Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tổ chức tại Cần Thơ hôm nay 11/10, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng “tăng giá trị, giảm đầu vào” là một ý tưởng mới đã được Chính phủ đưa vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành lúa gạo.
Theo bà Lan, “tăng giá trị, giảm đầu vào” phải được thể hiện qua việc sử dụng ít hơn về nước, đất, nông dược, phân bón và giảm đi cả sức lao động quá rẻ của người nông dân để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn cho lúa gạo bằng cách tăng năng suất, tăng chất lượng các sản phẩm lúa gạo và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Giá trị cao ở đây, tức là nó không chỉ mang lại giá trị cao cho sản xuất lúa gạo, mà cho bản thân người nông dân và doanh nghiệp tham gia vào ngành đó để tạo thêm động lực có thể tiếp tục đi theo con đường đó, tiếp tục phát triển ngành lúa gạo Việt Nam trong tương lai. Đó là ý tưởng tăng giá trị, giảm đầu vào”, bà cho biết.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa được câu chuyện nêu ra ở trên, thì theo bà Lan, Chính phủ phải “giảm chỉ đạo, tăng kiến tạo” và đây cũng là ý tưởng chung đã được Chính phủ đưa ra cách đây ít năm.
Theo bà Lan, Chính phủ “kiến tạo” là phải giảm bớt vai trò của Chính phủ. “Chỉ đạo là cần thiết, nhưng chỉ đạo một cách quá cụ thể, thì nó trở thành can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, của người nông dân một cách không hợp lý”, bà nói.
Minh họa cho điều này, bà Lan nêu ra ví dụ, đó là Chính phủ không nhất thiết lúc nào cũng phải chỉ cho người nông dân phải trồng cây gì, nuôi con gì, mà phải làm sao để nông dân quan sát được thị trường, trong điều kiện cụ thể của họ làm cái gì hợp lý nhất, bởi chỉ có cái gì hiệu quả nhất, có lợi nhất cho bản thân của nông dân, thì họ làm.
Chính vì vậy, theo bà Lan, Chính phủ phải giảm chỉ đạo, nhất là những chỉ đạo thông qua tổ chức các hệ thống doanh nghiệp Nhà nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vì những đơn vị này chẳng những chưa thực sự phục vụ lợi ích của người nông dân, mà hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh thường không cao.
“Ví dụ, với ngành lúa gạo, những cái rất cần đầu tư vào nông dân, thì nhiều khi doanh nghiệp Nhà nước không quan tâm mà họ chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại của họ nhiều hơn, nên những người kinh doanh được lợi nhiều hơn người nông dân”, bà dẫn chứng.
Không dừng lại ở đó, theo bà Lan, Chính phủ “tăng kiến tạo” phải được thể hiện bằng cách tạo ra được một môi trường kinh doanh bằng luật pháp, bằng chính sách tốt nhất để khuyến khích người nông dân yên tâm làm ăn lâu dài trên thửa đất của họ và phát huy tốt nhất khả năng của họ; cũng như tạo cho doanh nghiệp có động lực tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
“Từ đấy, mới có được hai nhà (nhà nông và nhà doanh nghiệp) quan trọng nhất, mà chúng ta vẫn thường cổ động trong bốn nhà của Việt Nam (nhà nông – nhà doanh nghiệp- nhà nước và nhà khoa học)”, bà nói.
Đối với nhà khoa học, theo bà Lan, rất cần trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng muốn nhà khoa học tham gia vào thì Chính phủ phải tạo kênh chính sách hợp lý để cho các nhà khoa học có thể đi cùng nông dân, doanh nghiệp.
“Tăng kiến tạo” của Chính phủ còn là tạo ra một chính sách mới hơn, phù hợp hơn về đất đai. Chẳng hạn, về chính sách đất đai, bây giờ là sở hữu toàn dân và Chính phủ trao quyền sử dụng đất cho nông dân, cho doanh nghiệp.
“Nhưng, cái quyền sử dụng đó phải được coi là tài sản để trong thời gian Chính phủ trao quyền sử dụng, người ta được toàn quyền trên thửa đất của mình, được quyền làm sao giữ được lợi ích tốt nhất của họ.
“Khi đó, nếu nông dân bị gom đất hoặc doanh nghiệp muốn tích tụ đất lại, thì phải tôn trọng người có tài sản đó là nông dân, chứ không phải gom lại bằng cách “ép” để người ta thua thiệt như hiện nay”, bà Lan cho biết.
Theo bà, có rất nhiều việc Chính phủ có thể làm được để “tăng kiến tạo”, có thể bằng những chính sách, luật pháp tốt, kể cả bằng tiêu chuẩn tốt trên thị trường.
Khi Chính phủ đã thể hiện được và đầy đủ “vai trò kiến tạo”, thì công việc còn lại trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là tăng cường liên kết giữa bốn tác nhân như nêu ở trên lại với nhau.
Theo bà Lan, liên kết giữa bốn tác nhân này là điều vô cùng quan trọng, trong đó, mỗi tác nhân phải xác định đúng và làm đúng vị trí, vai trò của mình một cách tốt nhất.
Chẳng hạn, với Nhà nước, cần tăng kiến tạo, giảm những chỉ đạo trực tiếp không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo nói riêng, nông sản và thực phẩm nói chung.
Phải tăng vai trò của nông dân bằng cách tập trung nhiều về giáo dục đào tạo, thông tin để họ biết được những vấn đề của thị trường hiện nay là gì, của biến đổi khí hậu… Còn doanh nghiệp, sẽ là nơi đầu tư, cung cấp đầu vào, đầu tư chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường…
“Khi bốn tác nhân này liên kết tốt, thì nông nghiệp Việt Nam, lúa gạo Việt Nam không thể không thắng được trên thương trường”, bà khẳng định.
“Hiện nay, một trong những vấn nạn lớn của nông sản chúng ta là làm cho người tiêu dùng mất niềm tin, thì cái đó Chính phủ cần tăng cường vai trò của mình, xây dựng tiêu chuẩn và kiểm soát tốt để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, từ đó mới tạo được thị trường tốt cho nông dân và không bị cạnh tranh bởi các nhà đầu tư nước ngoài hoặc sản phẩm nước ngoài trên chính thị trường của mình về các mặt hàng nông sản, thực phẩm”, bà cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng cần phải thay đổi nhận thức trong thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, từ coi lúa gạo là ngành đảm bảo an ninh lương thực sang tăng thu nhập, cải thiện dinh dưỡng; từ tập trung cho khâu sản xuất sang khâu chế biến, thương mại.
Ngoài ra, theo ông Kiên, Chính phủ can thiệp vào ngành hàng lúa gạo nên theo hướng thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính, thì nên tiếp cận dựa trên nguyên tắc thị trường; thay vì xuất khẩu hàng đầu thế giới, thì cần tận dụng lợi ích chính trị và hội nhập quốc tế giữa các nước…
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn