Tích tụ, tập trung đất đai là xu hướng tất yếu nhằm khai thông con đường mới cho lực lượng sản xuất trong phát triển NN. Song, vấn đề đặt ra là, triển khai tập trung bằng phương pháp nào cho phù hợp? Đâu là giải pháp để tích tụ ruộng đất hiệu quả?
Chú trọng lợi ích nông dân
Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc này không thể làm vội vàng vì nếu sai sót sẽ gây ra biến động xã hội rất lớn.
“Tích tụ, tập trung ruộng đất phải đặt trong tổng thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hộ nông dân. Trong quan hệ này, hộ nông dân là yếu thế nhất nên phải quan tâm và đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, tích tụ, tập trung ruộng đất không phải chỉ có doanh nghiệp mà còn bao hàm nhiều hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp khác đem lại hiệu quả. Vì thế, phải phát triển cả kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hợp tác. Ngoài ra, để thực hiện được tích tụ, tập trung ruộng đất thì Đảng, Nhà nước cũng cần thay đổi cơ chế chính sách về luật pháp, quy hoạch sử dụng đất”, PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo nhấn mạnh.
|
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang.
(Ảnh: Duy Khương – TTXVN)
|
PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng cho rằng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại và bền vững phải xây dựng thể chế đồng bộ gắn kết hữu cơ kinh tế hộ nông dân, các loại hình hợp tác xã (HTX), hệ thống doanh nghiệp (DN) và áp dụng khoa học công nghệ gắn với thị trường. “Quan trọng nhất chính là lợi ích của nông dân ở đâu, như thế nào trong chuỗi sản xuất hàng hóa?”, ông Toản đặt vấn đề.
Còn ông Phạm Hữu Văn, Phó trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân Việt Nam, nêu quan điểm, cải cách quản lý đất đai, xây dựng thể chế về tích tụ ruộng đất phải quan tâm lợi ích lâu dài của nông dân. “Không nên quá coi trọng quy mô mà phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để đi vào sản xuất, tăng giá trị như thế mới bảo đảm đời sống cho nông dân, đặt hiệu quả lên trên hết”, ông Văn nhấn mạnh.
Vấn đề mà các chuyên gia quan tâm là hiện nay chưa có cơ chế ưu đãi DN và hộ nông dân trong tích tụ ruộng đất. Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, quản lý đất đai hiện nay còn bất cập, chưa có sức mạnh tổng hợp thúc đẩy quá trình từ nhận thức đến hành vi. “Quyết tâm cải cách thể chế phải đi liền với chế tài, nếu câu đó không trả lời được thì khó có thể giải quyết được các bất cập về tích tụ ruộng đất”, ông Chung thẳng thắn.
Tạo hành lang pháp lý
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ, PGS.TS. Trần Quốc Toản cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nông nghiệp công nghệ cao phải phát triển trang trại hiện đại nên phải đào tạo được một đội ngũ giỏi, vốn kiến thức đa dạng chứ không phải sản xuất theo kiểu truyền thống nữa. Sản xuất hàng hóa phải theo thị trường, từ nuôi lợn đến trồng lúa, bởi hiện nay đang thiếu bàn tay quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch. Rồi hoàn thiện chính sách ruộng đất để sản xuất công nghệ cao.
Theo ông Phạm Hữu Văn, Phó trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại giúp cho nông dân . Ông Văn cho rằng, quy mô sản xuất phải phù hợp với trình độ, lực lượng sản xuất và trình độ quản lý của chủ trang trại, DN. Đồng thời quan tâm đến lợi ích lâu dài của người nông dân, tránh bần cùng hóa với nông dân, bởi đây là lực lượng có thu nhập thấp nên dễ bị tổn thương, nghèo đói cho nên cần sự phối hợp nhịp nhàng với các ngành khác như dịch vụ, công nghiệp để đảm bảo người nông dân có việc làm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là chính sách đúng, phù hợp quy luật khách quan. Tuy nhiên, để chính sách này có tính khả thi, bền vững và có hiệu quả thực chất thì Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế và sự ổn định, trật tự của các quan hệ xã hội có liên quan.
Trong hành lang pháp lý này, người nông dân, nhà đầu tư cần được tiếp cận với cơ chế pháp lý linh hoạt hơn, ổn định hơn để có thêm sự lựa chọn thích hợp cho mình trong việc dịch chuyển quyền sử dụng đất theo hướng tích tụ đất đai, góp phần tối đa hóa giá trị quyền sử dụng đất và các nguồn vốn đầu tư trên đất.
Thứ hai, cần quan tâm đến việc bảo vệ an ninh lương thực, quyền chủ quyền đất đai, quyền tài sản của người nông dân và hạn chế tối đa việc lợi dụng chính sách tích tụ, tập trung đất đai nhằm đầu cơ, tích trữ đất.
Thứ ba, cần ra tạo hành lang pháp lý cho thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng phải dựa trên quy luật thị trường. Thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần được xây dựng công khai, minh bạch, khách quan, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách về thuế được ưu tiên.
Bên cạnh thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nhà nước cũng cần chú trọng tới việc thành lập tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, bởi đây là một giao dịch phức tạp và với trình độ kiến thức thông thường khó có thể kiểm soát được những rủi ro khi thực hiện.
Muốn xây dựng một thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiệu quả, thì trước hết nhà nước cần nghiên cứu ban hành nghị định về cơ chế, chính sách tích tụ đất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình tổ chức trung gian về đất đai như một kho dữ liệu chứa những thông tin về thị trường đất đai như thông tin về người muốn cho thuê, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất, diện tích, vị trí các thửa đất, những cá nhân, tổ chức muốn thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất,... Khi cần thiết, tổ chức trung gian có thể cung cấp những thông tin từ kho dữ liệu này. Ở nước ta hiện nay, Tổ chức phát triển quỹ đất và Quỹ phát triển đất tại Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với mô hình ngân hàng đất đai. Tuy nhiên, những tổ chức này còn đang rất hạn chế trong việc thực hiện chức năng như một ngân hàng đất đai.
Thứ tư, cần xác định vai trò và vị trí quan trọng của tích tụ, tập trung đất đai trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, huy động nguồn lực xã hội hóa vào triển khai có hiệu quả chính sách này trên thực tiễn.
Giải bài toán tích tụ ruộng đất bằng tư duy thị trường
PGS.TS. Trần Quốc Toản đề xuất 7 giải pháp chủ yếu thúc đẩy lưu chuyển – tích tụ – tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, đặc biệt là tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp lý, để các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực và theo quy hoạch. Vì các hộ nông dân là chủ thể cơ sở và lực lượng đông đảo nhất, có vai trò quan trọng hàng đầu trong nền nông nghiệp hàng hóa. Cần làm cho nghề nông từng bước thoát khỏi “kinh nghiệm thuần túy”, “không cần đào tạo”.
Quy hoạch trung và dài hạn phát triển các vùng và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao theo quan điểm thị trường. Điều quan trọng là phải từng bước hình thành đồng bộ thị trường vốn, lao động, tư liệu sản xuất, ruộng đất, nông sản… dưới sự quản lý, điều tiết và định hướng của Nhà nước, khắc phục các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Phải đổi mới một cách căn bản các mô hình HTX hiện có cũng như phát triển các mô hình HTX kiểu mới trên cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi”; thực hiện đúng kinh tế hộ và HTX là hai chủ thể kinh tế, HTX phải hoạt động trên cơ sở hiệu quả của chính mình, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển sản xuất hàng hóa.
Đẩy mạnh đổi mới và phát triển hệ thống DN trong nông nghiệp, nhất là DN công nghệ cao. DN phải là chủ thể trung tâm kết nối với các hộ nông dân, các HTX và với thị trường trong nền nông nghiệp hiện đại. Khuyến khích DN liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo khâu chế biến và bao tiêu sản phẩm đối với các hộ nông dân và các HTX, xóa bỏ các khâu trung gian phi lý. Nhà nước phải đóng vai trò quản lý, điều tiết và hướng dẫn trong việc đảm bảo dịch vụ cho nông dân.
Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao KH – CN trong nông nghiệp. Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được coi là khâu then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
“Phải đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH – CN, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp. Trọng tâm là phải xây dựng được cơ chế liên kết việc nghiên cứu – ứng dụng KH – CN theo các chuỗi sản xuất kinh doanh từ hộ nông dân tới thị trường đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, và chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia; đảm bảo lợi ích xứng đáng và hài hòa giữa các chủ thể liên quan”, ông Toản nhấn mạnh.
Theo KTNT