Liên kết 4 nhà vẫn chỉ là mong đợi
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát: “Nông dân vẫn còn cảm giác mình đơn độc trong cách làm, cách giải quyết cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng có cách làm nào tốt hơn để việc liên kết 4 nhà trở thành đòn bẩy thúc đẩy chất lượng nông sản Việt Nam đạt hiệu quả hơn?”.
Bộ trưởng Phát cho hay, chúng ta mong đợi sẽ có nhiều liên kết 4 nhà, mở ra hướng mới để cho nông nghiệp phát triển bền vững và phân chia lợi ích theo chuỗi giá trị công bằng hơn, có lợi cho nông dân ổn định hơn, đấy là chúng ta mong đợi.
Rút kinh nghiệm từ Quyết định 80, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62 về chính sách khuyến khích liên kết và xây dựng cánh đồng lớn. Sau hơn 1 năm thực hiện chủ yếu trên cây lúa, diện tích đạt được khoảng 500.000ha, nhưng so với 7,5 triệu hecta gieo trồng lúa thì tỷ lệ này còn khiêm tốn. Vì thế, Bộ đã chỉ đạo sơ kết 1 năm và sẽ sớm báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị có những điều chỉnh kịp thời không chỉ cho cây lúa mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác.
“Bài học hơn 1 năm vừa qua là, nơi nào chính quyền quan tâm thực sự, đứng ra hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân thì nơi đó kết quả tốt hơn”, Bộ trưởng Phát nói.
“Lăn ra chết mới xử lý”!?
“Giải pháp cụ thể để cứu nông dân trước nạn vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay?” là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và Trần Ngọc Vinh(Hải Phòng) gửi đến Bộ trưởng Phát.
Theo Bộ trưởng Bộ NN - PTNT: “Đây là hai vấn đề liên quan đến nhau. Bản thân tôi cũng nhận thức rất rõ yêu cầu và mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong việc quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm. Tôi xác định đối với toàn ngành nông nghiệp phải cố gắng hết sức mình làm tất cả những gì có thể theo quyền hạn và trách nhiệm để chấn chỉnh tình hình”.
Bộ đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và vật tư chất lượng tốt; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; tăng cường năng lực của hệ thống để thực nhiệm vụ được giao, cả trước mắt và lâu dài.
Các giải pháp này đã được Bộ triển khai thực hiện nhiều năm và đã có những tác động tích cực, nhưng chủ yếu ở mức độ kiềm chế, không để tình hình xấu hơn. Gần đây, tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi đã đến hồi báo động.
Bộ trưởng Phát nhấn mạnh, về cơ sở pháp lý, đến giờ này chúng ta đã có luật, nghị định, có quyết định của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều thông tư được ban hành. Tuy nhiên, việc triển khai hướng dẫn tổ chức sản xuất rồi kiểm tra, giám sát tới hàng triệu hộ nông dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đủ sâu rộng để tạo ra sự chuyển biến căn bản. Sản xuất nông, lâm, thủy sản có hàng triệu hộ tham gia, riêng trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật có 103 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ, muốn tạo sự chuyển biến phải kiểm soát được toàn bộ lực lượng này. Mặt khác, bộ máy và nguồn lực để thực hiện cũng hạn chế. Anh em nói nhiều lý do nhưng trong đó có một lý do là bộ máy nhân lực. Đơn cử như ở Tuyên Quang Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chỉ có 7 cán bộ, ở Bình Dương là 10 người, cấp huyện và xã không có cán bộ chuyên trách.
Bộ trưởng Phát đề nghị các địa phương quan tâm bố trí cán bộ, kinh phí, phương tiện cho anh em làm việc; bộ cần có sự phối hợp mạnh mẽ của các ngành, các cấp và các đoàn thể; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Để những giải pháp trên có hiệu quả, Bộ trưởng Phát kiến nghị Quốc hội khi xem xét Bộ luật Hình sự, đề nghị sửa đổi Điều 155 và Điều 244 để có cơ sở pháp lý mạnh hơn xử lý những vi phạm rất nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, Điều 155 về sử dụng chất cấm nhưng không có quy định chất cấm dùng trong chăn nuôi. Chất Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi nhưng lại được dùng trong ngành y tế. Chất vàng ô, nếu cho vào thức ăn chăn nuôi (để thịt vàng có màu vàng ươm) có thể gây ung thư nhưng trong công nghiệp nó lại được dùng làm chất nhuộm.
“Điều 244 nói rằng nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý được”, Bộ trưởng Phát nói.
Hơn nữa, không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý, mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được đâu là an toàn. Để làm được điều đó chúng ta cần phải có những chính sách mạnh hơn, Bộ sẽ sớm đề xuất những chính sách như vậy.
Nông dân làm gì khi vào TPP?
Đó là thắc mắc của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) và khi chúng ta thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại thì tình hình nông nghiệp sẽ như thế nào?
Theo Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, nông nghiệp nước ta đã ở giai đoạn sản xuất đáp ứng vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, kể cả lương thực, thực phẩm, trong điều kiện mỗi năm tăng thêm 1 triệu người. Chính vì thế, bây giờ thị trường là yếu tố sống còn đối với nông nghiệp, nên việc chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, ký hàng loạt các hiệp định tự do hóa thương mại mà Chính phủ đã xác định và Trung ương Đảng đã chỉ đạo là lợi ích cốt lõi trong quá trình đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại, đó là tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Vì thế, các hiệp định đều mở cửa để tạo cơ hội cho nông nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều thị trường hơn.
Tuy nhiên, để phát huy được những cơ hội đó thì sản phẩm phải có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khả năng cạnh tranh đang rất yếu như mía đườngvà chăn nuôi. Hiện, 70% sản phẩm chăn nuôi của nước ta là do các nông hộ nhỏ sản xuất. Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ chăn nuôi nhưng cung cấp cho thị trường tới 9 tỷ con gà/năm, trong khi chúng ta có 8 triệu hộ nông dân nhưng chỉ cung cấp được 320 triệu con gà. Điều chúng ta quan tâm là, chúng ta không thể để ngành chăn nuôi thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân.
Giải pháp Bộ cũng đã báo cáo nhiều lần, nhưng tựu chung lại là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản, kể cả những nông sản chúng ta đang yếu thì càng phải tập trung nhiều hơn để hỗ trợ nhân dân. Hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành hạ hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác.
“Để có được một nền nông nghiệp cạnh tranh hiệu quả, bền vững thì trước hết chúng ta phải phát huy những lợi thế của đất nước. Chú trọng phát triển cây càphê, lúa gạo, điều, hồ tiêu, cao su, trái cây nhiệt đới, hoa, thủy sản đặc biệt là tôm và cá tra... tất nhiên, chúng ta không thể chỉ dựa vào lợi thế của tự nhiên mà phải nhân lên lợi thế đó bằng việc hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật và phải đưa nhanh trình độ khoa học công nghệ của nông nghiệp nước ta lên ngang tầm với các đối tác”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:
Người lao động phải được hưởng thành quả từ TPP
Trả lời chất vấn về vấn đề lao động trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Thủ tướng nhấn mạnh: Theo cam kết trong Hiệp định TPP, Việt Nam có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc đạt được một khoảng thời gian hợp lý nêu trên để chúng ta chuẩn bị là thể hiện thiện chí của các bên trong đàm phán và vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có việc thực hiện tốt những quy định về lao động của ILO.
|
Theo Kinh tế nông thôn