Xu thế phát triển HTX trên thế giới và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

30/11/2017

Ở mỗi quốc gia, do thời điểm, điều kiện, hoàn cảnh ra đời và phát triển của các hợp tác xã (HTX) rất khác nhau, nhưng điểm giống nhau của các HTX chính là sự tuân thủ về mặt bản chất, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của HTX.

Phong trào phát triển HTX thế giới

Là sản phẩm từ cơ chế thị trường, nhưng HTX là nơi tập hợp của các đối tượng “yếu thế”, dễ bị tác động, tổn thương bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chức năng chính của HTX là “dẫn dắt kinh tế hộ”, hỗ trợ, tạo điều kiện và định hướng cho kinh tế hộ thành viên phát triển.

Hợp tác trong khâu cơ giới hóa thu hoạch lúa giúp giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động

Các HTX được thành lập bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu của chính người dân, tự nguyện đóng góp vốn, công sức, tài sản, thường là không lớn chỉ đủ để cùng nhau thực hiện các dịch vụ chung mang lại lợi ích thu nhập, việc làm cho chính các thành viên tham gia.

Năm 1895, Liên minh HTX quốc tế ra đời. Kể từ đó đến nay, các nguyên tắc hoạt động của một HTX như tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng cùng có lợi và vì cộng đồng luôn được đề cao. Chỉ có tuân thủ như vậy các HTX mới thích ứng được với cơ chế thị trường và phát triển bền vững, đạt mục tiêu kinh doanh vì lợi ích mà trước hết là lợi ích về kinh tế của những thành viên tham gia chứ không đơn thuần vì lợi nhuận.

HTXNN không thay thế kinh tế hộ mà chủ yếu cung cấp các dịch vụ mang tính hỗ trợ cho các xã viên. Đa phần các dịch vụ này là các dịch vụ tự thân người nông dân, các hộ gia đình không thể thực hiện được hoặc phải thực hiện với chi phí cao hơn HTX cung cấp.

Để thực hiện được các mục tiêu của mình, mô hình tổ chức SXKD của các HTX trên thế giới cũng rất đa dạng. Có rất ít các trường hợp HTX tổ chức SXKD tập thể mà đa phần là làm dịch vụ. Khi cung cấp dịch vụ, một mặt HTX phải tạo ra được các lợi ích mà xã viên cần như tín dụng, vật tư, KHKT, thu hoạch, bảo quản và đặc biệt là tiêu thụ nông sản. Nhưng mặt khác HTX phải tạo ra lợi nhuận đủ để duy trì chất lượng, hiệu quả dịch vụ và tái mở rộng quy mô dịch vụ.

Hiện nay, sự phát triển về quy mô, phương thức tổ chức dịch vụ, kinh doanh của các HTX rất đa dạng, trong đó, loại hình liên kết SX giữa các hộ nông dân trong SX, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là khá phổ biến. Các HTX cũng là chủ thể SXKD, chỉ khác DN cơ bản ở khâu tổ chức quản lý và phân phối lợi ích.

Nếu ở HTX quyền của các thành viên đều bình đẳng thì ở DN quyền lực phụ thuộc vào quy mô vốn góp của thành viên đó. Các HTX luôn duy trì việc trích quỹ phát triển nhằm tăng năng lực tài chính, vốn tự có và tài sản không chia của HTX. Vì thế theo năm tháng tiềm lực tài chính của HTX luôn được củng cố từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo thêm lợi nhuận cho bản thân, các HTX có tiềm lực kinh tế mạnh cũng thành lập DN, công ty trực thuộc, hoặc góp vốn đầu tư kinh doanh bình đẳng như các DN khác.

Một vấn đề cần chú ý là dù rất đa dạng về mô hình kinh doanh nhưng các HTX trên thế giới luôn đề cao tính phục vụ và hiệu quả SX mà HTX mang lại cho các thành viên. Vì thế một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX chính là hiệu quả SXKD của các thành viên.

Để hạn chế việc xa rời mục tiêu kinh doanh vì lợi ích của các thành viên, các chính phủ thông thường giảm hoặc miễn thuế đối với các dịch vụ của HTX cung cấp cho thành viên nhưng đánh thuế bình đẳng như các DN nếu HTX cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên.  

Có thể nói, với lịch sử trên 2 thế kỷ ra đời và phát triển, mô hình HTX thế giới đã chứng minh được đây là nhu cầu có tính quy luật và là sự tất yếu trong phát triển của kinh tế thị trường. HTX ra đời không chỉ để hỗ trợ các thành viên làm kinh tế mà còn hướng đến việc nâng cao an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi cho người dân, nhất là ở nông thôn...

HTX giúp cho việc hạn chế tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế cất cánh, đô thị hóa mở rộng và hội nhập kinh tế quốc tế. HTX còn giúp chính phủ tạo thêm công ăn việc làm một cách bền vững, phát triển dịch vụ công ích, giảm hụt ngân sách và nợ công.

Những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam

Xuất phát từ những đặc điểm đặc thù của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, nhất là những điều kiện để phát triển kinh tế hộ và kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành thì sự phát triển của các HTXNN đã có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên hiện nay cũng còn nhiều khó khăn trở ngại, nhất là vấn đề nhận thức về bản chất, vai trò, vị thế của các HTX trong cơ chế thị trường định hướng XHCN là thế nào? Mô hình hoạt động trong bối cảnh mới của nền kinh tế ra sao và lợi ích kinh tế, xã hội của các HTXNN đem lại cho các thành viên HTX và cộng đồng là gì?

Đó là những vấn đề cần tiếp tục làm rõ trong quá trình thực hiện Luật Hợp tác xã 2012. Ở đây dưới góc độ nhìn nhận những mặt tích cực của việc phát triển HTX trên thế giới, chúng tôi có thể rút ra một số gợi ý cùng suy nghĩ để tiếp tục vận dụng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình HTXNN hoat động trong cơ chế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Cụ thể là:

- Mô hình HTX thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN là mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không bị chi phối bởi cơ chế hành chính. Nhà nước hỗ trợ phát triển HTX bằng cơ chế, chính sách, không can thiệp vào tổ chức, hoạt động SXKD của các HTX. Cần phải chú ý vấn đề này, tránh khuynh hướng, cách hiểu khác nhau, thậm chí đối lập nhau về HTX.

Một bên là tư duy về mô hình HTX kiểu cũ, luôn trông chờ vào sự chỉ đạo và hỗ trợ của Nhà nước, nông dân vào HTX phải góp vốn, góp đất “làm chung, ăn chung”, hoạt động của HTX chỉ mang tính “phục vụ”, còn bên kia lại cho rằng HTX thuần túy cũng là một DN, mang bản chất của một DN kinh doanh vì lợi nhuận, ít quan tâm đến lợi ích của các thành viên, quên đi trách nhiệm cộng đồng.

- Mô hình SXKD của các HTX rất đa dạng. Đó là sự giao thoa và kết hợp giữa mô hình DN và mô hình hiệp hội trong một chủ thể về kinh tế nhưng luôn đề cao tính phục vụ và hiệu quả đem lại cho các thành viên HTX và cộng đồng. Hiện nay ở tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp... cũng đã vận dụng mô hình đa dạng trong SXKD của HTX.

- Sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX và giữa HTX với các DN là thành viên và không phải thành viên của HTX, các chủ thể kinh tế khác trong chuỗi giá trị SX hàng hóa và cung ứng dịch vụ phục vụ thành viên và cộng đồng nông thôn là điều kiện quan trọng để phát triển HTXNN trong bối cảnh mới nước ta.

 Thực tế kết quả trong liên kết SX giữa DN và HTX cho thấy HTX là một tổ chức liên kết nông dân rất hiệu quả trong SX, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khi liên kết với DN tạo ra chuỗi giá trị hỗ trợ tương tác chặt chẽ. Sự liên kết này không chỉ làm tốt vai trò liên kết nông dân trong các HTX với DN mà còn là nơi để nhà nước đầu tư chính sách và những nguồn lực định hướng phát triển bền vững.

- HTXNN là những chủ thể SXKD ở nông thôn, luôn hướng đến việc bảo đảm lợi ích kinh tế xã hội cho các thành viên. Để có thể thu hút xã viên tham gia vào HTX không có cách nào tốt hơn là phải tạo ra các lợi ích đáp ứng nhu cầu của họ. Làm sao họ có nhiều lợi ích hơn những người ở ngoài. Chính vì vậy, ở nhiều nơi đã xuất hiện mô hình thành viên HTX và thành viên liên kết HTX khi đủ điều kiện mới được công nhận là thành viên chính thức HTX.

Với bản chất, vai trò và vị trí của các HTX đã được quy định trong Luật Hợp tác xã 2012 và thực tiễn đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình HTX hoạt động hiệu quả trên cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng các mô hình HTX hiệu quả sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần đưa HTXNN ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

TS TRẦN THANH NAM - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)


Tin khác