Nghiên cứu ứng dụng dự báo cung dài hạn cho 5 vùng sản xuất Cà phê chính ở Việt Nam bằng mô hình Vinatage

01/01/2007

Trần Thị Quỳnh Chi

Tên đề tài: Nghiên cứu ứng dụng dự báo cung dài hạn cho 5 vùng sản xuất Cà phê chính ở Việt Nam bằng mô hình Vinatage
CNĐT: Ths. Trần Thị Quỳnh Chi
1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng thể của nghiên cứu là áp dụng mô hình toán để dự báo cung ngành hàng cà phê Việt Nam trong 5 năm tới ở cấp vùng và cấp quốc gia, phục vụ cho công tác phân tích chính sách và quyết định đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất.
Để đạt được mục tiêu trên đây, nghiên cứu sẽ có những mục tiêu cụ thể sau:
- Thu thập, cập nhật số liệu tại 5 vùng sản xuất cà phê chính cho mô hình vintage dự báo cung cà phê dài hạn;
- Điều chỉnh mô hình dự báo cung cà phê dài hạn;
- Dự báo diện tích và năng suất cho 5 vùng sản xuất cà phê chính;
- Dự báo sản xuất cà phê trong cả nước;
- Đề xuất hướng đi mới cho mô hình cung cà phê ngắn hạn.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tiếp cận
Nghiên cứu sẽ sử dụng Mô hình kinh tế lượng (Econometric model) với số liệu theo chuỗi thời gian nhằm phân tích tác động của các yếu tố khác nhau (giá cà phê, giá đầu vào…) tới cung cà phê cấp vùng hay quốc gia
Kiểm định lại mô hình
Sau khi xây dựng, mô hình sẽ được kiểm định để đánh giá khả năng dự báo của mô hình.
Phương pháp thu thập thông tin
- Nghiên cứu tại chỗ (desk study): Mục tiêu là nhằm rà soát các số liệu trước đây, thu thập thêm số liệu cấp quốc gia để bổ sung, hoàn chỉnh mô hình. Nghiên cứu tại chỗ cũng nhằm điều chỉnh lại mô hình ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh và đưa ra các kết quả dự báo tin cậy.
- Điều tra thực địa: điều tra thực địa nhằm mục đích kiểm định lại số liệu lịch sử, điều tra hộ để thu thập thêm số liệu về các tham số cần đưa vào mô hình.
Phương pháp sử lý số liệu: Đối với việc dự báo cung ở cấp tỉnh và quốc gia, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng phần mềm Excel để chạy hồi quy và lập mô hình.
3. Nội dung nghiên cứu
1. Tổng quan thị trường cà phê thế giới
2. Tổng quan thị trường cà phê Việt Nam
3. Các mô hình dự báo cung hiện nay
4. Phát triển mô hình ước lượng và dự báo cung cà phê
5. Kết quả mô hình cả nước và các tỉnh
6. Kết luận và kiến nghị mô hình ngắn hạn
4. Kết quả nghiên cứu
Để phục vụ mục tiêu dự báo, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình diện tích và năng suất dựa trên mô hình hồi quy. Kết quả cho thấy, diện tích cà phê bị tác động chủ yếu bởi giá xuất khẩu và diện tích của các năm trước. Năng suất cà phê bị tác động bởi giá phân Ure và giá cổng trại cà phê. Trên cơ sở các hệ số ước lượng từ hai mô hình diện tích và năng suất, mô hình có thể dự báo được diện tích cho thu hoạch, năng suất/ diện tích thu hoạch và tổng sản lượng hàng năm.
Kết quả dự báo sản xuất cà phê cả nước cho thấy diện tích có xu hướng tăng nhẹ từ năm 2007 đến 2009, trong trường hợp giá phân ure giảm so với năm 2006 trong suốt quá trình dự báo, sau đó, bắt đầu từ năm 2010, diện tích sẽ giảm dần do tỉ lệ cây cà phê trên 22 tuổi tăng lên. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích gieo trồng, hai năm cuối 2011 và 2012 thì diện tích cho thu hoạch lại tăng lên đôi chút, khoảng 7 nghìn ha, do số lượng cây đến tuổi trưởng thành tăng nhiều hơn giai đoạn trước. Theo dự báo giá cà phê thế giới của WB, năng suất cà phê cả nước vẫn tăng mạnh từ năm 2007 đến 2009 và bắt đầu ổn định từ năm 2010, với năng suất trung bình trong 5 năm này là khoảng 2,6 tấn/ha, so với năng suất trung bình từ 2000 đến 2006 là 2,15 tấn/ha. Cùng với tốc độ tăng của năng suất và diện tích, sản lượng cà phê cũng tăng đều trong các năm dự báo, đặc biệt là trong vụ 2008, có thể tăng khoảng gần 200 nghìn tấn cà phê do giá cà phê đã tăng từ vụ 2006 và số lượng vườn cây trưởng thành cũng tăng.
Trong 6 năm tới, với các giả định đặt ra trong mô hình, diện tích gieo trồng ở hầu hết các tỉnh đều tăng đến năm 2009 và bắt đầu ổn định, giảm dần từ năm 2010 đến 2012. Trong số 5 tỉnh, Lâm Đồng vẫn sẽ là tỉnh có diện tích gieo trồng cà phê lớn nhất, sau đó là Đắc Lắc. Là tỉnh có diện tích gieo trồng lớn nhất nên trong tương lai, sản lượng của Lâm Đồng cũng lớn nhất trong số các tỉnh. Mặc dù diện tích gieo trồng bắt đầu giảm dần từ năm 2010 nhưng sản lượng tất cả các tỉnh nhìn chung vẫn có xu hướng tăng, trừ tỉnh Gia Lai. Và mặc dù diện tích cà phê của tỉnh Đồng Nai cao hơn Kon Tum nhưng sản lượng hầu như ngang nhau giữa hai tỉnh này, chủ yếu là do năng suất dự báo trung bình trong 6 năm tới của Kon Tum cao gần nhất nước (ngang với Lâm Đồng), trong khi năng suất cà phê ở Đồng Nai thấp hơn hẳn (khoảng gần 1,5 tấn/ha)..

Tin khác