Hai Bộ cùng quản lý phân bón: Lãng phí lớn nguồn nhân lực

30/09/2016

Theo Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, việc giao cho 2 Bộ gồm Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng quản lý về phân bón đã gây ra lãng phí nguồn nhân lực, chồng chéo trong quản lý, gây phiền hà cho địa phương, doanh nghiệp sản xuất.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo "Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam”, vừa diễn ra sáng nay (28/9) tại Hà Nội.

Phân bón không đảm bảo chất lượng nở rộ trên thị trường

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội phân bón Việt Nam chỉ rõ, thực trạng nền sản xuất phân bón Việt Nam hiện là một nền phân bón tự phát, nơi nào cũng làm được phân bón và chưa có một cuộc cách mạng nào để lập lại trật tự lĩnh vực này.

Dẫn chứng cho tình trạng trên, ông Thúy nói, từ tháng 8/2015 - quý I/2016, Hiệp hội đã điều tra trên 80% tỉnh thành thì đã có khoảng 800 cơ sở sản xuất phân bón. Riêng TPHCM đã có 491 công ty, chi nhánh, trong đó hơn 267 đơn vị sản xuất phân bón. Việc tổ chức cung ứng thì chồng chéo, phân bón trong Nam đưa ra Bắc, phân bón ngoài Bắc đưa vào Nam cùng một tên phân bón, cùng một chủng loại, cùng một hệ số hàm lượng...

"Sản xuất phân bón hiện nay không khác nào múc đất bán cho nông dân, nhiều vụ bắt giữ phân bón giả được chứa trong các bao bì nhãn mác của các doanh nghiệp có uy tín, nhưng nếu quy định hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép bao bì NPK là 53%, qua kiểm tra chỉ đạt gần 3%", ông Thúy nói.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho biết, phân bón có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cây trồng, chiếm tỷ lệ từ 30 – 50% giá thành sản phẩm trồng trọt. Tuy nhiên, do phát triển 'nóng' và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, thị trường phân bón đã bộc lộ nhiều bất cập, tiêu cực.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, tình hình sản xuất phân bón giả bằng công nghệ 'cuốc, xẻng”, nhái nhãn mác, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng đã giảm đi rõ rệt. Nhưng thay vào đó, nạn phân bón không bảo đảm về chất lượng đã và đang nở rộ trên thị trường. Đáng chú ý, các đối tượng sản xuất buôn bán giả, phân bón kém chất lượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham rẻ của bà con nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn để dùng chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng.

Một bất cập lớn khác là thị trường phân bón hiện nay có đến vài ngàn chủng loại, nhãn hiệu phân bón của hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước cung ứng khiến nông dân rơi vào 'ma trận' khi chọn lựa mặt hàng này. “Việc chúng ta cho tồn tại một số lượng chủng loại phân bón nhiều như vậy có phù hợp không, trong khi các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn và những quốc gia phát triển chỉ tồn tại và sử dụng từ 30 – 40 loại phân bón. Ngay cả những nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan họ cũng chỉ có khoảng 100 loại phân bón”, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam phân tích.

Chồng chéo trong quản lý phân bón, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề phân bón kém chất lượng đang nở rộ trên thị trường, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tất cả xuất phát từ việc quản lý bất cập, cơ chế xử phạt quá nhẹ và thấp. Đặc biệt, một mặt hàng phân bón, hai Bộ chia nhau quản lý là không nên.

Theo ông Cường, tại Nghị định 202 của Chính phủ, phân bón vô cơ thuộc trách nhiệm cấp phép, quản lý của Bộ Công Thương, còn phân bón hữu cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. “Chúng tôi kiến nghị sửa đổi Nghị định 202, trong đó giao cho 1 Bộ thống nhất quản lý chung, không thể để quản lý mặt hàng phân bón mà hai Bộ quản lý được, ai chịu trách nhiệm. Để Bộ nào quản lý cũng được, điều quan trọng nhất là quản lý đúng theo quy định của pháp luật”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, việc chồng chéo hai cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, khi doanh nghiệp đăng ký hội thảo về phân bón, đại lý, cửa hàng bán phân bón đăng ký giấy phép thì phải chạy đi cả hai bộ để xin giấy phép, điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Tôi xin lỗi bên Bộ Công Thương, rõ ràng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn hiểu hết về cây trồng, dinh dưỡng cây trồng và vấn đề cấp phép rất ít. Còn với Bộ Công Thương, thì chỉ quản lý về công nghiệp thì cấp phép cũng rất khó khăn với các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp xin giấy phép bán thì phải xin cả bên Bộ Công Thương và cả giấy phép của Bộ Nông nghiệp", Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nông nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này,  Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng cho rằng, việc giao cho 2 Bộ gồm Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp cùng quản lý về phân bón đã gây ra lãng phí nguồn nhân lực, chồng chéo trong quản lý, gây phiền hà cho địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cơ sở buôn bán trong việc thanh tra, kiểm tra, cấp phép. Dẫn đến việc quản lý mặt hàng phân bón càng phức tạp, lỏng lẻo hơn.

Trước tình trạng này,  Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, giao cho 1 Bộ quản lý về phân bón bao gồm cả phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, thay cho 2 cùng quản lý như hiện nay. “Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định đề nghị Chính phủ chỉ đạo 2 Bộ Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống bộ máy quản lý, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phân bón để có đánh giá đúng thực trạng về thị trường phân bón hiện nay để điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 202 cho phù hợp với tình hình thực tiễn”,  Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị.

Theo VnMedia

 


Tin khác