Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sẽ cơ cấu lại nền nông nghiệp

07/09/2012

“Việt Nam sẽ cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm tổn thất trong sản xuất và sau quy hoạch…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trước 500 đại biểu quốc tế có mặt ngày thứ tư (6/9) phiên trù bị Hội nghị Toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí (AFC) lần thứ hai.

Nông nghiệp đang có nhiều đe dọa
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam (VN) là một quốc gia mà nông nghiệp có một vị trí rất quan trọng và luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. VN cũng là một nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Chỉ tính từ năm 2007-2011, bình quân mỗi năm thiên tai làm chết 430 người, gây thiệt hại về tài sản tương đương gần 1% GDP.
Các thành viên tham gia Hội nghị AFC II
 
Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực phát triển nông nghiệp toàn diện và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nông nghiệp VN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực, thủy sản và cây công nghiệp. VN từ một nước thiếu lương thực đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới cùng nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu với khối lượng lớn. Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, mỗi năm cả nước giảm 2%, ở những huyện nghèo giảm 4%. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, VN phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lo ngại hơn khi VN là một trong số ít quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Sẽ tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch
Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với cộng đồng quốc tế: VN sẽ tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong khâu sản xuất và thu hoạch; đổi mới chính sách đất đai; tổ chức lại sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư từ nhà nước và có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, VN đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch. Ngoài ra VN cũng đang tập trung xây dựng Chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. VN cũng sẽ xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao và sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón, hóa chất. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các quốc gia và Tổ chức quốc tế triển khai phát triển mô hình thí điểm về nông nghiệp xanh tại Việt ” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sau ba ngày làm việc tích cực, phiên họp trù bị của Hội nghị AFC lần thứ hai đã xác định được chiến lược hiệu quả và thực tiễn gắn với việc thực hiện nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, các sáng kiến lồng ghép mục tiêu phát triển nông nghiệp với các mục tiêu phát triển chung trong tương lai. Hội nghị cũng đã giải quyết những trở ngại trong phát triển nông nghiệp, khuyến khích tăng đầu tư tư nhân và phát triển nông thôn ở các cấp độ và quy mô khác nhau, đồng thời mở rộng liên kết giữa nông nghiệp với lâm nghiệp.
Bổ sung cho những cố gắng của nông nghiệp VN trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho hay, VN đã và sẽ xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh thích ứng với biến đối khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
VN cũng hướng đến tầm nhìn mới trong nông nghiệp thông qua tăng cường áp dụng công nghệ tiến bộ, trong đó có áp dụng công nghệ sinh học, quản lý tốt nguồn nước, sử dụng hợp lý đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng năng suất, sản lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, VN sẽ tăng cường hợp tác với các nước Nam Phi nhằm giúp các nước ở khu vực châu Phi nắm được kỹ thuật sản xuất nông nghiệp từng bước ổn định lương thực trong nước và đảm bảo an ninh lương thực cho chính mình và cộng đồng quốc tế.
Chuyên gia Quốc tế hiến kế để giảm tổn thất trong nông nghiệp Việt Nam
Ông Alexander Muller, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO): Nông dân cần hiệp lực lại với nhau nếu muốn hướng tới một nền sản xuất bền vững hướng tới đảm bảo một nền an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phải đa dạng hóa cây trồng ở nhiều khu vực tư nhân. Phải xây dựng phương thức phối hợp với cộng đồng quốc tế cùng vào cuộc. Phải ưu tiên và nhân rộng các mô hình đầu tư vào nông nghiệp ở nhiều địa phương để có nền nông nghiệp bền vững. Đồng thời hỗ trợ và trao quyền cho các hộ nông dân nhỏ lẻ, dân nghèo bởi đây là nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Ông Viorel Gutu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm nước CH Moldova: Chính phủ phải trao đổi với người nông dân tất cả chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho họ, đồng thời coi nông dân là đối tác chiến lược trong việc áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện chất lượng nông nghiệp hiện nay.
Ông Hans Hoogeveen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Kinh tế Hà Lan: Đây là thời điểm cần thiết để chúng ta xới lên các vấn đề khó khăn, phức tạp đang “tấn công” nền nông nghiệp rồi đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Phải nhân rộng các mô hình thành công cho người nông dân nhiều nơi được tiếp cận. Phải kéo sự đầu tư doanh nghiệp tư nhân cùng vào cuộc. Chúng ta phải cùng có chung lời hứa, cùng nhau thực hiện ý tưởng, những cam kết sẽ cùng nhau hành động ngay tại hội nghị lần thứ 2 để hướng tới tương lai tốt đẹp.
Ông Chris Delgado, cố vấn cao cấp Ngân hàng Thế giới: Muốn thay đổi thì phải có đầu tư để nâng cao năng lực, xây dựng (tạo dựng) niềm tin trên thị trường, xã hội. Phải quản trị được rủi ro, trong đó rủi ro về giá cả là cơ bản. Đối tác khu vực công - tư cũng rất quan trọng và cơ bản trong các bước tiến trong tương lai. Đó là đảm bảo dịch vụ công được bảo vệ và thu hút được đối tác tư nhân cùng tham gia.
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác