Xuất khẩu gỗ: Có cần thiết phải thoát Trung?

18/09/2015

Thoát Trung Quốc không phải là con đường duy nhất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, bởi xét một cách công bằng, đây vẫn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Làm thế nào để không bị “bắt nạt” ở thị trường này, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng, phát triển một cách bền vững phụ thuộc vào chính chúng ta.

Vẫn là “mỏ” lớn

Tiếp giáp với 7 tỉnh của Việt Nam, cùng chung 29 cửa khẩu đường bộ, cộng với các cảng biển và đường mòn lối mở, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho ngành chế biến và thương mại gỗ của Việt Nam. Trong 3 năm qua (2012 - 2014), giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Trung Quốc luôn đứng một trong ba vị trí cao nhất, chỉ sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2014, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 845,1 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 425 triệu USD, cao thứ hai (sau sắn) trong các mặt hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường lớn, nhiều tiềm năng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang thị trường này bao gồm dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, vơ nia và các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống như bàn ghế, tủ. Cụ thể, kim ngạch XK mặt hàng dăm gỗ sang Trung Quốc năm 2014 đạt 510 triệu USD, chiếm 60,4% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này. Con số này với mặt hàng gỗ xẻ là 146 triệu USD,  tương đương với 223.000m3, trong đó có 50% là gỗ cao su, 30 - 40% là các loại gỗ quý thuộc nhóm quý hiếm. Đồ gỗ là một trong những mặt hàng chủ lực trong thương mại các mặt hàng gỗ giữa hai quốc gia, với kim ngạch XK năm 2014 đạt 128,5 triệu USD, tăng nhanh so với con số 93 triệu USD của năm 2013. Dù còn đạt con số khiêm tốn với kim ngạch XK 17 triệu USD nhưng gỗ ván bóc là mặt hàng có mức độ phát triển năng động nhất trong thời gian qua, với lượng gỗ ván bóc xuất khẩu năm 2014 đạt gần 251.000m3, tăng gần 4 lần so với con số 66.606m3 của năm 2013.

Tuy nhiên, theo TS. Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), cơ cấu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam XK vào thị trường Trung Quốc đã và đang bộc lộ một số vấn đề lớn, bởi phần lớn các sản phẩm gỗ XK sang Trung Quốc là các sản phẩm sơ chế, có giá trị gia tăng thấp. Lợi ích thu được từ XK các mặt hàng này chủ yếu được dựa trên nguyên tắc khai thác tài nguyên thô, sử dụng lao động tay nghề thấp, giá rẻ và công nghệ chế biến lạc hậu.

“Bên cạnh đó, mức giá XK các mặt hàng gỗ xẻ, gỗ tròn và ván bóc của Việt Nam thể hiện một số điều bất thường, có thể phản ánh tình trạng trốn thuế của một số doanh nghiệp tham gia vào thương mại. Tùy theo quy cách sản phẩm, các mặt hàng thuộc 3 nhóm này đang chịu mức thuế XK trong khoảng 5 - 20%. Mức giá nguyên liệu đầu vào trong chế biến, đặc biệt đối với mặt hàng gỗ ván bóc thấp hơn giá XK chỉ ra một thực tế rằng, các doanh nghiệp đã khai giá XK thấp hơn giá thực tế nhằm giảm/trốn thuế XK. Điều này có nghĩa, giá trị kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc lớn hơn nhiều so với con số thống kê của cơ quan hải quan”, TS. Phúc nêu một thực tế. (So sánh số liệu giữa hải quan Trung Quốc và Việt Nam cho thấy, đối với mặt hàng dăm gỗ, số liệu thống kê của Trung Quốc luôn cao hơn Việt Nam khoảng 20%. Với mặt hàng gỗ xẻ, lượng chênh lệch về giá trị hàng năm khoảng 50-100 triệu USD, trong khi chênh lệch về lượng khoảng 30.000-80.000m3).

Chỉ cần không phụ thuộc

Tại hội thảo: “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc 2012-2014, thực trạng và xu hướng” vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta không nhất thiết phải thoát Trung mà làm thế nào đó để không phải phụ thuộc vào thị trường này. Điều này phụ thuộc vào chính cách làm ăn của doanh nghiệp chứ không phải từ phía thị trường. “Hiện có khoảng 800 - 1.000 doanh nghiệp tham gia XK gỗ sang Trung Quốc nhưng vẫn mạnh ai nấy làm, chưa đặt lợi ích thương mại quốc gia lên hàng đầu mà chỉ vì lợi ích cá nhân. Viễn cảnh đến năm 2020, Trung Quốc có khoảng 220 triệu hecta rừng, diện tích rừng của nước này là 208 triệu hecta, độ che phủ rất thấp trong khi nhu cầu gỗ cao, lên đến 470 triệu mét khối, nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 300 triệu mét khối. Nhu cầu dăm gỗ để chế biến giấy cũng rất lớn (khoảng 50 triệu mét khối) nên không nhất thiết phải thoát Trung”, TS.Phúc nói.

Tuy nhiên, theo TS. Phúc, việc sắp xếp và tổ chức lại hình thức sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với việc siết chặt quản lý, dần loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên những lợi ích ngắn hạn, khai thác tận kiệt tài nguyên, tranh thủ lao động giá rẻ và công nghệ sản xuất lạc hậu là rất quan trọng để đứng vững trên thị trường. 

Ông Lê Văn Cầm, quyền Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bắc Ninh, cho biết, do suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị mà thời gian gần đây, các doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ của Bắc Ninh đang gặp khó khăn trong vấn đề XK. “Do phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nên chỉ cần thị trường này hắt hơi sổ mũi thôi cũng làm hoạt động XK ngừng trệ”, ông Cầm nêu một thực tế.

Nhưng theo ông Cầm, để nâng cao giá trị gia tăng của đồ gỗ mỹ nghệ Bắc Ninh lại không đơn giản, bởi số người nghĩ đến vấn đề này không nhiều, còn người nghĩ tới lại không có cơ hội thực hiện. Bản thân ông Cầm cũng cho rằng, chỉ có Trung Quốc mới “ăn” hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề ở Bắc Ninh, còn những thị trường khác “có cho cũng không lấy”, còn để đổi mới công nghệ, làm những sản phẩm phục vụ thị trường Âu, Mỹ thì không lại với những trung tâm chế biến đồ gỗ lớn như Bình Dương, Bình Định… Rõ ràng, ngay cả doanh nghiệp còn giữ những suy nghĩ bảo thủ, khó thay đổi thì việc chúng ta mãi phụ thuộc vào một thị trường cũng không phải là điều khó hiểu.

Ông Vũ Long, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, thoát Trung là điều không thể vì đây vẫn là thị trường quan trọng cho XK nông sản của Việt Nam, không riêng gì mặt hàng gỗ.

Đồng quan điểm này, ông Lê Khắc Côi, Giám đốc Viện gỗ và Lâm sản ngoài gỗ, cho rằng, điều quan trọng là phải đổi mới công nghệ, cơ chế hoạt động để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp. “Chúng ta vẫn tự hào là nước sản xuất, xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng tại sao giá cả lại do New York, London quyết định?”, ông Côi nêu câu hỏi.

Cho đến nay, chưa có đủ cơ sở để có thể khẳng định các mặt hàng gỗ tại Trung Quốc sẽ giảm trong dài hạn. Nói cách khác, các mặt hàng này của Việt Nam vẫn có tiềm năng duy trì, thậm chí mở rộng thị trường tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Điều còn lại là các doanh nghiệp có biết tận dụng lợi thế và đủ tỉnh táo để làm ăn với “anh bạn láng giềng” mà không chịu thua thiệt hay không? Muốn làm được điều đó, theo ông Cầm, các doanh nghiệp trong ngành phải liên kết, xây dựng cơ chế, phương cách bán hàng chặt chẽ, vì mục tiêu chung chứ không phải mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác