Nghiên cứu thu chi ngân sách xã một số vùng điển hình nhằm đề xuất giải pháp chính sách phát triển nông thôn - 2007

01/01/2007

Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Tên đề tài: Nghiên cứu thu chi ngân sách xã một số vùng điển hình nhằm đề xuất giải pháp chính sách phát triển nông thôn
CNĐT: TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng thể của nghiên cứu là đánh giá thực trạng thu chi ngân sách xã tại một số vùng điển hình nhằm đề ra giải pháp chính sách phát triển nông thôn Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu trên đây, nghiên cứu sẽ có những mục tiêu cụ thể sau:
1. Rà soát các khoản thu chi ngân sách của chính quyền xã tại một số vùng điển hình.
2. Đánh giá thực trạng đóng góp của hộ nông thôn cho các cơ quan chính quyền các cấp.
3. Đề xuất giải pháp chính sách để nâng cao hiệu quả thu chi ngân sách của chính quyền xã nông thôn.
2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thu thập thông tin
+ Phương pháp chuyên gia, chuyên khảo
+ Thu thập thông tin sẵn có
+ Điều tra thực địa: Điều tra khảo sát qua bảng hỏi
- Phương pháp sử lý số liệu: Số liệu và thông tin điều tra sẽ được nhập trên phần mềm Word và Excel.
- Phương pháp phân tích: phương pháp thống kê, nhất là thống kê so sánh.
3. Nội dung nghiên cứu
- Tổng quan các chính sách liên quan đến thu chi ngân sách của chính quyền cấp xã.
- Rà soát các khoản thu chi của chính quyền xã tại một số vùng điển hình.
- Đánh giá thực trạng đóng góp của hộ nông thôn cho các cơ quan chính quyền các cấp.
- Phân tích thực trạng về thu chi ngân sách xã trên cơ sở đối chiếu với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền xã cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trên địa.
- Đề xuất giải pháp chính sách để nâng cao năng lực của chính quyền cấp xã trong việc quản lý và sử dụng ngân sách, cân đối các nguồn thu chi ngân sách nhằm giảm thiểu các khoản đóng góp của dân nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
4. Kết quả nghiên cứu
- Nghiên cứu hệ thống hóa các chính sách và một số điều tra trước về đóng góp của hộ nông dân cho ngân sách của chính quyền cấp xã.
- Rà soát cơ chế quản lý ngân sách, phân tích thực trạng ngân sách tại các xã khảo sát
- Khảo sát thực trạng đóng góp của hộ nông thôn
- Đề xuất giải pháp chính sách
Nguyên tắc chung
Cần thiết cải cách thống nhất trên toàn quốc quy mô và cơ cấu ngân sách xã thông qua cải cách phân cấp ngân sách giữa xã với tỉnh và huyện nhằm tăng cường vai trò và tính chủ động của ngân sách xã đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn. Đối với các xã nghèo không đủ bù đắp thu chi thì chính quyền cấp trên có phương án trợ cấp nguồn thu hợp lý và ổn định 3-5 năm.
Cần quy chuẩn lại các khoản đóng góp để có thể giám sát tính minh bạch và hiệu quả của các khoản đóng góp này.
Việc áp đặt chỉ tiêu thuế khoán có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ chưa đăng ký chính thức tại nông thôn. Mức thuế khoán đóng góp nên được giao cho cấp xã chịu trách nhiệm tùy theo tình hình kinh doanh hàng năm của các hộ kinh doanh, đặt dưới sự giám sát của Hội đồng nhân dân xã và có sự tham gia của người dân. Khoản thu từ thuế khoán nên được giao cho ngân sách xã để sử dụng để chi cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Tăng khả năng chủ động của chính quyền xã trong việc chi tiêu vốn đầu tư.
Từng bước giao cho các tổ chức xã hội huy động các khoản thu có tính chất cộng đồng và bảo trợ xã hội
Đối với các hoạt động văn hóa xã hội: mức thu được đánh giá ở mức trung bình thấp, các xã cần bàn bạc với các tổ chức xã hội tại xã để tăng mức thu cho các hoạt động văn hóa xã hội này nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của nó, đặc biệt là có thể trợ giúp hơn nữa đối với các hộ gia đình thuộc nhóm nghèo và cận nghèo. Điều này là rất cần thiết khi mức chênh lệch về thu nhập và chi tiêu giữa các nhóm hộ hiện đang có khoảng cách khá lớn.
Tăng các khoản phụ cấp cho cán bộ xã, cán bộ thủy nông, các trưởng thôn, trưởng bản. Cùng với việc tăng phụ cấp là sự tăng lên về trách nhiệm trong công tác quản lý ngân sách và các công tác trợ giúp phát triển kinh tế của xã và của các hộ gia đình.
Ngoài khoản đầu tư hiện có chú trọng vào cơ sở hạ tầng sản xuất như thủy lợi, đường, điện, các xã cần tận dụng các nguồn thu có thể huy động để tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng xã hội như y tế và giáo dục.
Đồng thời, ngân sách xã cần hướng tới đầu tư hơn nữa trong việc trợ giúp các hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh. UBND xã cần phối hợp chặt chẽ với các HTX hoặc các hiệp hội tại địa phương để thực hiện các việc sau: Nâng cao lăng lực của các cán bộ chủ chốt trong HTX và các hiệp hội; tăng phụ cấp cho các cán bộ có năng lực; hỗ trợ cơ sở hạ tầng việc cung cấp các dịch vụ buôn bán đầu vào và đầu ra; cung cấp thông tin; hỗ trợ đăng ký thương hiệu; hỗ trợ các nhóm hộ có nguyên vọng thành lập HTX; giao lưu học hỏi kinh nghiệm.

Tin khác