Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển đổi 112.000 ha trồng lúa sang các loại cây trồng khác và đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 204.000 ha.
Năm 2013, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi 87.314 ha đất lúa sang trồng các loại cây hiệu quả cao như ngô, đậu tương, vừng, rau màu các loại và nuôi trồng thủy sản. Địa phương có diện tích chuyển đổi nhiều nhất là Đồng Tháp với 30.725 ha, tiếp đến là Sóc Trăng 19.800 ha và Trà Vinh trên 12.000 ha.
Nhờ chuyển đổi sang cây trồng vật nuôi phù hợp nên nhiều hộ dân tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Cụ thể như nông dân Đồng Tháp trồng vừng cho lợi nhuận cao nhất 25,3 triệu đồng/ha, trong khi trồng lúa chỉ đạt lợi nhuận 2,45 triệu đồng/ha.
|
Nông dân Cần Thơ trồng vừng đạt lợi nhuận từ 17-25 triệu đồng/ha, trồng đậu tương lợi nhuận từ 17,6 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 5,6 triệu đồng/ha. Đồng thời, trồng luân canh lúa với các loại hoa màu khác cũng cho lợi nhuận tăng thêm từ 5 đến 16 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa/năm.
Các loại cây trồng được chuyển đổi là ngô 53.000 ha (chiếm 26%), đậu tương 13.000 ha (chiếm 6%), dưa rau hoa 60.000 ha (chiếm 29%), lúa kết hợp với thủy sản 32.000 ha (chiếm 16%), còn lại là các loại cây trồng làm thức ăn gia súc, lạc, vừng và các loại cây trồng khác. Phương thức chuyển đổi là luân canh cây lúa với cây màu và tập trung ở các vụ xuân hè, hè thu và thu đông do năng suất và chất lượng lúa sản xuất không cao, giá thành sản xuất cũng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Bộ sẽ phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của cả nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó các địa phương sẽ xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể, chi tiết từ cấp tỉnh tới cấp xã làm cơ sở chỉ đạo quản lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Tổng cục Thủy lợi, các Sở Nông nghiệp và nông thôn các tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, tưới tiêu nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tăng cường tập huấn cho nông dân về công tác khuyến nông.
Mặt khác, các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn không chỉ đối với lúa mà đối với nhiều loại cây trồng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân, đẩy mạnh việc xây dựng các điểm thu mua, kho, xưởng chế biến, bảo quản nông sản.../.
Theo TTXVN