Khơi thông "điểm nghẽn" trong nông nghiệp công nghệ cao

13/10/2017

Con số chưa đến 1% doanh nghiệp đầu tư phát triển vào ngành cho thấy nông nghiệp công nghệ cao (CNC) vẫn chưa thực sự thu hút được đầu tư, nguyên nhân là do việc tồn tại những "nút thắt" trong vấn đề về nguồn nhân lực, thị trường và nguồn vốn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, sáng ngày 10/7 (giờ địa phương) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Đại học Wageningen (Wageningen University & Research), ngôi trường được xếp hạng là đại học tốt nhất Hà Lan và là đại học đứng đầu thế giới về đào tạo nông lâm nghiệp.

Thủ tướng đã đặt câu hỏi: Tại sao Hà Lan chỉ có 17 triệu dân, diện tích nhỏ, chịu ảnh hưởng lớn về biến đổi khí hậu nhưng giá trị xuất khẩu nông sản lại gấp 3 lần Việt Nam (Hà Lan đạt 94 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ đạt 33 tỷ USD).

Theo Thủ tướng, thành tựu mà Hà Lan đạt được bắt nguồn từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật. “Chúng ta phải đi từ khoa học công nghệ, ứng dụng vào đời sống từ quản lý, sản xuất", Thủ tướng nói. Đặc biệt Thủ tướng còn nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực chất lượng từ Đại học Wageningen.

Điều này cho thấy, sự quan tâm cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc giải bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, thu hút DN đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, những trở ngại nào đang “kìm chân” nông nghiệp Việt ứng dụng CNC?

Vì sao chưa hấp dẫn? 

Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc áp dụng CNC đối với nông nghiệp Việt có thể là một bước chuyển xa do nền nông nghiệp Việt có xuất phát điểm và mức độ phát triển thấp.

Với bối cảnh hiện tại, mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp “mới” là phù hợp và nên được ưu tiên.

Cũng theo ông Sơn, nông nghiệp CNC không đại diện bởi vấn đề “công cụ” như công nghệ, nguồn vốn, đất đai, nhân lực… mà phải bảo đảm được tính hiệu quả và tính tiết kiệm.

Thêm vào đó, phải tạo thêm được giá trị gia tăng về chất lượng, dinh dưỡng, văn hóa… để cùng một đơn vị sản phẩm như trước nhưng có thể bán với giá cao hơn.

Một yếu tố nữa không thể thiếu là yếu tố “bền vững”, thể hiện ở việc sản xuất thân thiện với môi trường, đứng vững trước biến động, các cú “sốc” của thị trường và xã hội.

“Tóm lại, phải bảo đảm cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường mới là một nền nông nghiệp CNC”- TS Đặng Kim Sơn khẳng định.

Vì vậy, để phát triển nông nghiệp CNC đảm bảo các khía cạnh nêu trên, tại Hội thảo về nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những “nút thắt” khiến nông nghiệp CNC chưa hấp dẫn.

Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC bằng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, thế nhưng nhiều “rào cản” vẫn tồn tại, như vấn đề nguồn nhân lực nào để vận hành nền nông nghiệp đó vẫn chưa được tính đến. 

Một điểm đáng chú ý khác là vấn đề thị trường tiêu thụ, lâu nay người nông dân bị tồn ứ sản phẩm nông sản vì không có thông tin thị trường.

“Phát triển nông nghiệp CNC phải gắn với thị trường” là lưu ý của ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). 

Có cùng quan điểm, ông Lê Thành- Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ VN cho rằng, nếu ứng dụng CNC vào nông nghiệp mà chỉ xây 1 nhà máy trị giá tiền tỷ, rồi sau đó để nông dân “tự bơi” thì đầu tư vào công nghệ cao cho nông nghiệp sẽ rất uổng phí.

Do đó, nếu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC thì cần thiết phải chủ động đầu ra, chủ động thị trường cho sản phẩm nông sản. 

Cũng theo nhận định của ông Thành, nông nghiệp CNC là một phương thức sản xuất, hoàn toàn không phải mô hình kinh tế nên phải gắn liền với chuỗi giá trị.

Ngoài những yếu tố về nhân lực, thị trường, nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp khi được hỏi vẫn tiếp tục nêu ra những bất cập trong khó tiếp cận nguồn vốn.

Cởi trói “nút thắt” vốn, đất, thương hiệu...

Trong khi ông Lê Thành cho rằng, để phát triển hệ thống phân phối, thị trường nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng nông sản nói chung, nông nghiệp CNC nói riêng, bản thân mỗi nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này cần phải quyết định được thị trường.

Trong chuỗi liên kết, người nông dân sẽ sản xuất và nhà đầu tư sẽ bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm tới vấn đề cơ chế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư để họ có thể thực hiện được mô hình chuỗi cung ứng này. 

Thì ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định: 

“Để phát triển nông nghiệp cần có rất nhiều thứ, cần tính đến đầu vào, đầu ra; tính được lỗ, có lãi; phải áp dụng công nghệ cao; hình thành được kinh tế trang trại, hợp tác xã; phải có doanh nghiệp nối kết chuỗi; phải tận dụng được công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu”.

Việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thông sang nông nghiệp CNC có thành công hay không, nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào chính sách.

Ông Tuấn chỉ rõ các “điểm nghẽn” gồm: Thứ nhất, có hàng loạt “nút thắt” phải xử lý để phát triển nông nghiệp CNC, từ việc tăng quy mô, áp dụng kinh tế trang trại thì đất cần dễ tích tụ tập trung hơn.

“Làm sao “cởi trói” được thị trường đất đai để những người làm nông nghiệp chuyên nghiệp có thể dễ dàng mua đất, thuế đất.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng thuê đất của nông dân để đầu tư lớn, bài bản và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất” – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh.

Thứ hai, thị trường vốn chính là “nút thắt” để chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao, trong khi tích luỹ trong dân thì thấp, doanh nghiệp lại đầu tư vào chưa nhiều nhưng cách tiếp cận vốn hiện nay lại rất khó khăn.

“Vốn ngân hàng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của người dân, còn lại họ vay ngoài rất nhiều do những khó khăn về mặt thủ tục, thế chấp, tài sản đảm bảo.

Phải làm sao để nông dân muốn vay vốn ngân hàng và ngân hàng muốn cho nông dân, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất vừa phải, chi phí giám sát rẻ”- ông Tuấn cho biết thêm.

Điều này đòi hỏi phải có tín dụng theo chuỗi giá trị, nếu như ngân hàng cung cấp tín dụng biết cả “ông đầu vào” và “ông đầu ra” và “ông sản xuất” thì họ sẽ yên tâm, đảm bảo hơn về phương án kinh doanh.

Hoặc là phải có chính sách bảo hiểm tín dụng cho ngân hàng, để khi có rủi ro thì ngân hàng không bị thiệt hại. Làm sao để cả ngân hàng và công ty bảo hiểm muốn bán sản phẩm cho người sản xuất nông nghiệp.

Nút thắt thứ ba trong phát triển nông nghiệp chính là việc khuyến khích các doanh nghiệp đều tư vào nông nghiệp theo đúng nghĩa:

Từ đầu vào, sản xuất cho đến đầu ra và liên kết được với nông dân. Vì vậy, cần có cơ chế đặc biệt về hỗ trợ tín dụng, đất đai như miễn thuế, giảm thuế trong thời gian đầu kinh doanh.

Với việc đầu tư cho nông nghiệp rất rủi ro vì vậy cần có cơ chế đặc thù thì các doanh nghiệp mới yên tâm lên phương án kinh doanh.

“Đặc biệt, nếu Nhà nước cho thêm bộ phận quan tâm, giải quyết các vấn đề doanh nghiệp gặp phải liên quan đến chính sách thì càng thúc đẩy được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp CNC” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng cần rà soát những chính sách về chất lượng, thương hiệu để không chỉ kiểm soát chất lượng của sản phẩm cuối cùng mà các doanh nghiệp tự kiểm soát lẫn nhau trong chuỗi giá trị.

“Phải làm sao để hợp tác xã kinh doanh có lãi hơn là hộ nông dân để người dân tham gia vào các chuỗi sản xuất và thay đổi phương thức nông nghiệp truyền thống như hiện nay”- ông Tuấn cho hay.

Theo enternews.vn

 


Tin khác