trong tỉnh đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nền kinh tế của tỉnh mặc dù có bước phát triển mới, nhưng nhìn chung, quy mô còn nhỏ bé, sản xuất hàng hóa manh mún, hiệu quả chưa cao, các khu vực thuộc nông thôn, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nặng về tự cấp, tự túc. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, thiếu vững chắc; thu ngân sách của tỉnh không đáng kể nên chủ yếu dựa vào trợ cấp của trung ương. Thêm vào đó, Lai Châu lại ở xa các trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của đất nước, nên việc giao lưu, hội nhập phát triển bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn. Những điều đó đã tạo nên những thách thức lớn, hạn chế tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với những khó khăn trên, hệ thống chính trị ở cơ sở của Lai Châu chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu cả về chuyên môn và nghiệp vụ. Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá như tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do và các hoạt động khác hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc gây mất ổn định ở địa phương.

Sau hơn 3 năm chia tách, thành lập, đi vào hoạt động, và một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, Lai Châu bước đầu đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Nền kinh tế của Lai Châu tăng trưởng với tốc độ khá, GDP từ năm 2004 - 2006 bình quân đạt hơn 9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đã xác định; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 25,5%, tăng 2,78% so với năm 2003, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ đạt 29%...; các ngành, các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá, hầu hết các mục tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với yêu cầu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Một số ngành, lĩnh vực bước đầu đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực.

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Tỉnh có nhiều chủ trương trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ban hành các cơ chế, chính sách mới đúng đắn, nên diện tích, năng suất, sản lượng đạt kết quả cao, giá trị sản xuất hằng năm tăng 5,46%. Năm 2006, đạt trên 100 nghìn tấn lương thực, bảo đảm được nhu cầu lương thực và một phần hàng hóa. Một số vùng trọng điểm lương thực đã được xây dựng, triển khai dự án nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trong đầu tư. Diện tích cây công nghiệp: chè, thảo quả, cao su và cây công nghiệp ngắn ngày được chú trọng phát triển gắn với chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Ngành công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất và thu hút được nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để hình thành cơ sở công nghiệp địa phương có lợi thế như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè, bột giấy, và hình thành một số làng nghề truyền thống phục vụ nhu cầu nội tại và mở rộng thị trường đến các địa phương khác trong cả nước. Giá trị sản xuất hàng công nghiệp năm 2006 đạt gần 200 tỉ đồng; mức tăng trưởng trong 2 năm 2005 - 2006 đạt 16,7%.

Ngành thương mại, dịch vụ được đẩy mạnh và phát triển. Năm 2005, đạt 380,34 tỉ đồng, năm 2006 đạt hơn 400 tỉ đồng. Nhiều lĩnh vực, như thu ngân sách địa phương, tín dụng ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, du lịch... đạt chỉ tiêu và vượt kế hoạch.

Lai Châu đã xác định đầu tư 3 vùng kinh tế trọng điểm nhằm khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển. Đó là, vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D...; vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà; vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ và các điểm kinh tế phụ trợ. Hiện nay, các vùng kinh tế trọng điểm này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Cùng với phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh tập trung chỉ đạo sắp xếp, đổi mới, phát triển hệ thống các doanh nghiệp. Đến nay toàn tỉnh có gần 300 doanh nghiệp, 114 chi nhánh văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đi vào hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đổi mới được thiết bị công nghệ, tăng đầu tư vốn... Vì vậy, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh có hiệu quả hơn, tạo được nhiều việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Kinh tế tập thể tiếp tục có bước phát triển mới, hình thành hệ thống các trang trại quy mô vừa và nhỏ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động, xóa đói, giảm nghèo...

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa - xã hội được phát triển. Các lĩnh vực giao thông, trường học, trạm y tế, phát thanh, truyền hình, văn hóa - thể thao được tăng cường và phát huy có hiệu quả. Hệ thống giao thông quốc lộ 4D đã được đầu tư, nâng cấp; 86/90 xã, phường, thị trấn có đường ô-tô đến tận trung tâm. Đường điện 110kV đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được xây dựng; 5/6 huyện, thị, 59/90 xã, phường có điện. Một trăm phần trăm trung tâm các xã có điện thoại... 59% xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% số xã có trạm y tế, hơn 90% số thôn, bản có cán bộ y tế... Tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch dự án tái định cư cho các hộ dân thuộc diện di dời ở các công trình thủy điện trên địa bàn. Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở đạt hơn 90%. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có bước phát triển mới, tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn dưới 0,3%. Giảm số hộ nghèo từ trên 70% năm 2004, xuống còn gần 40% năm 2006 (theo tiêu chí mới). Phong trào xây dựng bản, làng, khu phố văn hóa phát triển rộng ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Diện phủ sóng phát thanh đạt hơn 80%, sóng truyền hình đạt hơn 70% địa bàn dân cư.

Công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại được đẩy mạnh. Tỉnh đã tập trung kết hợp xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng và quốc phòng gắn với phát triển kinh tế. Tổ chức diễn tập phòng thủ, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại một số huyện trong tỉnh có kết quả tốt. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phương án, quyết tâm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia xây dựng củng cố hệ thống dân quân tự vệ cơ sở, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giải quyết triệt để những vấn đề an ninh trật tự ngay tại cơ sở. Quan hệ đối ngoại giữa Lai Châu và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được đẩy mạnh, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt giữa 2 tỉnh nói riêng và 2 nước nói chung. Tỉnh đã ký kết với tỉnh bạn về công tác phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; đồng thời, chủ động cùng với bạn trao đổi, bàn bạc các giải pháp tăng cường quan hệ kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh biên giới, thực hiện quy chế, quy ước biên giới Việt - Trung, bảo đảm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị nhằm tăng cường mở rộng mối quan hệ đối ngoại để khai thác nguồn vốn, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức được tỉnh quan tâm, chỉ đạo bằng các đề án phát triển nguồn nhân lực địa phương. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh.

Những thành tựu đạt được của tỉnh dù mới là bước đầu, còn nhỏ bé nhưng rất đáng trân trọng. Điều đó khẳng định và phản ánh những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu thời gian qua. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, trong những năm tới, Lai Châu cần tập trung vào 20 mục tiêu lớn và 6 chương trình trọng điểm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề cấp thiết của Lai Châu là: Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; đào tạo cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; phát triển kinh tế cửa khẩu; phát triển thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ...; đặc biệt, Đảng bộ và nhân dân Lai Châu cần tập trung cao vào hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản sau:

1 - Giữ vững ổn định chính trị, đại đoàn kết dân tộc, coi việc ổn định chính trị và đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra.

2 - Đẩy mạnh khai thác nguồn lực của tỉnh, thu hút tối đa ngoại lực nhất là sự giúp đỡ của trung ương phục vụ cho phát triển toàn diện địa phương theo hướng đã xác định. Đó là, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, khai thác khoáng sản; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, phát triển các loại cây là thế mạnh của địa phương như: chè, thảo quả, và đưa cây cao su vào trồng tại một số khu vực phù hợp.

3 - Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, trường học, y tế; xây dựng trung tâm thị xã và các huyện lỵ, tạo thành hệ thống đô thị trong toàn tỉnh.

4 - Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng làng, bản văn hóa mới, xây dựng nông thôn các dân tộc, xóa đói, giảm nghèo, để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị.

5 - Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí, xóa các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, làm cho chất lượng hoạt động mọi mặt của đời sống xã hội ở tất cả các địa bàn trong tỉnh bảo đảm phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

6 - Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu chiến lược đã quyết định; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

7 - Lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị mạnh từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, chú trọng đặc biệt đến cơ sở. Thực hiện tốt Nghị quyết của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tăng cường phát triển đảng để 100% thôn, bản có đảng viên; tăng cường quan hệ giữa Đảng với nhân dân tạo tư tưởng đồng thuận, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

8 - Thực hiện thành công công tác tái định cư cho các hộ dân ở các công trình thủy điện trên địa bàn, bảo đảm cho đời sống nhân dân ở những khu tái định cư tốt hơn nơi ở cũ.

9 - Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển kinh tế cửa khẩu, xuất khẩu những mặt hàng là thế mạnh của địa phương, phấn đấu đến năm 2010 đạt 10 triệu USD; tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả sự hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu

Nguyễn Minh Quang


Nguồn: www.tapchicongsan.org.vn

Tin khác