Nhiều ngân hàng cam kết gỡ khó cho DN ngành điều

08/03/2012

Ngày 07/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức buổi hội thảo nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp thành viên. Tại cuộc họp, đại diện nhiều ngân hàng đã cam kết giải ngân để giúp các DN ngành điều có vốn xoay vòng trong thời gian tới.

Lao động ngành điều của Việt Nam được đánh giá là có tay nghề cao hơn một số nước.
Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, ngành chế biến xuất khẩu điều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn thu mua nguyên liệu chế biến, thiếu lao động và giá điều nhân xuất khẩu giảm mạnh, bên cạnh đó thời hạn trả ngân hàng đã đến, nếu các ngân hàng không hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để tiếp tục thu mua nguyên liệu sản xuất thì nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu chỉ dựa vào số nguyên liệu tồn kho. “Khó khăn đang hiện hữu không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả doanh nghiệp lớn, do giá điều nhân trên thị trường giảm, đồng thời sức mua sản phẩm yếu. Bởi trên 90% là xuất khẩu, mà thị trường Mỹ, EU kể cả Trung Quốc sức mua rất yếu thì rất khó khăn, kéo theo các doanh nghiệp mua điều của người dân thấp”-ông Học nói.
Theo dự kiến của Vinacas, năm nay, ngoài nguồn vốn thu mua khoảng 380.000 tấn điều thô của nông dân, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu khoảng 450.000 tấn từ châu Phi, Campuchia, Indonesia... với số tiền trên 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp ngành điều đang thiếu vốn mua nguyên liệu, giá điều nhân xuất khẩu giảm mạnh khoảng 20% so với năm ngoái, xuống còn khoảng 6.300 đến 6.500 USD/tấn. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội điều Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian 6 tháng đối với khoản nợ đến hạn phải trả năm 2011 – 2012.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết: Hiệp hội Điều Việt Nam đã đề nghị thông qua Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại xem xét giãn nợ cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu điều với tổng số tiền 5.000 tỷ đồng. Với lý do, Quý 4 năm 2011 do thị trường biến động nên lượng tồn kho rất lớn, đặc biệt, sau khi nghỉ tết, lao động trong ngành điều rất thiếu nên lượng tồn kho càng gia tăng. Nếu không giãn nợ cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bán đổ bán tháo với giá thấp, thì thiệt hại về kinh tế rất là lớn.
Hiện các doanh nghiệp ngành điều còn nợ các ngân hàng khoảng 3000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng tạo điều kiện và cho các doanh nghiệp vay tiếp để sản xuất thì vấn đề trả nợ cho ngân hàng sẽ không có vấn đề gì vì theo dự báo của Vinacas thì hiện nay sức mua điều nhân của thị trường thế giới đã có dấu hiệu hồi phục và mức giá sẽ tăng đần trong nay mai.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhất định, cụ thể Ngân hàng thương mại cổ phần ACB đã cam kết cho vay ngoại tệ 100 triệu USD để hộ trợ các doanh ngiệp sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy, hải sản trong đó có ngành điều. Ngoài ra còn một số ngân hàng cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để tìm biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp như Vietinbank, Vietcombank… Song, theo ông Đỗ Việt Hưng, cán bộ nghiệp vụ ngân hàng Công thương Việt Nam thì: các doanh nghiệp cũng cần “cắt lỗ” để tránh tình trạng đã khó lại càng khó thêm do một số doanh nghiệp vẫn còn tồn kho khá lớn, nếu cứ để hàng trong kho chờ giá lên thì sẽ không có tiền trả ngân hàng đồng thời không có vốn để thu mua nguyên liệu cho vụ tới.
Năm nay, Hiệp hội Điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 170.000 tấn nhân điều các loại và 60.000 tấn dầu vỏ hạt điều với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD, thấp hơn 250 triệu USD so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác