Xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững

13/12/2019

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với nông dân lần thứ hai, nhiều vấn đề “nóng” của nông dân được nêu ra đã được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ giải đáp.

Áp dụng công nghệ 4.0 nhưng thiếu vốn

Nông dân Ngô Hùng Thắng (ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), tác giả hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại Smart Viet HT- 8917 trăn trở, đối với Dự án phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 và tiến tới là công nghệ 5.0 có nhiều vấn đề bất cập trong nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương khi việc hỗ trợ không bắt kịp với sản phẩm công nghệ hiện hành, bởi vậy, người nông dân cần có quy định thời gian hỗ trợ cụ thể để đàm phán với đối tác và cần có cơ chế tạo nguồn vốn cho dự án về khoa học công nghệ.

Đồng quan điểm về việc vay vốn để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Thái Hòa (Hưng Yên) bày tỏ, việc triển khai nông nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn vốn phải lớn nhưng chính sách tín dụng nông nghiệp ban hành nhiều mà nông dân làm nông nghiệp 4.0 thì không thể tiếp cận được vì thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Để tháo gỡ vấn đề này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để nông dân có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay này.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, đã có nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm sao doanh nghiệp, chính quyền cùng hỗ trợ nông đân trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong đó, tập trung vào chính sách hỗ trợ và sáng kiến kỹ thuật, “nếu có sáng kiến thì chúng tôi cũng sẽ luôn song hành với bà con”. 

Chia sẻ khó khăn với nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Không có khoa học công nghệ, đổi mới giống chịu hạn, chịu mặn, không thay đổi cơ cấu mùa vụ thì làm sao giúp nông dân tháo gỡ khó khăn? Nhà nước quan tâm rồi, nhưng người nông dân phải tự đổi mới. Người nông dân Việt Nam phải đổi mới trong thời kỳ đổi mới đất nước. HTX phải liên kết để chiến đấu trên thị trường; người nông dân phải tự đổi mới trong tình hình đất nước, thị trường thay đổi. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, phải chủ động hơn nữa, người nông dân phải tự tái cơ cấu ở từng nơi, từng xã. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn đó, chúng tôi mong muốn nghe những ý kiến sâu sát, thiết thực của nông dân, các bộ phải trả lời thẳng thắn cho nông dân, để đạt kết quả tốt nhất”.

Ảnh hưởng do biến đổi khí hậu

Tham gia buổi đối thoại, nông dân Trần Thanh Nam ở xã Tân Phú (Châu Thành - Bến Tre) cho biết, ông rất mong nhận được câu trả lời về những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu. “Thủ tướng đã nhất trí chi 3.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn ở miền Tây, tôi quan tâm việc triển khai chính sách này như thế nào?”, ông Nam nói.

Lão nông Lê Văn Lam (68 tuổi) ở xã Tân Phước  (Tân Hồng - Đồng Tháp) chia sẻ: Tôi găn bó với cây lúa đã 50 năm, nhưng năm nay thời tiết bất thường, sâu rầy gây hại, không có lũ bồi đắp phù sa khiến năng suất lúa giảm 10%. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động tăng 10-20%.

Ông Dương Văn Tạo (Trà Vinh) cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và biểu hiện rõ nét, đặc biệt là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Ông hỏi: Chính phủ sẽ dành nguồn lực như thế nào để phát triển cho toàn vùng?

Thiếu thông tin hỗ trợ thị trường

“10 năm qua, giá lúa cứ quanh quẩn mức 5.000 đồng/kg, khiến cuộc sống nông dân gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Văn Lam nói và đề nghị Nhà nước đừng “gò bó” nông dân vùng Đồng Tháp Mười làm lúa mãi, cho bà con chuyển đổi đất đai, cây trồng để có lợi nhuận cao hơn.

Ông Phan Văn Thế ở ấp 3, xã Trinh Phú (Kế Sách - Sóc Trăng) phản ánh, hiện nay, những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả chưa nhiều, nông dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, qua các kênh chợ truyền thống. Nông dân chúng tôi liên kết với các nhà còn khó lắm, nhất là với doanh nghiệp, nhà phân phối. Làm thế nào để có thể tham gia liên kết bền vững, hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp?.

Ông Trần Công Danh ở ấp Thới Phước, xã Tân Thạch (Thới Lai- TP. Cần Thơ) đặt câu hỏi: Sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và PTNT “công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như giá, sản lượng, dự báo định hướng thị trường… lên website và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin chính thống và đáng tin cậy cho người nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”.

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn là vấn đề thời sự của ngành nông nghiệp.

Vậy xin hỏi Thủ tướng: Vì sao Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện ngay việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa thực hiện?

“Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” kết quả triển khai như thế nào? Chính phủ, Thủ tướng làm gì để hạn chế các chi phí trung gian, để tăng thu nhập cho nông dân? Bởi đơn cử như người trồng lúa chúng tôi, hiện tính chi li ra chỉ được lãi có 70.000 đồng/ngày thì không thể sống nổi”, ông Danh phân tích.

Cùng vấn đề này, ông Ngô Hùng Thắng ở ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung (Lấp Vò - Đồng Tháp) phát biểu: Hiện, người nông dân tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy xuất được nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn do nông dân không tự làm được.

“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp, chính sách gì để hỗ trợ nông dân trong khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân?”, ông  Ngô Hùng Thắng nói.

Trả lời vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Xác định ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là giải pháp căn cơ để phát triển nhanh nền nông nghiệp; giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ cao trong việc đẩy mạnh công tác dự báo thị trường; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Tin học hàng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường. Tuy nhiên, trong yêu cầu thích ứng với thay đổi rất nhanh của thị trường thì như vậy là chưa đủ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2020 để triển khai ngay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên trang web của Bộ.

Về phát triển bền vững trong nông nghiệp, bao trùm nhất với khu vực ĐBSCL, Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực ĐBSCL. Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực lắng nghe bà con để kiến tạo bằng cơ chế, chính sách cho phát triển ĐBSCL với mục tiêu nâng cao đời sống của bà con.

“Để làm được điều đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã cho thấy sự thay đổi rất rõ tư duy phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây có giá trị cao hơn. Bộ Nông nghiệp và PTNT trình với Thủ tướng 3 Đề án về điều chỉnh khu vực ĐBSCL chuyển từ trữ mặn sang điều tiết mặn phù hợp; đề án về phát triển giống, cây trồng - vật nuôi, đặc biệt là giống thủy sản đến năm 2025; chương trình phòng chống thiên tai, chống sạt lở. Vừa qua, Thủ tướng đã có nhiều hỗ trợ cho vấn đề này”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.

Bổ sung câu trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cải thiện, năng lực sản xuất đang mở rộng và tăng nhanh. Tiếp nối vấn đề trên, cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình HTX, ổn định quy mô, đảm bảo phát triển thị trường.

Ngoài ra, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Một số chính sách về đất đai cần đẩy mạnh để tạo ra nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh hàng hoá ngoại nhập vào. Chưa dừng lại ở đó, bản thân người dân phải đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu lại.

Vận chuyển nông sản còn khó khăn

Đặt vấn đề với Thủ tướng, nông dân Nguyễn Huy Dũng (Tiền Giang) cho biết, vùng ĐBSCL với khoảng 1,5 triệu hecta đất trồng lúa, 20 triệu dân, giữ vai trò then chốt về an ninh quốc gia và xuất khẩu nông sản nhưng giao thông còn hạn chế, vận chuyển nông sản còn vất vả. 

Ông Dũng dẫn chứng cho sự “vất vả”: Quốc lộ 1 đoạn từ huyện ngã tư Cai Lậy (Tiền Giang) tới đường dẫn vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và đề nghị cho biết giải pháp cho vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công và nhiều tuyến khác sắp triển khai. Theo đó, đến cuối năm 2020, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản xong (có thể đi xe trên đường đá, chưa thảm nhựa).

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung đầu tư thảm nhựa, nâng cấp Quốc lộ 1 với khoảng 1.000km để vận chuyển hàng hóa tốt hơn. 

Ngoài việc tiếp tục triển khai tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mà Bộ đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Thể nói về lâu dài sẽ tập trung Quốc lộ 60 với 2 cầu Đại Ngãi (sử dụng vốn ODA Nhật Bản) và Rạch Miễu 2 (sử dụng vốn ngân sách nhà nước).

“Sẽ khởi động dự án này trong nhiệm kỳ tới để có Quốc lộ 60 qua các tỉnh tốt nhất. Thứ hai là, đường cao tốc không chỉ tới TP. Cần Thơ, Bộ đang nghiên cứu đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Cần Thơ đến Trần Đề (Sóc Trăng), Rạch Giá - Xà Xía (nối Kiên Giang vơi Campuachia)… là những đường cao tốc trục dọc, trục ngang quan trọng, để hình thành mạng lưới giao thông tốt.

Đánh giá chung, đường bộ ĐBSCL đang yếu, chúng tôi cố gắng từng bước, trong nhiệm kỳ tới có ưu tiên nhiều hơn, đảm bảo cân đối vùng miền, phục vụ bà con tốt hơn”, ông Thể hứa.

Tuy nhiên, ông Thể cũng cho rằng, hiện 70% hàng hóa từ ĐBSCL phải vận chuyển lên các cảng ở TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu, 30% còn lại cũng qua cảng nhỏ nên đẩy chi phí lên cao. 

Về giải pháp kéo giá vận chuyển xuống, cần làm một cảng lớn ở ĐBSCL và Bộ đang tiếp thu ý kiến, khẩn trương đến tháng 7/2020 trình Chính phủ thông qua quy hoạch cảng biển ĐBSCL giai đoạn sắp tới. 

Theo đó, sẽ có cơ sở để triển khai cảng Trần Đề (Sóc Trăng) với công suất khai thác lớn gấp 10 lần cảng Cái Cui ở TP. Cần Thơ hiện tại mà theo ông Thể: “Nếu làm được sẽ giảm chi phí vận tải rất lớn, tạo sức cạnh tranh hàng hóa cho ĐBSCL”.

Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ là công trình rất lớn mà Đảng, Nhà nước và đặc biệt Chính phủ luôn quan tâm xử lý. 

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu phát triển một cách cấp bách tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và hệ thống cảng biển ở ĐBSCL để giảm chi phí vận chuyển cho nông sản, hàng hóa của vùng này.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng

Ông Lý Văn Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho biết, sạt lở hiện nay ảnh hưởng lớn đời sống người dân mà theo ông biết, toàn vùng ĐBSCL có 650 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km. 

“Theo người dân, việc sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu là do khai thác cát quá mức. Qua hội nghị này, xin Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục sạt lở và xử lý nạn khai thác cát ở ĐBSCL?”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một số công trình cấp bách sạt lở sẽ được ưu tiên sử dụng ngay vốn từ nguồn dự phòng ngân sách 2019. Bộ được giao rà soát toàn bộ tình trạng sạt lở, xác định điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách cần giải quyết sớm. 

Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng sử dụng nguồn dự phòng trung ương, giúp các địa phương khắc phục ngay. Còn sạt lở do khai thác cát, ông Dũng cho rằng, cần có sự kiểm soát đặc biệt của địa phương. “Đây là trách nhiệm, vai trò của các địa phương”, ông Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, trước hết là vấn đề sạt lở. Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có chủ trương, biện pháp để cùng bà con tháo gỡ những vấn vấn đề cấp bách.

Nông dân phải cứu mình trước

Lắng nghe nông dân phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân. Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.

“Còn nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Thời gian ngắn không thể giải quyết chi tiết thấu đáo tất cả các câu hỏi nhưng qua buổi thảo luận hôm nay có thể hình dung một cách hệ thống hơn những vấn đề nông dân quan tâm”, Thủ tướng nói.

Khái quát lại những vấn đề lớn mà nông dân nêu: Trước hết, bà con thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, thủ tục còn rườm rà, tốn thời gian, vấn đề hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng nuôi, tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất, vốn, giống, thức ăn và đặc biệt là quy hoạch rõ hơn các vùng và liên kết vùng…

Bà con nông dân còn thắc mắc về cơ chế kiểm soát để phát triển bền vững, về tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực ở bộ phận này, bộ phận khác của các cơ quan có liên quan, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, đánh cá bằng chất nổ, tồn tại bất cập về xuất khẩu lao động ở nông thôn, đặc biệt vấn đề môi trường. Công tác dự báo còn yếu kém, tình trạng được mùa rớt giá vẫn còn.

Để gỡ rối những vấn đề nêu trên cho nông dân, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam phải có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đồng thời, cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng, vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…

Một vấn đề rất lớn đối với ngành thủy sản là giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. 

Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động của người nông dân như thủ tục vay vốn, thủ tục nhận hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu, khẳng định cung ứng đủ vốn và bãi bỏ thủ tục phiền hà cho nông dân, đồng thời đặt vấn đề giảm lãi suất phù hợp để giảm chi phí cho sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Thủ tướng nêu rõ. “Đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới” như không để đất manh mún, nhỏ lẻ, Thủ tướng nhấn mạnh. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.

“Nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”, Thủ tướng đặt vấn đề về tinh thần tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.

Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, chống sạt lở và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ước tính năm 2019, cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn…

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD.

Nông sản Việt Nam hiện diện ngày một nhiều trên thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Tính đến cuối năm 2018, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,19%, chiếm 24,59% tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2018, chiếm  44-60% trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với chỉ tiêu được giao.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác được giải ngân cho vay mới với doanh số giải ngân gần 520 nghìn tỷ đồng…

Theo KTNT


Tin khác