Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng - mô hình xóa đói giảm nghèo và quản trị địa phương hiệu quả
Những thay đổi nhìn từ "người trong cuộc"Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng” được Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững thực hiện với hai mục tiêu chính là hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực quản trị cộng đồng ở địa phương. Mô hình này được triển khai tiếp nối trên các câu lạc bộ IPM chè do CIDCE Việt Nam tài trợ trước đây. Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ, đơn vị thực hiện các câu lạc bộ IPM chè cũng chính là cơ quan chủ trì hoạt động.
Mô hình này đã đạt được nhiều kết quả to lớn trên thực tế: xóa đói giảm nghèo, tạo thành được phong trào rộng, thu hút đông người dân trên địa bàn triển khai cùng tham gia, tạo được sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ giữa chính quyền và nhân dân… Những kết quả đó có được là nhờ cách thức triển khai độc đáo và sáng tạo.
Chú trọng phát triển “nhân tố con người”
Để xây dựng tổ chức câu lạc bộ và quản lý hoạt động, dự án tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Đầu tiên, khi giới thiệu dự án đến địa phương, đơn vị chủ trì đã xây dựng đội ngũ Thúc đẩy viên, làm nòng cốt phát triển phong trào. Với hơn 30 cuộc họp giới thiệu dự án, đã tập huấn cho được 2.418 người làm Thúc đẩy viên cho phong trào. Đây chính là những người đi tiên phong, vận động và tổ chức phong trào ở cơ sở.
Sau khi hình thành đội ngũ Thúc đẩy viên, số lượng cán bộ này lần lượt được tham dự các lớp tập huấn kỹ năng, kỹ thuật và nghiệp vụ liên quan. Nhiều lớp tập huấn có nội dung khác nhau đã được tổ chức: Tập huấn Phương pháp hướng dãn, phát triển cộng đồng lồng ghép giới và xã hội dân sự; Tập huấn về công tác vận động quần chúng…
Sau khi công tác truyền thông vận động được thực hiện có hiệu quả, các Thúc đẩy viên tổ chức các cuộc họp thành lập Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng, xây dựng quy chế, bầu ban chủ nhiệm… Ban chủ nhiệm của các câu lạc bộ chính là nguồn cán bộ được tập huấn, trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể lãnh đạo phong trào từ cơ sở.
Sau đó, Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ thường xuyên được tổ chức, tập huấn, trang bị những kiến thức cần thiết trong hoàn cảnh thực tế của phong trào. Các cuộc tập huấn rất đa dạng về nội dung, có nhiều thông tin thiết thực và bổ ích: Tập huấn về thị trường, Tập huấn kỹ năng, thủ tục tiếp cận ngân hàng, Tập huấn về phương pháp lập kế hoạch hoạt động, giám sát, đánh giá câu lạc bộ; Tập huấn về quản lý tài chính…
Lãnh đạo các câu lạc bộ còn được tổ chức tham quan, tìm hiểu mô hình, hoạt động của các câu lạc bộ tiêu biểu, các địa phương khác.
Phối hợp hành động
Để các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, dự án còn tập trung xây dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ với chính quyền, ngân hàng và doanh nghiệp.
Các lớp tập huấn kỹ năng của các câu lạc bộ thường có sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ của chính quyền, các đoàn thể tại địa phương. Nhờ đó, chính quyền nắm bắt được tình hình thực tế của các câu lạc bộ, có được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Bản thân lãnh đạo các xã cũng chính là các thành viên tham gia vào dự án một cách tích cực.
Để nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, dự án tổ chức các hội nghị thảo luận hợp tác ở các cấp. Hội nghị triển khai dự án cấp tỉnh được tổ chức để thống nhất hoạt động trong toàn tỉnh, đồng thời giới thiệu, quảng bá dự án, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Hỗ trợ tài chính và giám sát thực hiện
Sau khi được xây dựng nguồn lực cán bộ chủ chốt, xây dựng mối quan hệ bên ngoài với cơ quan ban nghành liên quan, các câu lạc bộ đã chủ động thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế đã được hoạch định. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ và các hội viên có quyền tự quyết trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế, phát triển cộng đồng của mình theo tình hình thực tiễn.
Ban quản lý và điều phối dự án thực hiện việc hỗ trợ tài chính cho các câu lạc bộ theo một lộ trình đã vạch sẵn.
Năm | Số tiền hỗ trợ (Đồng)
|
2007 | 433.983.000 |
2008 | 327.124.200 |
2009 | 118.821.000 |
Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, các hội viên còn tổ chức đóng góp hội phí, vốn sản xuất. Những nguồn vốn này được quản lý chặt chẽ, được sử dụng vào những mục đích chung của các câu lạc bộ.
Việc quản lý tài chính chặt chẽ, hiệu quả đã giúp các câu lạc bộ sử dụng vốn vào đúng mục tiêu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân tham gia.
Ban quản lý và điều phối dự án tổ chức tốt việc giám sát hoạt động của các câu lạc bộ. Ban quản lý dự án thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát độc lập để đánh giá quá trình thực hiện. Kết quả đánh giá được nêu ra trong các hội nghị tổng kết năm, hội nghị tổng kết giữa kỳ để đưa rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch cho thời gian tiếp theo.
Ban quản lý dự án thực hiện việc quản lý hoạt động và điều phối dự án thống nhất trong toàn tỉnh. Còn các câu lạc bộ được quyền tự quyết hoạt động phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế của phù hợp với tình hình địa phương.
Đánh giá chung
Tổng kết ba năm thực hiện mô hình “Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng” cho thấy những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức, thực hiện dự án hỗ trợ và phát triển kinh tế xã hội các vùng nông thôn nghèo, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, giải quyết. Liệu có thể nhân rộng mô hình để áp dụng cho các địa phương khác trong cả nước hay không?, sau khi dự án kết thúc liệu các câu lạc bộ có thể tự duy trì hoạt động một cách có hiệu quả và lâu dài hay không? Đây là những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian còn lại của dự án.
AGROINFO