Sao không mua tạm trữ "heo" sạch?

20/08/2010

AGROINFO - Trong bối cảnh hàng triệu con heo “sạch” đang vạ lây không tiêu thụ được vì dịch “tai xanh”, đã có ý kiến đề xuất Chính phủ cần có biện pháp thu mua tạm trữ giúp người chăn nuôi, đồng thời bình ổn giá thịt sau đại dịch này…

 
Nếu có chính sách tạm trữ, người chăn nuôi sẽ bớt gánh nặng bán tháo đàn heo “sạch” với giá rẻ mạt (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Dịch heo “tai xanh” kéo dài suốt mấy tháng qua, trải dài từ Bắc vào Nam đã khiến đàn heo khổng lồ của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng ngại nhất, hiện thịt heo chiếm tới gần 80% trong cơ cấu tiêu dùng thịt ở VN, nhưng do tâm lý ngán ngại của người tiêu dùng đã dẫn đến tình trạng tẩy chay thịt heo thái quá. Ngay cả khi các chuyên gia khẳng định rất rõ ràng: virus gây bệnh tai xanh không thể lây sang người nhưng thị trường thịt heo mấy tháng qua luôn trong tình trạng u ám, giá bán liên tiếp rớt không phanh dưới 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã trên 30.000 đồng/kg.

Theo ông Cao Văn Hóa – PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang, dù tỉnh Tiền Giang có đàn heo dính tai xanh lớn nhất nước, thiệt hại lên đến cả nghìn tỷ đồng nhưng tỷ lệ đàn heo nhiễm bệnh cũng chỉ chiếm có 6%. Điều đó có nghĩa, còn tới 94% đàn heo khoẻ, sạch bệnh đang ngắc ngoải không biết tiêu thụ ra sao. “Vì thế, tôi kiến nghị Chính phủ nên có phương án thu mua giết mổ cấp đông một phần heo sạch cho người chăn nuôi để vừa giảm áp lực lây lan dịch bệnh, vừa giúp người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, đồng thời tiết kiệm và bình ổn cho thị trường thịt heo sau dịch” – ông Hoá nói. Thực sự, chưa bao giờ người chăn nuôi trong nước lại mong mỏi sự “hợp tác” với các DN kinh doanh, chế biến thực phẩm nhiều như lúc này, đặc biệt là các DN lớn chuyên nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ nước ngoài.

Trước ý kiến đề nghị cần thu mua, tạm trữ nguồn heo “sạch”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ sẽ chú ý báo cáo Chính phủ về một cơ chế tạm trữ thịt heo trong bối cảnh có dịch bệnh xảy ra.

Theo tìm hiểu của NNVN, hàng năm DN nước ta NK hàng chục nghìn tấn phụ phẩm và thịt heo đông lạnh, và cũng đã có thời điểm một số lượng khổng lồ lên đến hàng trăm container phụ phẩm và thịt heo NK bị “tuýt còi” vì chất lượng không đảm bảo. Đây thực sự là một nghịch lý khi đàn heo “sạch” khổng lồ trong nước bị ế ẩm, giá bán bị “đánh” rớt thê thảm, nhưng DN của ta lại ồ ạt đi nhập nội tạng và thịt heo của nước ngoài dù chất lượng nhiều khi là “ẩn số”! Đứng trên bình diện người tiêu dùng, việc tạm trữ thịt heo sạch trong nước còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào “người VN dùng hàng VN”. Đặc biệt, khi cơn đại dịch “tai xanh” đi qua, đàn heo của cả nước bị thiếu hụt nghiêm trọng thì chắc chắn lại sẽ có một cơn sốt giá vô lối và người tiêu dùng tất nhiên sẽ bị tổn hại trực tiếp.

Điều đáng mừng là trong khi ý tưởng này mới manh nha thì TPHCM - một địa phương có trên 8 triệu người tiêu dùng và luôn được đánh giá cao vì có cái nhìn nhanh nhạy, quyết đoán, đã đi đầu trong việc thực hiện chính sách này. Theo ông Nguyễn Phước Trung – PGĐ Sở NN-PTNT TPHCM, thành phố đã có kế hoạch thu mua, tạm trữ heo khoẻ, sạch bệnh và đã có rất nhiều DN nằm trong chương trình bình ổn giá tham gia. Cụ thể, UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo Sở Công thương, Sở NN-PTNT cũng như các TCty, DN kinh doanh, chế biến thực phẩm tại TPHCM cần tập trung thu mua đàn heo an toàn đang tồn đọng trong dân. Đồng thời chủ động chế biến cũng như dự trữ nguồn hàng thịt heo nhằm điều tiết và bình ổn thị trường nếu nguồn hàng khan hiếm, giá cả có biến động mạnh sau đại dịch tai xanh.


Phạm Khánh (Theo Báo NNVN)

Tin khác