Bốn tháng xin 1 giấy phép: Còn thời gian đâu làm ăn?

07/07/2017

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) quy định một kiểu, Nghị định lại yêu cầu làm một kiểu khác với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp khiến các DN trong ngành chật vật xin đủ các loại giấy phép. Quy định trong Nghị định chưa rõ ràng khiến cán bộ làm việc theo “cảm tính”, gây ra tình trạng nhũng nhiễu DN.

Mất 4 tháng để xin tờ giấy phép

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), “Công bố phù hợp quy định ATTP” tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP là quy định không có trong Luật ATTP, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy” - một quy định chính thức của Luật ATTP.

Đáng chú ý, đây được cho là thủ tục hành chính phức tạp, tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho DN.

Ông Nam dẫn chứng, Nghị định quy định DN nộp hồ sơ xin Giấy Tiếp nhận hợp quy mất tối đa 15 ngày, song thực tế nhiều DN mất tới hơn 4 tháng mới xin được mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ.

Tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP” vừa diễn ra, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết, thời gian qua đơn vị này đã nhận được rất nhiều ý kiến của các DN sản xuất thực phẩm bao gói liên quan tới thủ tục “công bố phù hợp ATTP”.

Giấy phép con, doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh

Công bố quy định hợp quy ATTP quy định trong Nghị định 38 đang khiến DN tốn nhiều thời gian và chi phí

Theo ông Tuấn, khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, thủ tục thông quan một lô hàng hóa hết 48 tiếng theo đúng thông lệ quốc tế ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 38%. Trong đó, thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, 78% còn lại là thủ tục chuyên ngành. Đặc biệt, việc thông quan đối với hàng hóa cần kiểm tra ATTP, dữ liệu hải quan lấy 104 mẫu thì có trường hợp mất tới 16 ngày.

“Liệu đây có phải 'đóng góp' của Nghị định 38, tạo hàng rào cho các DN?”, ông Tuấn đặt câu hỏi. Nếu soi chiếu về mặt pháp luật thì yêu cầu xác nhận “công bố phù hợp quy định ATTP” trong Nghị định 38 chưa phù hợp với pháp luật, theo ông Tuấn.

Cụ thể, Luật ATTP 2010 quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói vẫn phải đăng ký bản công bố phù hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường, không quy định về biện pháp công bố hợp quy quy định ATTP. Bên cạnh đó, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng không hề có biện pháp này”.

Ông Tuấn cho rằng, các căn cứ của Nghị định chưa rõ rằng dẫn tới việc cán bộ trực tiếp thực hiện làm việc theo “cảm tính”, gây ra tình trạng nhũng nhiễu DN,...

“Như sản phẩm socola của một DN được sản xuất từ 12 loại nguyên liệu thì phải thực hiện “công bố phù hợp ATTP” cho cả 12 loại nguyên liệu này và sản phẩm cuối cùng. Tính ra, có tới 13 loại giấy phép. Và trong quá trình làm, nếu chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ, không thay đổi chất lượng thì vẫn phải làm lại toàn bộ thủ tục”, ông Tuấn chia sẻ.

Từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Không chỉ gây phiền hà, theo các các hiệp hội, việc “Công bố quy định hợp quy ATTP” quy định tại Nghị định 38 còn không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.

“Đây là biện pháp quản lý theo phương thức “tiền kiểm”, thực chất ít hiệu quả, gây phiền hà, tốn kém cho DN”, ông Nam nói và cho rằng cần phải áp dụng phương thức quản lý “hậu kiểm”, tức kiểm tra, thanh tra theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do cơ sở công bố áp dụng nhằm tạo ra điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh của DN.

Theo ông Nam, hầu hết các nước đã chuyển sang phương thức kiểm tra “hậu kiểm”.

Đại diện Amcham (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam) và Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) thừa nhận điều này và khẳng định, họ đã bãi bỏ hình thức công bố sản phẩm trước khi lưu hành như tại Việt Nam mà quản lý hậu kiểm, kết hợp với kiểm tra điều kiện và quy trình sản xuất của nhà máy.

Tại các nước châu Á như Malaysia và Singapore cũng áp dụng hậu kiểm. Riêng với Thái Lan áp dụng hình thức kiểm tra quy trình sản xuất và kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay, trên thực tế, những băn khoăn về quy định “công bố phù hợp ATTP” đã được các DN nhiều lần đề nghị bãi bỏ. Vào thời điểm giữa tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng cho rằng kiiến nghị của VASEP về vấn đề này là hợp lý.

Thế nhưng, trong bối cảnh sửa đổi Nghị định 38, dự thảo mới nhất vẫn tiếp tục giữ lại quy định này khiến nhiều DN băn khoăn.

Thay vì quy định “công bố phù hợp ATTP”, các hiệp hội đề xuất quy trình một cửa. Cụ thể, với kiểm nghiệm và xác nhận hợp chuẩn, DN gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. Theo đó, các phòng kiểm nghiệm được chỉ định sẽ kiểm nghiệm sản phẩm. Nếu đạt chất lượng thì sẽ xác nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở của DN và các quy định hiện hành về ATTP của Việt Nam, công bố trên website của phòng kiểm nghiệm).

Với khâu hậu kiểm, cơ quan quản lý thay vì ngồi bàn giấy thẩm xét giấy tờ sẽ tập trung vào đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.

B.Hân


http://vietnamnet.vn

Tin khác