Những thông tin, diễn biến mới trên thị trường lúa gạo quốc tế nếu không được nhận diện và phân tích đúng rất có thể sẽ khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta một lần nữa “lỡ đà”.
Lỡ... tăng
Đầu tháng 12-2011, ngay sau khi chứng kiến giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta được kéo xuống, một hãng tin phương Tây thính nhạy đã phỏng đoán đó có thể là sự kiện đột phá thứ ba sau “Chương trình thế chấp lúa quyên sinh” của Chính phủ Thái Lan (Thai government’s suicidal rice mortgage scheme) khởi động mua lúa với giá khoảng 480 USD/tấn và quyết định của Chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo phi basmati một lần nữa.
Thực tế vào thời điểm này của thị trường gạo thế giới chứng minh phần lớn nhận định đó là chính xác. Trước hết, xuất khẩu gạo của Ấn Độ từ tháng 9-2011 đến nay đã có những bước tiến phi mã, xuất khẩu gạo của Pakistan gần đây cũng vươn lên mạnh mẽ. Ngược lại, tình hình xuất khẩu gạo của hai quốc gia xuất khẩu nhất, nhì thế giới là Việt Nam và Thái Lan đều tụt dốc.
Các thông tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy trong khi khối lượng gạo xuất khẩu bình quân của Ấn Độ trong tám tháng đầu năm 2011 chỉ đạt gần 200.000 tấn, thấp nhất trong năm quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới, thì với trên 460.000 tấn/tháng trong hai tháng 9 và 10, “người khổng lồ” Nam Á này đã vươn lên vị trí thứ ba.
Và với trên 800.000 tấn/tháng trong hai tháng cuối năm, họ mới là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Hơn thế, tính đến tuần đầu tháng 2 vừa qua, vị trí của nước ta trong “làng xuất khẩu gạo thế giới” còn bị đẩy xuống thứ tư (sau Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan).
Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng hàng đầu là giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ hầu như liên tục ở mức đáy, Pakistan cũng liên tục bám theo, trong khi các doanh nghiệp nước ta lại “lỡ đua” tăng cùng các doanh nghiệp Thái Lan.
Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy ở thời điểm vừa trở lại thị trường xuất khẩu gạo trắng, giá gạo 25% tấm của Ấn Độ thấp hơn của các doanh nghiệp nước ta tới 78 USD/tấn, tháng 10 tăng lên 105 USD/tấn, tháng 11 đạt kỷ lục 119 USD/tấn và tháng 12 vẫn còn thấp hơn 80 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá gạo cùng loại của Pakistan vốn đã thấp rất xa so với của các doanh nghiệp nước ta cũng liên tục giảm để bắt kịp giá của Ấn Độ.
Trong khi đó, như các số liệu thống kê của VFA và của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy nếu như khoảng cách giá gạo xuất khẩu bình quân trong tám tháng đầu năm 2011 của Việt Nam và Thái Lan là 37 USD/tấn (475 USD/tấn so với 512 USD/tấn), thì tháng 9 là thời điểm “cuộc đua” giá gạo xuất khẩu giữa doanh nhân hai nước bắt đầu. Ngay trong tháng 10-2011 Việt Nam đã bắt kịp Thái Lan, còn khoảng cách trong hai tháng cuối năm cũng chỉ là 26 và 21 USD/tấn.
Rõ ràng, việc giá gạo diễn tiến theo hai chiều trái ngược nhau đó đã khiến khách mua gạo của Việt Nam và Thái Lan hoặc là “án binh bất động” chờ xem, hoặc là bỏ để đến với Ấn Độ và Pakistan. Chỉ có như vậy mới lý giải được vì sao khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mất đà 700.000 tấn trong liên tục bảy tháng trước đó (từ tháng 9 với 560.000 tấn, chạm đáy chỉ với 376.000 tấn trong tháng 12). Thái Lan còn rơi vào cảnh bi đát hơn như biểu đồ trên cho thấy.
Trong đó, vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam là ở chỗ trong khi xuất khẩu tụt dốc như vậy thì chúng ta lại được mùa “khủng” trên 2,3 triệu tấn lúa, tương ứng với khoảng 1,4 triệu tấn gạo. Vì xuất khẩu lại chỉ tăng 350.000 tấn và nếu tiêu dùng trong nước cũng tăng 350.000 tấn như ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thì đương nhiên vẫn còn 700.000 tấn gạo tăng thêm so với cùng kỳ năm trước được “ém” đâu đó để chờ xuất khẩu trong điều kiện đầy khó khăn như hiện nay.
Rồi lỡ... giảm?
Trong điều kiện như vậy, việc các doanh nghiệp nước ta phải liên tục giảm giá gạo xuất khẩu trong gần ba tháng qua để giành lại thị trường là điều dễ hiểu. Trên bình diện toàn cầu, việc giảm giá này đã khiến thế giằng co giữa hai “phe” tăng giá và giảm giá chấm dứt, trong đó “phe” giảm giá chuyển từ yếu thế sang chiếm phần áp đảo. Đây chắc chắn là lý do khiến hãng tin phương Tây trên bình chọn quyết định giảm giá của Việt Nam là sự kiện đột phá thứ ba trên thị trường gạo thế giới niên vụ này.
Các số liệu thống kê cho thấy kể từ sau bước ngoặt giảm vào đầu tháng 12-2011, giá gạo 5% tấm của nước ta vào giữa trung tuần tháng 1 vừa qua đã giảm tròn 100 USD/tấn, tương ứng với tỉ lệ giảm 18,5% và hiện tương đương giá gạo cùng loại của Ấn Độ, còn bình quân từ đầu tháng 2 này thì đã thấp hơn của Ấn Độ 24 USD/tấn và thấp hơn của Pakistan 8 USD/tấn.
Bên cạnh đó, đối với gạo phẩm cấp thấp 25% tấm thì tiến trình xuống giá của Việt Nam theo hai quốc gia Nam Á này chậm hơn một tháng, nhưng tổng mức giảm đã đạt tới mức... kỷ lục: 120 USD/tấn (24%).
Trên thực tế, “liều thuốc” giảm giá nói trên vẫn chưa phát huy tác dụng, bởi Việt Nam vẫn đang bị bật khỏi “tốp 3 của làng xuất khẩu gạo thế giới”. Nhưng cũng có thể chúng ta sẽ lại phải chứng kiến tình trạng giảm giá như vậy là quá đà. Sở dĩ như vậy là bởi hai yếu tố cộng hưởng:
Thứ nhất, cho dù vài năm trở lại đây chúng ta đã quen với “điệp khúc” người Philippines sẽ tự túc gạo vào năm 2013 và năm 2012 sẽ giảm nhập khẩu xuống 500.000 tấn, nhưng rất có thể đó chỉ là những thông tin ảo.
Số liệu thống kê của hải quan nước ta cho thấy trong năm 2011, riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang Philippines 975.000 tấn gạo. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng cho biết họ đã xuất sang thị trường này 186.000 tấn. Tương tự, FAO vừa đưa ra ước tính khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2011 là 1,2 triệu tấn.
Không những vậy, theo ước tính của USDA, trong năm qua Philippines đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo, tức là ngoài 1,16 triệu tấn nhập của Việt Nam và Thái Lan, quốc gia này còn nhập khẩu 340.000 tấn gạo từ các thị trường khác. Năm nay, trên cơ sở dự báo sản lượng vẫn không đột biến, cả FAO và USDA đều dự báo khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay sẽ vẫn ở mức 1,2-1,5 triệu tấn, trong khi dự trữ tiếp tục giảm đáng kể.
Nên vẫn có thể nhận định rằng mặc dù “bồ thóc” của họ đang rất vơi và theo thông tin từ chính nước này, hiện đang diễn ra tình trạng nhập khẩu gạo lậu do giá trong nước cao, nhưng Philippines vẫn đang “làm giá” với thị trường thế giới, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việc họ buộc phải trở lại thị trường chỉ còn tính bằng ngày, không chỉ những nguyên nhân trên mà còn do mùa mưa bão đã cận kề.
Thứ hai, ngược lại, trong khi cả FAO và USDA đều dự báo tình hình khả quan hơn của Indonesia trong năm nay, nhưng giữa tuần qua, bộ trưởng thương mại nước này lại bất ngờ xác nhận khối lượng gạo nhập khẩu sẽ tăng lên 2 triệu tấn, chứ không phải là 1 triệu tấn như dự báo.
Trong điều kiện cả hai thị trường đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp nước ta và cũng là những thị trường nhập khẩu gạo quan trọng của thế giới có lẽ sẽ cùng khởi động trong những ngày tới, nếu đồng thời tận dụng được ba lợi thế thị trường gần, chất lượng gạo có uy tín và giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp nước ta sẽ khắc phục được tình trạng “bí đầu ra” hiện nay, tình trạng giá lúa gạo trong nước xuống thấp vừa qua sẽ được tháo gỡ, đặc biệt là giá lúa IR50404. Vấn đề đồng thời cũng nằm ở khả năng tìm kiếm được các hợp đồng thương mại mới của VFA.
Trong bối cảnh như vậy, hi vọng tình trạng “lỡ” ký hợp đồng trong những ngày qua với giá ở mức đáy của thế giới để rồi có thể sẽ phải tiếc rẻ trong những ngày tới chỉ là những trường hợp hi hữu.
Giá lúa gạo nội địa lao dốc mạnh thời gian qua khiến nhiều thương lái, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nội địa chấp nhận bán cắt lỗ. Cuối tuần trước, giá lúa IR50404 tươi tiếp tục giảm xuống mức 4.000-4.050 đồng/kg (so với mức giá 4.100-4.300 đồng/kg vào ngày 17-2), lúa IR50404 khô chỉ còn dao động quanh mức giá 5.000-5.050 đồng/kg.
Một số thương lái nhận định giá lúa IR50404 tươi có thể chạm đáy 3.500 đồng/kg khi vụ lúa đông xuân bắt đầu thu hoạch rộ. Ngay cả loại lúa chất lượng cao (OM 4900) cũng liên tục giảm mạnh. Giá lúa giảm mạnh kéo giá gạo nguyên liệu và thành phẩm giảm theo.
Trong khi đó, trong bảng giá mua lúa định hướng vụ đông xuân 2011-2012 của Bộ Tài chính công bố trung tuần tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính xác định “giá thành bình quân sản xuất lúa kế hoạch vụ đông xuân năm 2011-2012” tại 11 tỉnh ĐBSCL là “khoảng 3.357 đồng/kg”. Bộ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân mua lúa căn cứ vào giá định hướng này để đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa vụ đông xuân 2011-2012 (30%).
|
NGUYỄN ĐÌNH BÍCH
Theo Tuổi trẻ cuối tuần