Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp 4.0 là áp dụng công nghệ mới, khoa học hiện đại, máy móc thay tay chân của con người, nhằm thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa, hay đơn giản chỉ thông qua… 1 nút bấm.
|
Những thành công trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy tiềm năng, triển vọng của nông nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |
Và Việt Nam đang ở đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là công nghiệp 4.0 - biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới.
Nông dân cày ruộng, trồng rau bằng… điện thoại thông minh!
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, khi 70% cư dân vẫn dựa vào nông nghiệp là chủ yếu thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực nông thôn nói riêng là yêu cầu cần thiết.
Việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân Việt Nam không bị đe dọa bởi nguy cơ mất dần việc làm và nguồn tiêu thụ vào tay nông dân các nước có công nghệ cao (CNC).
Đối với nông nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc: Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng hàng hóa đang ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng với mức độ cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên...
Việc ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sự dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.
Chính vì vậy, ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, tạo ra nền nông nghiệp 4.0 là việc không thể chậm trễ, khi tác động trực tiếp và mạnh mẽ của công nghệ đối với lĩnh vực nông nghiệp đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới trên quy mô toàn cầu.
Theo bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để xây dựng 1 nền nông nghiệp thông minh, phải số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm. Những thành công trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy tiềm năng, triển vọng của nông nghiệp Việt Nam trong cuộc CMCN4.0” - bà Trần Thị Hồng Lan nêu ý kiến.
TS Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, những ngành có tiềm năng tiếp cận nền nông nghiệp 4.0 là chăn nuôi lợn, gà, tôm, cá da trơn có quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả; sản xuất nấm ăn, nấm hoặc cây dược liệu; sản xuất lúa gạo, càphê, hồ tiêu...
Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, đã có nhiều nông dân ứng dụng thành công KHCN vào nông nghiệp. Như nông dân Vương Đình Phi (ấp Thành Mâu - P.7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) làm vườn bằng... smartphone; nông dân Phạm Văn Hát gieo hạt bằng robot tự động; ông Đoàn Huỳnh Thông (Giám đốc Cty TNHH Chánh Phong) xử lý hạt giống bằng chiếc máy... “mặc áo cho hạt giống” nhập khẩu từ Hà Lan.
Hãy hỗ trợ nông dân thứ họ luôn thiếu: Vốn!
Nông nghiệp 4.0 là xu thế của quốc tế, là lựa chọn của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta có đặc thu sản phẩm đa dạng; hạ tầng vật chất, công nghệ thông tin còn kém phát triển; trình độ lao động phân hóa cao..., thì việc tỉnh táo lựa chọn đúng quy mô, ngành hàng đáp ứng yêu cầu về công nghệ, thị trường và hiệu quả là rất quan trong.
Để hỗ trợ nông dân, ngoài các kiến thức ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn lực, cần chính sách ưu đã về vốn vay. Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, không phải người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư CNC vào sản xuất. Để xây dựng một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp CNC cần khoảng 140-150 tỉ đồng, cao gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi thường; đầu tư 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỉ đồng.
Để phát triển nền nông nghiệp sạch, CNC, Nhà nước đã đã có chính sách tạo điều kiện cho nông dân, DN có vốn sản xuất. Theo thống kê ban đầu, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng CNC đạt gần 32.339 tỉ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 DN). Trong đó, cho vay ứng dụng CNC là 27.737 tỉ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ.
Tuy vậy, thủ tục vay vốn quá rườm rà, phức tạp, vướng mắc: Kinh phí đầu tư cho nông nghiệp CNC rất lớn trong khi vay vốn ngân hàng chỉ định giá bằng 20-25% giá trị thực tài sản... đã khiến người nông dân khó tiếp cận vốn, nhiều nông dân phải chịu cảnh “lực bất tòng tâm”.
Mặc dù chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình khuyến khích cho vay phát triển nông nghiệp CNC, nhưng cho vay trong lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều tổ chức tín dụng cũng tỏ ra ngần ngại.
Vì vậy, cần có sự phối hợp rà soát, đánh giá, cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp CNC, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ... của các bộ, ngành liên quan. Hiện nay, ngành ngân hàng chỉ cho vay với các DN, người dân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Chính vì vậy, khó có thể thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, phù hợp, thực tế và hiệu quả.
Theo laodong.vn