Quy trình thô sơ, chi phí cao
Nhiều năm nay, tại cửa khẩu Tân Thanh giao thương với Trung Quốc vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng ùn ứ hàng cây số xe chở các loại nông sản, trái cây. Nhiều xe hàng sau thời gian dài nằm chờ khiến nông sản bị hỏng, phải đổ bỏ, thiệt hại nặng nề. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tỷ lệ hao hụt hiện nay khoảng 35% đối với quả và 40% đối với rau do thiếu công nghệ sau thu hoạch, thiếu nhà máy chế biến và dịch vụ logistics chậm phát triển.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), chỉ riêng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 đạt 3,1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam với 67,7% thị phần. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lại giảm 13,5% so với cùng kỳ 2018. Nguyên nhân sụt giảm là do các thương nhân nước ta chưa bắt kịp những quy định mới về đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì để truy xuất nguồn gốc của nước bạn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay, Trung Quốc đã siết chặt đường biên mậu nên sẽ không còn cửa để xuất khẩu tiểu ngạch. Bù lại, nước bạn đang mở rộng cửa, tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản đi theo đường chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây xuống còn 3% - 4%.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, nếu chuỗi liên kết giá trị của Việt Nam tốt hơn, cơ hội thâm nhập vào thị trường sâu hơn và năng lực cạnh tranh sẽ tăng lên. Ông Hòa cho rằng cần xây dựng doanh nghiệp dẫn dắt những doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên kết các hợp tác xã và người nông dân.
Hiện nay chuỗi liên kết nông sản vẫn lỏng lẻo. Trong đó, dịch vụ logistics đảm nhiệm việc đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển nông sản từ ruộng của hộ nông dân đến kho hợp tác xã, từ kho hợp tác xã đến kho của doanh nghiệp, và từ kho của doanh nghiệp ra "chợ thế giới"... còn hạn chế.
Khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho thấy, chi phí logistics trong giá thành chiếm tỷ trọng khác nhau giữa các loại hàng nông sản. Cụ thể, chi phí logistics của hồ tiêu chiếm tỷ trọng thấp (15%), nhưng khá cao với hàng trái cây tươi (60 - 70%).
Ngoài chi phí vận tải, các loại phí kiểm tra chuyên ngành cũng còn cao. Ví dụ phí giám định, kiểm vi sinh đối với hàng cà phê khoảng 30 USD/container, hạt điều: 300 - 350USD/container. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng khá lâu, từ 1 - 2 ngày, làm phát sinh chi phí giám sát, lưu container, lưu bãi từ đó tăng chi phí logistics.
Chi phí vận tải quốc tế cho 1kg thanh long sang Mỹ qua đường hàng không khoảng 3,5 USD, chưa tính chi phí chiếu xạ (từ 0,5 USD-1USD/kg) cũng như chưa tính chi phí vận tải nội địa. Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/kg thì riêng chi phí logistics vận tải quốc tế đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu.
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 76,2% doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản tập kết hàng tại cảng biển (42,9%), ICD (23,8%) và cảng hàng không (9,5%). Tuy nhiên, ngay với vận tải biển, chi phí vẫn cao.
Cần quy trình logistics 4.0
Đánh giá tổng thể về hiện trạng và nhu cầu logistics phục vụ nông sản, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) và Đại học GTVT TPHCM khảo sát tại các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chè... Kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam đang thiếu một hệ thống logistics 4.0.
Cụ thể, các hiệp hội mong muốn logistics Việt Nam cải thiện hệ thống dịch vụ, hệ thống xe lạnh, trang bị đầy đủ công nghệ thông tin logistics... để giúp kiểm soát nhiệt độ và theo dõi tình trạng hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển, kịp xử lý mọi vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần một chuỗi các kho hàng cho hàng nông sản được xây dựng ở những vị trí kết nối trực tiếp với nhà ga, cảng lớn có trung tâm kiểm nghiệm, để tiện việc đóng gói, sơ chế, xuất khẩu và giám định chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp logistics cần kết nối với các cơ quan chức năng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực hiện các thủ tục, giúp thông quan nhanh chóng.
Các hiệp hội cũng kiến nghị, Nhà nước cần tăng số lượng công ty chiếu xạ. Cục Bảo vệ thực vật cần điều chỉnh quy trình kiểm dịch thực vật tại cảng, cho phép kiểm dịch tại kho như trước, còn hiện nay lại yêu cầu kiểm dịch tại cảng như vậy tăng thêm chi phí vận tải.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện có hơn 20 loại phí và phụ phí mà các hãng tàu đang thu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản. Một số phí được nhận định là chưa hợp lý như phí khai báo trọng lượng (VGM)... Một số hãng tàu đưa ra các dạng mới như phí dịch vụ vận chuyển nhanh nếu muốn nhận hàng nhanh, phí CIC, phí xà lan, phí nhiên liệu khẩn cấp.
Ở Việt Nam, chuỗi cung ứng lạnh (cold chain logistics) vẫn còn trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Xe tải đông lạnh số lượng rất nhỏ. Các thiết bị vận tải trang bị cho cold chain so với các nước khác còn thiếu chuyên nghiệp. Nhiều xe không có cách nhiệt tiêu chuẩn, thiếu mạng lưới thông tin logistics nội bộ và chuỗi cung ứng.
Những năm gần đây, do thị trường gia tăng, một số công ty logistics đã đầu tư kho lạnh quy mô lớn. Nhưng về tổng thể, thị trường kho lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh. Những nhà cung cấp dịch vụ kho lạnh có thị phần tương đối như Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, ABA, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Theo báo cáo đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ của kho lạnh Việt Nam của Emergent Cold (2019), chỉ hơn 50% doanh nghiệp có thể cung cấp được từ 6 - 7 dịch vụ trong kho lạnh, hơn 20% doanh nghiệp cung cấp được từ 9 - 11 dịch vụ, và 20% là cung cấp ít hơn 5 dịch vụ. Do đó, việc nâng cao năng lực dịch vụ logistics, hình thành chuỗi dịch vụ logistics kết nối khép kín tuần hoàn từ nông dân đến “chợ thế giới" là rất cấp thiết.
Tuyết Vân
Nguồn: Khoa học và Đời sống