Bối cảnh
Việt Nam có diện tích đất tự nhiên trên 33 ngàn km2, trong đó 3/4 là đồi, núi. Đất rừng phân bố chủ yếu trên khu vực đồi núi này. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 25 triệu người với nhiều dân tộc ít người, có trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, kinh tế chậm phát triển và đời sống còn nhiều khó khăn (Vũ Văn Mễ, 2009).
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm , đến cuối tháng 6/2008 toàn quốc có trên 12,9 triệu ha đất có rừng và hơn 5 triệu ha là đất trống đồi núi trọc, chia làm 3 loại: rừng đặc dụng (2,4 triệu ha, 13%), rừng phòng hộ (7,3 triệu ha, 41%), và rừng sản xuất (8,2 triệu ha, 46%) (Hà Công Tuấn, 2009). Trong tổng số gần 18 triệu ha này, khoảng 12,5 triệu ha rừng và đất rừng đã được giao, khoán và cho thuê chủ yếu cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong nước quản lý, bảo vệ và phát triển.
|
Đất rừng sản xuất cần có một khung chính sách phù hợp, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững |
Như vậy, diện tích đất trống đồi núi trọc hiện vẫn còn rất lớn và chưa được quản lý và phát triển hiệu quả. Loại đất này nằm phần lớn được khoanh vào loại rừng sản xuất với hơn 2,4 triệu ha, chiếm 29% diện tích rừng sản xuất và 48% tổng diện tích đất trống đồi núi trọc cả nước (Hà Công Tuấn, 2009). Có nhiều nguyên nhân được cho tác động tiêu cực đến mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở Việt Nam, trong số đó là:
(1) Đối tượng được giao không quan tâm đến trồng rừng. Tính trên cả nước, khoảng 21% diện tích rừng và đất rừng đã được giao cho các hộ gia đình và cá nhân. Tuy nhiên, nghiên cứu ở Điện Biên, Sơn La (Nguyễn Quang Hà, 2009) , Nghệ An và Yên Bái (Nguyễn Vinh Quang, 2008a ; 2008b ) cho thấy tỷ trọng rất thấp diện tích đất trống đã giao cho các hộ và nhóm hộ được trồng rừng. Nghiên cứu một số điểm ở Hòa Bình cho thấy có tỷ trọng trồng rừng lên tới 70-80%, nhưng có tới 50% diện tích trồng mới này đã được cho thuê lại (Nguyễn Quang Hà, 2009).
(2) Hiệu quả kinh tế của hoạt động trồng rừng trên đất trống đồi núi trọc thấp (Nguyễn Quang Hà, 2009).
(3) Một diện tích rất lớn đất cần tái trồng rừng được giao không đúng đối tượng.
(4) Các chính sách, chương trình hỗ trợ và khuyến khích trồng rừng của Nhà nước còn nhiều bất cập chưa tạo được động lực cho các đối tượng được giao đất. Các hỗ trợ mang tính khuyến khích phát triển trồng rừng thường được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng hoặc hỗ trợ một phần chi phí đầu vào (cây giống, dịch vụ khuyến lâm, phân bón hoặc tiền công trồng, chăm sóc). Tuy nhiên về mặt kinh tế, nghiên cứu của Nguyễn Quang Hà (2009) tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên chỉ ra rằng các chính sách đầu tư, tín dụng của Nhà nước không tạo động lực cho người trồng rừng, do các hạn chế về (1) mức ưu đãi đầu tư không đủ bù đắp cho các hạn chế về hiệu quả thấp trong lâm nghiệp và (2) khả năng duy trì các hỗ trợ, khuyến khích trong thời gian đủ dài đảm bảo cải thiện thu nhập của hộ trồng rừng. Cụ thể, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với trồng rừng sản xuất theo Chương trình 661 của Nhà nước là quá thấp, chưa kể thủ tục rải ngân, kiểm tra nghiệm thu phức tạp; chính phủ không đủ vốn thanh toán đúng thời điểm theo dự án được duyệt (kể cả đối với rừng trồng và khoán bảo vệ; các khoản vay ưu đãi lãi suất khoảng 7%/năm hoặc vẫn chưa đủ hấp dẫn về mặt hiệu quả đầu tư với hộ nông dân, hoặc thời hạn vay quá ngắn không thích hợp cho đầu tư trồng rừng.
Về thực trạng nghiên cứu chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp (bao gồm đất có rừng và đất trống đồi trọc được quy hoạch để trồng rừng), từ năm 1990 đến nay Nhà nước đã ban hành gần 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp, thuộc các cấp ban hành: Quốc Hội, UBTV Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ NN-PTNT và liên Bộ. Hệ thống văn bản pháp luật này đã tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi và động lực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Nhiều chính sách và đạo luật được ban hành hoặc sửa đổi để phù hợp hơn với các cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ, an toàn và thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách lâm nghiệp thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với chủ trương xã hội hoá nghề rừng và cơ chế thị trường. Chưa bổ sung kịp thời những cơ chế chính sách mới đầu tư cho phát triển rừng sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ để tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế nhất là khu vực hộ gia đình, cộng đồng và tư nhân tham gia phát triển nghề rừng.
Nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng Chính sách về quản lý rừng và đất lâm nghiệp.
|
Phát triển rừng sản xuất góp phần bảo vệ đất đai, phát triển nông thôn bền vững |
- Xây dựng một hành lang pháp lý để thiết lập lâm phận quốc gia ổn định và cắm mốc ranh giới trên thực địa.
- Sửa đổi và hoàn thiện chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp nhằm tạo động lực để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển, kinh doanh lâm sản và đảm bảo lợi ích thoả đáng cho các chủ rừng.
- Ưu tiên giao đất, giao và khoán rừng phòng hộ cho các cộng đồng, hợp tác xã, hộ gia đình để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tạo điều kiện cho chủ rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của phát luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy luật của nền sản xuất hàng hoá làm cho rừng thực sự trở thành hàng hoá, thành nguồn vốn phát triển lâm nghiệp. Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo ra các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung bằng các hình thức: hộ gia đình và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.
- Tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng. Hoàn thiện quy chế quản lý rừng và hưởng lợi đa thành phần. Hoàn thiện và thực hiện cơ chế chính sách giao, cho thuê rừng sản xuất và rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Thử nghiệm và xây dựng cơ sở pháp lý để giao, cho thuê rừng đặc dụng cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt trong các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
- Đẩy mạnh rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; xoá bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, không hiệu quả. Các phong tục và luật tục tốt của các điạ phương cần được xem xét để xây dựng các quy ước bảo vệ và phát triển rừng.
- Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp huyện và xã. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và thôn xã nếu để mất rừng, phá rừng ở địa phương.
- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật.
Theo nhiệm vụ Chính phủ giao nêu Quyết định 18/2007/QĐ-TTg thì đến 2020 phải “thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững được 3 loại rừng gồm: 8,4 triệu ha rừng sản xuất, trong đó 4,15 triệu ha rừng trồng bao gồm rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung, lâm sản ngoài gỗ,... 3,63 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên và 0,62 triệu ha rừng tự nhiên phục hồi sản xuất nông lâm kết hợp (phấn đấu ít nhất có được 30% diện tích có chứng chỉ rừng); 5,68 triệu ha rừng phòng hộ và 2,16 triệu ha rừng đặc dụng… Trồng rừng mới 1,0 triệu ha đến năm 2010 và 1,5 triệu ha cho giai đoạn sau…” Như vậy, với những tồn tại trên cùng với định hướng phát triển rõ ràng của Nhà nước đối với hoạt động tái trồng rừng và trồng mới rừng sản xuất, một nghiên cứu đề xuất các chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả rừng sản xuất là rất cần thiết.
Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát :Xác định được những căn cứ thực tiễn về tình trạng quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất (bao gồm đất có rừng và đất được quy hoạch để trồng rừng), trên cơ sở đó đề xuất chính sách phù hợp và hiệu quả hơn tại 4 tình Lào Cai, Lai Châu, Đăk Nông và Đăk Lăk.
Mục tiêu cụ thể :Tìm hiểu thực trạng quản lí và sử dụng đất “rừng sản xuất” các tỉnh vùng cao Lào Cai, Lai Châu, Đăk Nông và Đăk Lăk.
Phân tích hiệu quả quản lý và sử dụng rừng sản xuất với lợi ích của các chủ rừng ở 4 tỉnh nghiên cứu.
Xác định nguyên nhân của hiện tượng không chuyển đổi/thu hồi được đất sang đất rừng.
Đề xuất định hướng chính sách quản lý và sử dụng hợp lý đất và những chinh sách liên quan đến thu hồi/chuyển đổi đất rừng sử dụng kém hiệu quả.
AGROINFO (Trích Đề cương nghiên cứu)