Mặc dù đã có nhiều chính sách để ưu đãi tập trung dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp nông thôn nhưng tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp vẫn rất èo uột.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, vốn đầu tư, trong đó có dòng vốn vay từ các tổ chức tín dụng, là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vốn tín dụng cho nông nghiệp còn rất èo uột, thậm chí dù nhà nước có nhiều chính sách để thúc đẩy vốn tín dụng vào nông nghiệp, nhưng nông dân, tổ hợp tác vẫn khó tiếp cận, còn ngân hàng cũng tìm cách ‘né’ cho vay nông nghiệp.
|
Dòng tín dụng cho nông nghiệp VN vẫn thấp |
Èo uột tín dụng vào nông nghiệp
Tại diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam lần thứ 7, với chủ đề về chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn, diễn ra tại Hà Nội sáng 29/9, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Liên minh Nông nghiệp tổ chức, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) cho hay, dù đã có nhiều chính sách để ưu đãi tập trung dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp nông thôn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn, áp sàn dư nợ tín dụng nông nghiệp, tuy nhiên tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp vẫn rất thấp.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ông Thịnh chứng minh, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP chỉ khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886.000 tỷ đồng, cũng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam năm 2014, chỉ có hơn 38% số hộ nông dân có vay vốn tín dụng, trong số đó có gần 37% đã vay được tín dụng từ các ngân hàng còn lại tới hơn 63% vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức (vay họ hàng, bạn bè, kể cả tín dụng đen…).
Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT cũng cho thấy, trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp rất khó hoặc không thể tiếp cận vốn vay tín dụng.
Ngân hàng vẫn tìm cách ‘né’ cho vay nông nghiệp
Thực tế này, theo ông Thịnh, cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại thời gian qua chưa thực sự ưu đãi khu vực nông nghiệp nông thôn. Điều này cũng dễ hiểu, vì trên thực tế, các ngân hàng thương mại hiện nay hầu hết là các ngân hàng cổ phần, và quyết định đầu tư của ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đầu tư của cổ đông, những người luôn lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro nhất và có lợi nhuận nhất. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường được đánh giá là rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường…), lợi nhuận thấp hơn các khu vực khác.
Không những thế, ông Thịnh cho rằng, ngay cả khi đã quyết định đầu tư tín dụng vào nông nghiệp nông thôn, mặc dù đã có quy định mức giảm dự trữ bắt buộc với NHTM về tỷ trọng dư nợ nông nghiệp khoảng 70% và áp sàn dư nợ tín dụng nông nghiệp phải đảm bảo không thấp hơn 20% tổng dư nợ tín dụng hàng năm của các NHTM thì các cổ đông cũng thường ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cần vốn tín dụng lớn.
Với tinh thần kinh doanh đó, cơ hội để nông dân, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác vay được vốn của ngân hàng trở nên khó khăn. Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ của các hộ nông dân, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn đã đẩy mạnh hình thức cho vay theo tổ nhóm và HTX để mở rộng quy mô từng khoản vay đồng thời nâng cao khả năng giảm sát, quản lí vốn vay và giảm chi phí giao dịch.
Tuy nhiên, tỷ lệ HTX, THT được vay vốn tín dụng thời gian qua là rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2015 cả nước chỉ có 0,67% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng, và cũng chỉ có 2,25% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX. Nếu tính trong 3 năm (từ tháng 7/2013-6/2015) thì cả nước chỉ có 8,83% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng, và 5,77% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX. Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT năm 2013 (Hoàng Vũ Quang, Nguyễn Tiến Định, 2015) cũng cho thấy: chỉ có 1,6% HTX nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; 3% HTX nông nghiệp được vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Trong số các HTX được vay vốn từ các Ngân hàng thương mại, chủ yếu được vay các khoản tín dụng ngắn hạn với số tiền nhỏ (nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT năm 2012 cũng cho thấy, HTX NLNN chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ tín dụng NNNT của các tổ chức tài chính) để đáp ứng nhu cầu hoạt động thường xuyên của HTX như vay từ Quỹ TDND xã để bơm nước tưới, tiêu. HTX nông nghiệp rất khó tiếp cận các khoản tín dụng dài hạn từ các ngân hàng thương mại do Ngân hàng này đòi hỏi HTX phải có tài sản thế chấp.
Mặc dù Nghị định 41/2010 cho phép các ngân hàng thương mại cho HTX vay tín chấp đến mức 500 triệu đồng/HTX và Nghị định 55/2015 cho phép các ngân hàng thương mại cho HTX vay tín chấp đến mức 3.000 triệu đồng/HTX nhưng các Ngân hàng thương mại vẫn yêu cầu HTX phải bảo đảm được các điều kiện: có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; làm ăn có lãi liên tục trong 3 năm; HTX phải có chủ nhiệm không thay đổi; đặc biệt là phải có báo cáo tài chính liên quan đến vấn đề khoanh nợ, xóa nợ (Điều 12, Nghị Định 55/2015).
Tuy nhiên, “phần lớn các HTX nông nghiệp thường không đáp ứng đủ các điều kiện này nên không tiếp cận được vốn vay ưu đãi”- ông Lê Đức Thịnh lưu ý./.
Theo VOV