Xuất khẩu nông sản đối mặt với nhiều thách thức mới

09/12/2019

Xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là cơ sở giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị, nâng cao giá trị của nông sản xuất khẩu.

Vùng nguyên liệu là cơ sở để xây dựng chuỗi giá trị

Cùng với những biến động với nền kinh tế thế giới, rào cản kỹ thuật, thương mại ở các nước nhập khẩu ngày càng tăng cao. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, phát triển chế biến, mở cửa thị trường và khắc phục các hàng rào kỹ thuật là vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Giám đốc WB tại Việt Nam ông Ousmane Dione cho rằng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019 như dịch tả lợn châu Phi nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 33 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, ông Dione cảnh báo đã xuất hiện dấu hiệu bất ổn định trong các nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu cả về giá trị lẫn khối lượng của nông sản Việt là không chắc chắn. Nông sản Việt cần tiếp tục nỗ lực để tăng cường khả năng cạnh tranh, phù hợp với sự biến đổi của thị trường quốc tế.

Theo Giám đốc WB Việt Nam, để đạt được những tăng trưởng trong nông nghiệp đã phải đánh đổi bằng những vấn đề môi trường như phá rừng, mất cân bằng sinh học, thoái hóa đất, ô nhiễm nước hay tăng hàm lượng khí thải nhà kính. Bên cạnh đó là nhiều thất bại về thị trường, khiếm khuyết về hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại vẫn đang tồn tại.

Để giải quyết vấn đề này, theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong chuỗi giá trị vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng này sẽ phát triển hạ tầng cho nông nghiệp.

“Tái cơ cấu nông nghiệp đang chuyển mạnh từ sản xuất lúa sang đối tượng đa dạng, trong đó hạ tầng cũng cần chuyển đổi từ sản xuất lúa sang mục tiêu phục vụ đa dạng. Việc cần đầu tư từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến áp dụng khoa học công nghệ… nhưng quan trọng nhất vẫn phải bắt đầu từ tổ chức sản xuất, đó là chính là phát triển hợp tác xã” - TS Đặng Kim Sơn nói.

Nút thắt lớn trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam hiện nay chính là khâu phân phối bởi hầu hết các mô hình sản xuất liên kết còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, nên thường phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, “được mùa - mất giá”, nông sản được tiêu thụ không ổn định. Về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa truy xuất được nguồn gốc hàng hóa làm cho người tiêu dùng trong nước thiếu tin tưởng và việc xuất khẩu thường xuyên gặp khó. 

Để đáp ứng những nhu cầu trên cần phải đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, hạ tầng nông nghiệp, vận chuyển, nâng cấp công nghệ chế biến, phát triển hệ thống phân phối nông sản...

Chế biến để tăng giá trị nông sản xuất khẩu

Giám đốc vùng UNIDO Stein Hansen cho rằng Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi khi có nền chính trị ổn định, vị trí địa lý tốt và lực lượng lao động dồi dào. Nền kinh tế nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng 2,89%, cao nhất từ 2012-2018, đóng góp 0,36% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng vấn đề Việt Nam cần tập trung là nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu thông qua chế biến.

“Nền công nghiệp chế biến nông sản đang đóng góp rất nhiều vào giá trị của hàng hóa xuất khẩu ở các nước phát triển thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô như các nước đang phát triển. Các nước có thu nhập cao tạo ra 200 USD giá trị gia tăng với 1 tấn nông sản qua chế biến trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50 USD” - ông Stein Hansen nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua, Việt Nam có được những thành tựu nông nghiệp nhưng vẫn còn đó 3 thách thức lớn với ngành nông nghiệp của Việt Nam.

“Về cơ bản, kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ. Thứ hai là thách thức từ biến đổi khí hậu, mặc dù ảnh hưởng chung đến nền kinh tế nhưng khu vực có nguy cơ tổn thương lớn nhất lại là nông nghiệp. Vấn đề thứ ba mà ngành nông nghiệp phải đối mặt là hội nhập toàn cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Để giải quyết 3 vấn đề trên, Việt Nam cần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung các nhóm sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng được sự hợp tác từ các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam có năng lực sản xuất nông sản tốt, có thứ hạng trên thế giới nhưng hiệu quả chưa cao, do chỉ mới tiếp cận được ở các sản phẩm thô. Điều này gây ra nhiều mối lo về rủi ro thị trường, lãng phí tài nguyên và lãng phí sản phẩm.

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị trên 40 tỷ USD mỗi năm, Bộ trưởng Cường cho rằng đây là một bước tiến lớn nhưng vấn đề là hầu hết những thị trường chưa bền vững./.

Theo VOV


Tin khác