Thủ tướng: 'Phải có khát vọng khởi nghiệp, làm giàu trong nông thôn mới'

03/10/2016

Thấy lãnh đạo các địa phương kể lễ thành tích, nợ nần, xin ngân sách trình bày dài dòng quá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng: “Các đồng chí nói gọn thôi. Bản chất của NTM là nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân chứ không phải các công trình xây dựng, không phải là nợ nần xây dựng cơ bản đâu?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Vẫn chưa yên tâm, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại, các đồng chí xem đã đầu tư được gì cho KHCN vào SXNN chưa? Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đến đâu rồi? Từ đó mà kiến nghị cho Trung ương, Bộ ngành cái gì là then chốt để làm. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị chúng ta cần đi vào thực chất của vấn đề để thảo luận.  

Đề xuất không xét công nhận nếu huy động quá sức dân

Đây là không khí Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 4.000 cán bộ chủ chốt, chuyên gia các lĩnh vực ở trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thay mặt ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban thường trực đã báo cáo ngắn gọn về kết quả 5 năm đầu cả nước chung tay xây dựng NTM và nhấn mạnh một số vấn đề có yếu tố chiến lược cho giai đoạn 2016-  2020. 

Tiếp đó, lãnh đạo các địa phương Điện Biên, Nghệ An, Thái Bình, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Nam, Hà Tĩnh; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ngân hàng NN – PTNT Việt Nam… đều khẳng định phong trào xây dựng NTM tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Qua nghe các địa phương, các ngành báo cáo, cho thấy đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động tổng lực xã hội cùng chung tay xây dựng, tạo khí thế mới ở vùng nông thôn.

Ông Hoàng Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, đến nay toàn tỉnh đã có 117 xã đạt chuẩn NTM, đáng ghi nhận có 2 xã thuộc vùng 30a đạt chuẩn NTM đầu tiên.

Trong khi đó, Thái Bình là địa phương phát huy nội lực khá lớn vì là tỉnh thuần nông. Với sự chung sức, chung lòng, lãnh đạo tỉnh đã bám sát địa phương, khơi gợi được phong trào nhân dân, dựa vào dân nên đã kêu gọi được con em xa quê đóng góp công sức, trí tuệ về xây dựng. Ngoài phát huy nội lực trong dân, Thái Bình còn mạnh dạn hỗ trợ xi măng cho người dân để bê tông hóa nhanh các tuyến đường thôn, xóm.

Phát biểu trước Thủ tướng và toàn thể hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cam kết sẽ xây dựng tỉnh NTM trong 5 năm tới.

Điều mà Thái Bình cần chú ý đó là các khoản nợ đọng để có kinh nghiệm trong việc phê duyệt đầu tư trong giai đoạn tới. Đó là đảm bảo công trình nào đủ lực thì mới cho làm, không được làm rồi sau đó tính. Đây cũng chính là quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong phát biểu tại hội nghị này.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mạnh dạn kiến nghị rằng, khi xét công nhận đạt chuẩn cần có thêm quy định về mức huy động đóng góp của nhân dân. Vị lãnh đạo đầu cầu tỉnh Quảng Nam cho rằng, kêu gọi xã hội hóa không có nghĩa huy động quá sức dân, làm cho hạ tầng khang trang mà đời sống nông dân khổ cực thì cần xem xét khi xét công nhận.  

NTM khi nông dân ấm no, hạnh phúc

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đội ngũ cán bộ các bộ, ngành, địa phương đã say mê, nhiệt huyết và có trách nhiệm cao trong phong trào xây dựng NTM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bản chất của NTM là nâng cao mức sống của người nông dân, cả về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ là các công trình xây dựng cơ bản.

Thủ tướng nêu rõ, NTM là cuộc cách mạng, là nhiệm vụ chính trị, phải kiên trì, kiên nhẫn, tổ chức thực hiện cho tốt. Xây dựng NTM là giảm khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, là một định hướng xã hội chủ nghĩa đặc biệt.

Quang cảnh hội nghị

“Phải hiểu bản chất của NTM là thực sự nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người dân. NTM phải có kết cấu hạ tầng tốt, cơ cấu kinh tế phù hợp, tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng cuộc sống của người dân tốt hơn, dân chủ hơn, bình đẳng xã hội tốt hơn, giữ vững bản sắc văn hóa, bảo đảm môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn”, Thủ tướng nhấn mạnh.  

Về một số giải pháp, Thủ tướng gợi mở: Đầu tiên là nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Phải thực sự hành động vì dân với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, việc công nhận, biểu dương, khen thưởng các xã, huyện đạt chuẩn NTM phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, không chạy theo thành tích. Mọi ngành, mọi cấp đều phải có chương trình hành động phục vụ xây dựng NTM. NTM phải là nông thôn kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa.

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần nông dân “hai lúa” dám nghĩ, dám làm. Theo Thủ tướng, chúng ta phải cùng nhau đồng sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng NTM khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Xây dựng một thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có tinh thần doanh nghiệp.

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần của những người nông dân “hai lúa” từ chế tạo tàu ngầm đến làm máy chế biến cho năng suất rất cao được dư luận xã hội quan tâm phản ánh thời gian qua.

NTM cũng đồng nghĩa cuộc sống mới trên cơ sở cập nhật thông tin, xu hướng, tiếp cận và nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đem lại.

“Tôi đề nghị các đồng chí chú trọng quy hoạch những yếu tố này trong việc xây dựng NTM, ví dụ tỷ lệ sử dụng internet, mật độ doanh nghiệp, các tiêu chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp tiên tiến, chỉ số thương mại và thị trường, nhất là thương mại điện tử để sản xuất gắn với tiêu dùng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh, đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng nhấn mạnh phong trào này phải dựa vào dân, phát huy sức sáng tạo của nhân dân bởi sức sáng tạo của nhân dân là vô tận.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến nay cả nước có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến, hết năm 2016, sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã.

Có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn NTM và dự kiến, hết năm 2016, con số này là 30 đơn vị.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là hơn 850.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 11,6%, còn 88,4% là từ nhiều nguồn lực khác nhau như từ người dân, doanh nghiệp, tín dụng…

Trong giai đoạn tới (2016-2020), Ban Chỉ đạo cho rằng, trọng tâm cần tập trung vào 4 nhóm nội dung thành phần chủ yếu là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.

Đối với các xã đã đạt chuẩn, lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Dự kiến, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là hơn 193.000 tỷ đồng.

Cùng với các địa phương, Hà Tĩnh được đánh giá là tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu.

Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vui mừng báo cáo với Thủ tướng rằng, Hà Tĩnh là địa phương có thêm tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu và đánh giá sự hài lòng của nhân dân. Trong giai đoạn 2010 – 2015, Hà Tĩnh còn đặt ra yêu cầu cao hơn mức bình quân chung của cả nước về tiêu chí thu nhập.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch Đặng Quốc Khánh đề cập đó là việc tinh giản biên chế, sáp nhập các thôn, xóm (đã nhập được 667 thôn) và đang tiến tới sáp nhập các xã có từ 3 – 4 ngàn dân nhằm giảm chi và thuận cho quy hoạch phát triển.

Đề xuất của Hà Tĩnh là mong Trung ương ủng hộ tích tụ đất đai và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ông Khánh nhấn mạnh, chỉ có thể hút được trí tuệ và nguồn lực của doanh nghiệp vào nông nghiệp thì mới có được sức bứt phá đi lên của nông nghiệp vốn manh mún, nhỏ lẽ.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác