Chính sách miễn, giảm thủy lợi phí: Sửa đổi để phù hợp hơn

05/03/2012

Sau 4 năm triển khai việc miễn, giảm thủy lợi phí cho nông dân, đến nay, Nghị định (NĐ) 115 đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp.

Nhờ được miễn giảm thủy lợi, sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nhiều điểm lỗi thời
Từ năm 2009, khi NĐ 115 đi vào cuộc sống, trong 3 năm liền, thôn Sàn, xã Tân Thanh (Lạng Giang – Bắc Giang) đã được hỗ trợ trên 80 triệu đồng để cải tạo hệ thống kênh tưới, góp phần giảm các khoản đóng góp cho nạo vét kênh mương, đồng thời giảm chi phí công vận hành điều tiết nước. Kết quả, bình quân lương thực tại đây đã tăng lên 435kg/người/năm.
Theo bà Trịnh Thị Thơm, Trưởng thôn Sàn, mặc dù NĐ 115 đã mang lại hiệu quả, góp phần khoan sức dân, song trong lĩnh vực cấp bù thủy lợi, đề nghị Nhà nước cân đối kinh phí nhiều hơn và có tính ổn định lâu dài. Ngoài ra, định mức các khoản chi cũng cần quy định cho phù hợp để dễ quản lý, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính và chuyển tiền hỗ trợ từ đầu năm để các địa phương sử dụng chủ động hơn.
Theo ông Mai Đức Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu (An Nhơn – Bình Định), trước khi thực hiện NĐ 115, giá trị doanh thu bình quân trong 3 năm của HTX đạt tới 1,7 tỷ đồng, song từ khi có chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, doanh thu bình quân của đơn vị chỉ đạt 800 triệu đồng.
“Thực hiện NĐ 115, chi phí của HTX có giảm nhưng nguồn thu lại không đủ chi. Cụ thể là, chi phí trong 3 năm trước khi có NĐ 115 hết hơn 1,6 tỷ đồng nhưng sau khi có NĐ 115 chi phí vẫn ở mức 1,3 tỷ đồng”, ông Anh chia sẻ.
Trước thực tế của đơn vị, ông Anh đã đề nghị tăng mức thu nội đồng cho các đơn vị hoàn toàn sử dụng bằng bơm điện để trả công. Cùng với đó, nâng giá cấp bù của NĐ 115 vì mức giá cũ đã không còn phù hợp.
Không chỉ bất cập trong việc thu chi tài chính, ông Trần Văn Thọ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho rằng, NĐ 115 còn bộc lộ một số bất cập như mức thu giữa khu vực miền núi, trung du so với đồng bằng không công bằng. Tại các tỉnh miền núi, trung du, phần lớn là các công trình vừa và nhỏ, trải dài trên địa bàn rộng, độ dốc lớn nên hư hỏng cũng nhiều hơn, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng cao, diện tích phục vụ lại ít nhưng NĐ 115 lại quy định mức thu thấp hơn ở khu vực đồng bằng.
Cần tạo sự công bằng
Thực tế cho thấy, sau khi NĐ 115 được ban hành, kết quả phục vụ tưới tiêu của các công trình thủy lợi đã tăng lên rõ rệt, không còn tình trạng giấu diện tích khi ký hợp đồng; nhiều công trình thủy lợi cũng được duy tu sửa chữa, hệ thống kênh mương được tu sửa, nạo vét, nhờ đó năng lực, diện tích tưới của các công trình được nâng cao và mở rộng. Bình quân, các địa phương có tổng diện tích được tưới tiêu tăng lên từ 4-10%, thậm chí gần 40%.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Đào Xuân Học, một trong những mục tiêu chính và toàn diện của chính sách miễn giảm thủy lợi phí là nhằm giảm mức đóng góp, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Trong quá trình thực hiện, chính sách đã bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung.
Do vậy, thời gian tới NĐ 115 sẽ được sửa đổi theo hướng căn cứ vào định mức chi phí hợp lý để xác định lại mức thủy lợi phí cấp (trả) cho nông dân cho phù hợp giữa các vùng, các loại công trình, quy mô hệ thống và phù hợp với tình hình trượt giá của thị trường. Mức thu sẽ phải tính tới kinh phí hỗ trợ cho việc thành lập, hướng dẫn, tập huấn, đào tạo; đồng thời nghiên cứu xác định lại đối tượng miễn, giảm thủy lợi phí để đảm bảo công bằng đối với tất cả các hộ nông dân, nhằm khuyến khích và phát huy vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ thủy lợi.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác