Tích tụ ruộng đất hướng đến phát triển NN bền vững: Những vướng mắc

04/05/2018

Ngành nông nghiệp đang đứng trước tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại Hậu Giang.

Để phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là phải tổ chức lại sản xuất. Trong đó, tích tụ, tập trung ruộng đất trở thành nội dung rất quan trọng.

Quy mô nhỏ không còn phù hợp

Cách đây hơn 30 năm, với những chủ trương chính sách lớn như: Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư 13/01/1981(Khoán 100); Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị 5/4/1988 (Khoán 10), trong đó xác định rõ vai trò của kinh tế hộ, coi hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Luật Đất đai năm 1987 đến Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn dưới luật qua nhiều lần chỉnh sửa, thay đổi đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng hiệu quả ruộng đất và tổ chức sản xuất nông nghiệp...

Những chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã tạo bước chuyển biển cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn. Sau nhiều năm thiếu lương thực, năm 1989 sản lượng lương thực của chúng ta đã đạt 20,5 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với năm 1987, đảm bảo lương thực trong nước và xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo.

Các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, đã có tác động giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy sự năng động, sáng tạo, tiềm năng, sự chủ động trong sản xuất của người nông dân đã đưa nông nghiệp nước ta tăng trưởng liên tục, đạt được nhiều kỳ tích. Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 36 tỷ USD.

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu dựa vào nông hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp đã làm chậm nhịp độ phát triển của ngành nông nghiệp. TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng:Tích tụ đất đai liên quan đến sở hữu đất đai. Một chân lý đã rõ: Nếu chỉ có nông dân và Nhà nước ôm lấy nhau thì chắc chắn nông nghiệp không phát triển được, dù Nhà nước có nhân đạo đến mức nào. Phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để gỡ vấn đề. Chúng ta đang liên tục phải “giải cứu nông sản”.

Mô hình "nhà vườn thông minh giá rẻ" tại Kon Tum. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

“Theo tôi, muốn thoát khỏi cảnh đó thì phải “giải cứu” cho doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới có thể kéo lao động về lại nông thôn. Vì vậy, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Có một bất hợp lý là, xã hội muốn dân giàu nhưng trong hành xử chính sách thì lại ghét người giàu! Ngay doanh nghiệp cũng sợ làm giàu. Về nguyên tắc, nên bỏ hạn điền (về cả quy mô và thời gian). Lợi ích của tích tụ đất đai là vì hướng đến sản xuất theo thị trường, song cần xác định rõ đó là thị trường hiện đại, toàn cầu hoá!”, TS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh

Quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất trong các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thời gian qua diễn ra rất chậm là trở ngại lớn trong phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phổ biến là dựa trên sản xuất nông hộ quy mô nhỏ, thiếu liên kết đã dẫn đến nhiều hệ lụy: khó khăn trong thực hiện cơ giới hoá, hiện đại hoá trong làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến; hạn chế khả năng tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học và công nghệ; khả năng quản trị, ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến, quản lý chất lương, vệ sinh an toàn thực phẩm. Năng suất chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội.

Ba vấn đề cần quan tâm khi tích tụ ruộng đất

Ông Trần Thế Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, chủ trương tích tụ đất đai đã manh nha từ lâu, từ đại hội Đảng lần thứ XI, XII và đã được thể chế trong pháp luật. So với trước đây, hiện nay hạn mức sở hữu đất đai đã được nâng lên. Tuy nhiên, chính sách về tích tụ ruộng đất vẫn còn tồn đọng nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Chúng ta cần giải quyết nhiều vấn đề như: có cần thiết phải đặt hạn mức đất đai không, nên bỏ hạn mức hay chỉ cần nâng hạn mức, và nâng hạn mức đến đâu thì phù hợp? Thời hạn sử dụng đất 50 năm đã phù hợp chưa? Ngay cả vấn đề quy hoạch đất cũng chưa ổn định, đang cần điều chỉnh thêm bởi tích tụ đất đai không hề dễ. Văn hóa giữ làng giữ đất còn in đậm trong tâm trí của người dân, để vận động tích tụ, tập trung đất đai một cách tự nguyện cần có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cả nước có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Đây là con số nhỏ bé trong khi nông nghiệp có nhiều tiềm năng và thị trường nông thôn rộng lớn. Nguyên nhân của thực trạng này, Phó thủ tướng chỉ ra trước tiên là do vướng mắc về đất đai.

“Chúng ta còn lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất và thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất. Thứ hai, chính quyền địa phương dễ thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp. Thứ ba, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, khi mới đây, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đồng ý việc tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung hội nghị. Một số vấn đề cần được tập trung, bao gồm:

Thứ nhất, tập trung đánh giá thực trạng, nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm và sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, các bất cập chủ yếu trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách hiện hành và thực tế việc triển khai tích tụ, tập trung đất đai của các địa phương đến các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường.

Thứ ba, các bộ cần đề xuất các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện...; xác định các nhiệm vụ cần phải tiến hành, cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, thẩm quyền và lộ trình thực hiện.

Xác định tầm quan trọng tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn là phải phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của nước ta và mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn. Chính vì vậy, đây là vấn đề lớn, xuyên suốt với nhiệm vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân mà Đảng và Nhà nước hết sức chú trọng.

Theo KTNT

 


Tin khác