Tái cơ cấu ngành lúa gạo để cạnh tranh với lúa gạo các nước trong khu vực

12/10/2016

Ngày 11/10/2016, tại thành phố Cần Thơ, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Hội thảo này trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt. Theo đó, mục tiêu tổng quát được đề ra trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam là: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2030, lợi nhuận cho người trồng lúa hàng hóa đảm bảo trên 30% tổng thu; vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 100%; giảm tổn thất sau thu hoạch còn 6%; giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính so với hiện nay; 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, 30% gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản.

Các chỉ tiêu của đề án được đề ra trong bối cảnh ngành hàng lúa gạo Việt Nam những năm gần đây tuy tiếp tục phát triển nhưng bộc lộ nhiều dấu hiệu kém bền vững. Theo TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), những dấu hiệu đó là: Về kinh tế: năng suất lúa cao nhưng giá trị và hiệu quả thấp so với nhiều nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trong khu vực, năng lực cạnh tranh thấp. Về xã hội: thu nhập của người trồng lúa suy giảm; phân phối thu nhập trong chuỗi sản xuất- kinh doanh lúa gạo chưa công bằng. Về môi trường: tình trạng ô nhiễm tài nguyên đất, nước và phát thải khí nhà kính từ trồng lúa ngày càng tăng. Ngoài ra, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thất thoát sau thu hoạch cao trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất - kinh doanh lúa gạo kém phát triển, chưa chú trọng khâu xây dựng thương hiệu lúa gạo,… đã làm cho sức cạnh tranh  của mặt hàng lúa gạo Việt Nam suy giảm.

Đề cập đến những khó khăn, thách thức hiện nay trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung, ngành hàng lúa gạo nói riêng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh các yếu tố: Tích tụ ruộng đất thấp, quy mô sản xuất manh mún, tài nguyên đất và nước ngày càng khan hiếm, thiên tai - dịch bệnh gia tăng, thị trường thường xuyên biến động, suất đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp còn yếu, một số chính sách kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô chưa thuận lợi, liên kết trong ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo kém, công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tranh chấp tài nguyên nước gia tăng, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và những thảm họa do con người gây ra ngày càng nhiều,…

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã thống nhất thực hiện các Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, bằng các giải pháp: Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo; Tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế; Cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến; Phát triển thị trường: Giảm tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.

Theo Hiền Dung – Báo Phụ nữ 


Tin khác