Liên kết công tư (PPP): Hướng đi mới cho bảo hiểm nông nghiệp

25/11/2015

Xây dựng mô hình hợp tác công-tư, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới trong bảo hiểm nông nghiêp (BHNN) tại Việt Nam. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo công bố báo cáo thuộc Dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công - tư ở Việt Nam” diễn ra sáng nay (25/11), tại Hà Nội.

Kinh nghiệm từ Tây Ban Nha

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hạn chế rủi ro cho sản xuất nông nghiệp và nông dân cũng như tác dụng của bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm BHNN trong 3 năm 2011- 2013 với đối tượng bảo hiểm còn hạn chế và chủ yếu hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ phí bảo hiểm. Mặc dù, chương trình đã đạt những thành công bước đầu song vẫn còn nhiều những tồn tại khó khăn trong quá trình triển khai.

Ông Vicente Selles – Tổng điều phối viên Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha tại Việt Nam (AECID) đánh giá: Chương trình thí điểm BHNN ở Việt Nam đã có sự liên kết công tư. Đây là tiền đề quan trọng để thiết lập hệ thống BHNN khả thi và bền vững.

 

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, xây dựng mô hình hợp tác công-tư trong BHNN, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới, đang được Tây Ban Nha hỗ trợ Việt Nam triển khai, được cụ thể hóa bằng dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư” trong giai đoạn 2013-2015. Dự án tập trung rà soát, phân tích đánh giá thực trạng BHNN tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị về tăng cường năng lực thể chế, xây dựng mô hình BHNN có sự liên kết công-tư cho cây cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, ông Vicente Selles – Tổng điều phối viên Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) cho biết, hệ thống BHNN ở Tây Ban Nha được tổ chức chặt chẽ, từng cấp hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau nhưng phân công vai trò rõ ràng và được phát triển theo từng bước từ bảo hiểm đơn đến đồng bảo hiểm, rồi tái bảo hiểm công và tái bảo hiểm quốc tế. Trong hệ thống này, cấp thấp hơn có vai trò đệm đỡ cho cấp cao hơn, đồng thời có các công cụ tài chính/quản lý rủi ro để giảm rủi ro nội bộ và toàn hệ thống. Yếu tố đóng góp lớn cho thành công của BHNN là sự tham gia tự nguyện, bình đẳng của các bên liên quan. Nông dân, chính quyền địa phương, công ty bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm, cơ quan nhà nước các cấp đều tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, phát triển sản phẩm với trách nhiệm đóng góp khác nhau nhưng đồng thuận về nguyên tắc. Cam kết của chính phủ đóng vai trò quan trọng và thể hiện rõ qua chính sách và luật lệ cùng sự tham gia trực tiếp của Nhà nước vào việc hỗ trợ tài chính kỹ thuật để duy trì, phát triển hệ thống BHNN. Chính phủ ban đầu trợ cấp toàn bộ để giảm rủi ro của hệ thống bảo hiểm sau đó giảm dần trợ cấp cho hệ thống nhờ thành lập công ty tái bảo hiểm nhà nước.

Cần một cơ quan chuyên trách về BHNN

Ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng IPSARD kiêm Giám đốc dự án cho biết: Từ kinh nghiệm quốc tế về BHNN và đặc biệt là kinh nghiệm của Tây Ban Nha trong việc phát triển BHNN thông qua liên kết công - tư, Việt Nam rất cần thiết lập một cơ quan chuyên trách BHNN với cấu trúc và chức năng phù hợp với thể chế của Việt Nam. Cơ quan này cần được thành lập một cách chính thức bằng các văn bản pháp luật như luật, nghị định trong đó nêu rõ vai trò gồm: Quản lý hệ thống BHNN; Xây dựng đề án BHNN. Đề án này bao gồm: sản phẩm bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm, thời gian bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm…. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho hệ thống BHNN hoạt động ổn định và lâu dài, chính phủ cần có kế hoạch phân bổ ngân sách trong dài hạn để hỗ trợ cho các công ty bảo hiểm, hỗ trợ cho nông dân và các hoạt động tái bảo hiểm. Theo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, chính phủ có thể hỗ trợ từ 50%-65% mức phí bảo hiểm cho người dân, tuỳ theo các tiêu chí ưu tiên của chính phủ. Việc tham gia bảo hiểm nên được coi là điều kiện bắt buộc để người nông dân có thể được hưởng các khoản trợ cấp khác từ chính phủ.....

Cũng theo ông Thắng, tại Việt Nam, còn thiếu các cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực đánh giá thiệt hại và hiện quy trình, thủ tục đánh giá thiệt hại chính thức cho từng loại hình sản xuất nông nghiệp còn chưa đầy đủ. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện thủ tục đánh giá thiệt hại cho từng loại hình sản xuất nông nghiệp, và các thủ tục cần được công khai, dễ dàng tiếp cận. Các quy trình giám sát và đánh giá nên tập trung vào việc nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và đánh giá thiệt hại theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần có cơ quan giám sát và các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực này để đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Rủi ro quá lớn từ bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Chính vì vậy, xây dựng mô hình PPP trong bảo hiểm nông nghiệp, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới.

Theo Công thương


Tin khác