Ngày 17 tháng 9 năm 2018, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) tổ chức hội thảo “Vốn cho nông dân: Cơ hội cho vay theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ 4.0” tại Hà Nội.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa hai viện, được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). Tham dự hội thảo có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.
|
Hội thảo “Vốn cho nông dân: Cơ hội cho vay theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ 4.0” (Ảnh: AGROINFO) |
Khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm Đổi mới đang đi lên một giai đoạn mới – giai đoạn chuyển đổi, sản xuất quy mô lớn, cần áp dụng công nghệ, liên kết chuỗi giá trị trong đó nhu cầu vốn là cấp thiết. Chuỗi giá trị hiện nay chưa hoàn chỉnh nhưng đã thu hút được khoảng 7.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gấp đôi 2 năm trước đó. Vai trò của các chính sách tín dụng, dịch vụ công và ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh những hộ nông dân nhỏ thường khó có thể tiếp cận tín dụng cần thiết để đầu tư vào cây con hoặc công nghệ mới, đối phó với rủi ro từ khâu thu hoạch đến trồng trọt. Tiếp theo, đại diện ACIAR đã giới thiệu về định hướng hoạt động của ACIAR cũng như bối cảnh và tầm quan trọng của dự án.
Đại diện IFPRI, TS. Alan de Brauw cung cấp thông tin cụ thể hơn về dự án, bao gồm mục tiêu, các hoạt động, đối tác và kế hoạch triển khai. Về phía IPSARD, TS. Trương Thị Thu Trang có bài đề dẫn Tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, khái quát tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn và tài chính cho nông nghiệp nông thôn của Việt Nam, yêu cầu mới trong quá trình chuyển đổi, khó khăn của nông dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, cơ hội từ tài chính theo chuỗi và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo (Ảnh: AGROINFO) |
Mô hình tín dụng hiệu quả được chia sẻ trong bài Kinh nghiệm tín dụng từ Myanmar của TS. Khin Pwint Oo từ Đại học Yangoon, Myanmar. Các lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam cũng chia sẻ về Định hướng Chính sách Tín dụng Ngân hàng khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp - ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính sách Tài chính cho Nông nghiệp – Giải pháp bảo hiểm - ThS. Lương Tiến Dũng, Giám đốc tài chính Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Hội thảo cũng đã nghe giới thiệu kinh nghiệm thực tế về Mô hình Tài chính Tín dụng trong chuỗi giá trị nông nghiệp rau củ quả - TS. Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và Tích hợp Công nghệ 4.0 để quản lý ứng dụng dịch vụ tài chính cho chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam - ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hội thảo là bước khởi đầu cho hoạt động nghiên cứu kéo dài 4 năm, được tiến hành tại ba nước là Việt Nam, Indonesia và Myanmar, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ và Úc.
IPSARD