Đẩy mạnh xuất khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc sang Trung Quốc

02/08/2009

Ngày 24/7/2009 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã làm việc với 7 tỉnh biên giới phía Bắc, gồm: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên, bàn việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì Hội nghị. Trên nền  các cửa khẩu đã hình thành các khu kinh tế cửa khẩu, khu mậu dịch tự do, khu bảo thuế (gọi chung là khu KTCK)  được xem như điểm nhấn cho hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực này. Từng địa phương còn mở các cặp chợ biên giới, hợp tác tay đôi giữa những địa bàn giáp biên, đáp ứng những nhu cầu sốt dẻo trong đời sống kinh tế - văn hoá của cư dân, kích thích sản xuất hàng hoá vùng xâu, nơi xa trong các tỉnh sơn cước này. Hơn thế nữa, qua khu vực này, Việt Nam còn thực hiện dịch vụ tạm nhập -  tái xuất sang nước thứ ba.

Năm 2008, doanh số của dịch vụ nói trên của toàn quốc là 3,6 tỷ USD, phần quá cảnh Trung quốc là 2,8 tỷ USD. Tính chung, kim ngạch biên mậu của 7 tỉnh năm 2006 là 2,69 tỷ USD, năm 2007 đạt 5,46 tỷ USD, năm 2008 là 6,50 tỷ USD, chiếm 32,24% tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai quốc gia.

Tuy vậy, để phát triển hơn nữa, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết, để đẩy mạnh xuất khẩu của 7 tỉnh biên giới phải tạo thêm thuận lợi, tích cực tháo gỡ khó khăn. Trên quan điểm đó, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu của 7 tỉnh biên giới phái bắc vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, có thể là:

 - Quy hoạch tổng thể các khu KTCK phải đi trước một bước. Từ đó tiến hành đặt lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông; kết nối viễn thông; hạ tầng thương mại gồm kho tàng, bến bãi, sơ sở chế biến, trung tâm giao dịch; hạ tầng du lịch; hạ tầng giao dịch ngân hàng - tài chính ....

 - Căn cứ Hiệp định cắm mốc biên giới cần sớm hiệp y với Bạn để nhất trí về quy chế quản lý biên giới, đảm bảo ổn định và an toàn trong mọi hoạt động.

 - Có cơ chế tài chính giúp các địa phương được bổ sung tài lực từ nguồn thu tại Khu KTCK để từng địa phương được bổ sung vốn giải quyết các vấn đề bức bách trong phạm vi quyền hạn của Tỉnh. Giúp các địa phương cải tiến phương thức thanh toán, bảo hiểm, hối đoái..., thuận tiện, không bị rủi ro.

 - Giúp các địa phương đào tạo đội ngũ cán bộ thương mại, tác nghiệp về xúc tiến thương mại bằng nhiều nguồn vốn, đa hình thức, cho các đối tượng theo nghiệp vụ chuyên xâu.

 - Nắm bắt, phổ biến kịp thời cho các địa phương  chính sách ngoại thương, đặc biệt là những điểm thay đổi cơ chế của phía Bạn. Tăng cường công tác thông tin, dự báo giá cả, thị trường, phát hiện cơ hội kinh doanh, chắp nối bạn hàng. Vận dụng những điểm mới trong Quyết định số 80 của đối với Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, cải tiến cách tổ chức để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội chợ triển lãm, giao lưu thương mại, khảo sát thị trường và các năng lực khác về xúc tiến thương mại của từng địa phương. Kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch.

 - Từng nhóm, cả 7 tỉnh cần liên kết theo cụm vấn đề, phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng nơi, hợp thành sức mạnh tổng hợp.

Qua Hội nghị, Bộ công thương sẽ căn cứ vào tầm mức của từng vấn đề chọn lọc: việc nào trình chính phủ, vấn đề gì chuyển tới các bộ ngành liên quan, nội dung nào cần phối hợp với các bộ ngành khác hoặc tự mình thể hoá thành cơ chế, chính sách, Chương trình mục tiêu, giúp đỡ thiết thực các địa phương vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội


AGROINFO

Tin khác