Cần lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam

27/09/2016

Trong khi nông nghiệp Việt Nam là ngành kinh tế quan trọng, thì phân bón Việt Nam lại là một nền phân bón tự phát. Từ việc quản lý đến sản xuất, phân phối đều đang lộ nhiều bất cập. Trong đó, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây bức xúc cho người nông dân.

Bức xúc phân bón trộn... bột đá vôi

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nhà nước cũng xác định tầm quan trọng của phân bón cho nền nông nghiệp, do đó, Nhà nước đã có nhiều nghị định, thông tư, như: Nghị định 113, Nghị định 191, Nghị định 15 CP, Nghị định 185 và mới nhất là Nghị định 202 của Chính phủ.... và 8 thông tư của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Dù đã có nhiều văn bản quy định trong lĩnh vực phân bón nhưng tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang gây bức xúc, và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung và nông dân nói riêng, và đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết triệt để.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn, nó phát triển trong cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh phân bón và trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.

Theo các con số điều tra chưa đầy đủ trong các năm qua được Hiệp hội Phân bón VN cung cấp, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, bán ra trên 48 tỉnh thành. Điển hình như: Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.

Công ty CP Quốc tế Đông Trung đa yếu tố (Lâm Đồng), công ty này đăng ký hàm lượng trên giấy phép và bao bì NPK 53%, nhưng khi kiểm tra tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 8,2%.

Công ty Đông Hải (Đà Nẵng) trên giấy phép bao bì đăng ký NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng khi kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt gần 3%.

Một công ty khác mang cái tên đầy tin tưởng, đó là công ty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp Hà Nội cũng bị phát hiện 600 tấn phân bón NPK, nhiều bao bì giả mạo in tên các công ty phân bón uy tín trên thị trường như của công ty Bình Điền, Phú Mỹ, Lâm Thao, Cà Mau...

Theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thành phần chính trong phân NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là....bột đá vôi.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, sản xuất kinh doanh phân bón kiểu này không khác nào đem đất bán cho nông dân. Vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó đã có hàm lượng các dinh dưỡng...tương tự như phân bón giả nói trên.

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty Thuận Phong. 

Đến Trung tâm khảo nghiệm kiểm định phân bón cũng vi phạm

Một con số đáng ngạc nhiên, cho thấy sự bát nháo của thị trường phân bón có sự buông lỏng của cơ quan quản lý và một vụ việc được phát hiện không phải do Bộ Công Thương - cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón mà là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Thanh tra Bộ NN&PTNN đã có báo cáo kết luận số 235 ngày 28/4/2016 kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định, thì 100% đơn vị này đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón.

Cả 11 Trung tâm này đều sai phạm không thực hiện đầy đủ các Nghị định 80 CP, Nghị định 202 về quản lý phân bón, các Thông tư 08 và 09/2009 của Bộ KH&CN và các Thông tư số 16, số 32, số 40-41 và số 55/2012/T-BNN-PTNT.

11 Trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Phân bón VN, Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm định là tổ chức khoa học mang tính công bằng, pháp lý mà sai phạm như trên, hậu quả cuối cùng người nông dân phải gánh chịu.

Hiện, Bộ Công an đã khởi tố một số vụ; Bộ NN&PTNT đã kỷ luật một số vụ. Và cả 11 đơn vị này đều đang được đề nghị tước giấy phép hoạt động.

Cần xử lý triệt để vụ án đặc biệt về phân bón

Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nêu thêm hai vụ đặc biệt liên quan tới thị trường phân bón được dư luận và các Bộ quản lý quan tâm mà đến nay được cho là đã "chìm xuồng" , đó là vụ Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương).

Bộ Công an đã bắt quả tang công ty này sản xuất phân bón giả. Bộ Công an đã có quyết định khởi tố, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có quyết định số 03 chuyển vụ án hình sự để điều tra, chuyển về công an tỉnh Hải Dương, tuy nhiên đến nay vụ án đã đi vào quên lãng.

Vụ án đặc biệt nữa xảy ra gần đây đó là vụ Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai). Cụ thể, ngày 24/4/2015 Văn phòng thường trực ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với đoàn 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong phát hiện việc sang chiết rót phân bón dạng nước, đồng thời tạm giữ một lượng lớn các loại phân bón mang nhãn hiệu Breakout, Vitol, Zap, Boron…. cùng nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “Made in USA”.

Khi đó, đoàn kiểm tra ghi biên bản có dấu hiệu sản xuất hàng giả nên tạm giữ tang vật. Qua xác định: Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận phân bón giả; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 03 kết luận phân bón của Công ty CP Thuận Phong kiểm định 19/29 mẫu phân bón không phù hợp (không đạt chất lượng); Bộ Tư pháp kết luận phân bón giả; Bộ Quốc phòng kết luận giả mạo địa điểm sản xuất phân bón giả; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát hiện kết luận phân bón giả; Bộ Công Thương (là cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón) gần đây đã có công văn số 388 (ngày 5/8/2016) báo cáo Văn phòng Chính phủ kiểm định kết luận 08 mẫu phân bón giả....

Tuy nhiên, hơn một năm qua, vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai cho phép dỡ niêm phong và "tha", chỉ xử lý hành chính.

Đây là vụ việc gây bức xúc cho người nông dân và các Bộ quản lý. Hiệp hội Phân bón VN cho rằng đây là việc làm coi thường tất cả kết luận của các cơ quan pháp lý, các Bộ quản lý liên quan.

"Đây có nên cho là một vụ điển hình về lợi ích nhóm không? Các Bộ nghĩ sao? Nếu công ty Thuận Phong không sai thì các Bộ ngành kết luận sai?", ông Thúy lập luận và đề nghị "Chính phủ cần có chế tài nghiêm khắc về vụ việc này".

Hồi tháng 5/2016, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có Công văn số 27/VPTT-TH gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến xử lý vi phạm tại công ty Thuận Phong. Theo công văn, có 4 nội dung lớn cần được tiếp tục điều tra, làm rõ, bao gồm: Những nội dung liên quan đến dấu hiệu sản xuất, kinh doanh phân bón trái phép của công ty Thuận Phong theo quy định của Luật Doanh nghiệp; làm rõ dấu hiệu vi phạm của công ty Thuận Phong trong sản xuất, buôn bán phân bón giả về nhãn hàng hóa đối với phân bón có nguồn gốc nhập khẩu; làm rõ nội dung liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, buôn bán phân bón giả về công dụng đối với phân bón có nguồn gốc nhập khẩu; làm rõ dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, buôn bán phân bón giả về chất lượng đối với phân bón sản xuất trong nước (19/29 mẫu)...

Theo VnMedia


Tin khác