Dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi; hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với những biến động gây bất lợi lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch.
Hoàn thành và vượt ¾ chỉ tiêu
Năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là tác động lớn bởi Dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, làm cho SX, XNK nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn...
|
Năm 2019, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã được mở cửa thị trường XK (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản của DOVECO đầu năm 2019). |
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời lãnh đạo, điều chỉnh cơ chế, chính sách, hài hòa hóa với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, truyền cảm hứng sáng tạo và khát vọng vươn lên trong toàn ngành nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức. Triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Nhờ vậy năm 2019, nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn ngành đã hoàn thành và vượt 03/04 chỉ tiêu, đó là: Kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).
Ngành NN-PTNT năm 2019 đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường. Ứng dụng KH-CN mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khai thông thị trường XNK.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ.
Năm 2019, công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai chủ động, bài bản hơn, giảm thiệt hại nhiều so với năm 2018. Trong đó, số người chết và mất tích là 130 (năm 2018 là 224 người). Về kinh tế, thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng (so với năm 2018 là 20.000 tỷ đồng). Toàn ngành đã tập trung cao độ xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ở những điểm nguy hiểm cùng với sắp xếp dân cư, ổn định đời sống, sản xuất ở những vùng sạt lở. |
Nỗ lực giữ vững và khơi thông thị trường
Năm 2019, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy XK sang các thị trường truyền thống, mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng. Nhờ đó, thặng dư thương mại nông lâm thủy sản tăng cao.
Mặc dù khó khăn về thị trường, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10 - 15%, tuy nhiên cả năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.
Trong đó, riêng lĩnh vực lâm nghiệp ước đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK trên 1,0 tỷ USD tiếp tục được duy trì, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều).
Trong năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Đồng thời, là năm ghi dấu ấn về thúc đẩy XK các sản phẩm chăn nuôi như: XK thịt gà chế biến đi Nhật Bản; XK lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông; XK mật ong đi EU, Hoa Kỳ.
Đặc biệt, sự kiện lô sữa đầu tiên của Việt Nam được xuất vào Trung Quốc trong tháng 10/2019 đã mở ra nhiều triển vọng cho ngành sữa Việt Nam.
|
Ngành sữa Việt Nam đang có nhiều triển vọng. |
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để XK thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang thị trường này.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng các da trơn Việt Nam, giảm thuế NK cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%. Trung Quốc đã chấp thuận NK chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, XK gỗ và lâm sản.
Cơ bản khống chế dịch tả lợn Châu Phi
Ngành nông nghiệp đã chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt.
|
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi. |
Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể các giải pháp phòng ngừa, chỗng xâm nhiễm; tổ chức tiêu độc, khử trùng và dập dịch.
Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo tại 05 Hội nghị về phòng, chống bệnh DTLCP và trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo tổ chức công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO) và các nước hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh và tổ chức nghiên cứu vắc xin DTLCP...
Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh DTLCP, theo đó đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Với những giải pháp và hành động quyết liệt, đồng bộ, đến nay, nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học, gia tăng SX chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn thay thế thịt lợn giảm sản lượng, góp phần ổn định giá cả thị trường và chỉ số CPI... Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%...
Kỳ vọng “hồi sinh” XK rau quả
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, XK hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2019 đạt 302 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2018.
|
Lãnh đạo các Bộ ngành và địa phương tại lễ khánh thành nhà máy chế biến rau quả của DOVECO tại Gia Lai. |
Tuy nhiên, tụt giảm về kim ngạch XK mặt hàng này trong những tháng đầu năm đã khiến lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, XK hàng rau quả chỉ đạt 3,41 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 11/2019, XK hàng rau quả tăng nhờ XK sang một số thị trường lớn tăng mạnh, trong khi đó XK sang thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Úc giảm.
Trong 11 tháng năm 2019, XK hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng XK hàng rau quả sang thị trường này giảm 8,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 65,7% tổng kim ngạch XK rau quả của cả nước.
Tuy nhiên Bộ Công thương dự báo trong năm 2020, XK hàng rau quả sang Trung Quốc sẽ từng bước ổn định hơn do các doanh nghiệp dần quen với các quy định trong NK hàng rau quả của Trung Quốc.
Đây sẽ là tín hiệu sáng để vực dậy XK ngành hàng rau quả bởi Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Dấu ấn ngành gỗ
Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 9,5 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018.
XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2019 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng khả quan như: Nhật Bản, Anh, Canada, Đức và Hà Lan.
Trong đó, Nhật Bản và Canada là các thị trường thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt sang hai thị trường này thể hiện việc bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định.
|
Chế biến gỗ xuất khẩu. |
Với CPTPP, việc cam kết cắt giảm thuế quan của các nước thành viên làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mở rộng tại các thị trường này. Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường XK chính đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Trong thời gian tới, khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình, hàng Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác không có FTA với EU. Trong năm 2019 XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường XK chính. Đây là nền tảng thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam đặt mục tiêu XK trong năm 2020 đạt 12 tỷ USD.
Theo Lê Bền – Báo Nông nghiệp Việt Nam